Gánh nặng trên vai các trường sư phạm

Thứ tư - 02/10/2019 23:15 335 0

Gánh nặng trên vai các trường sư phạm

GD&TĐ - Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng GV hướng tới dạy học phát triển năng lực là xu thế tất yếu của quá trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể. Tuy nhiên, để biến các ý tưởng dạy học phát triển năng lực thành hiện thực là một vấn đề không ít thách thức, khó khăn, đặc biệt đối với GV môn Ngữ văn.

Những điểm bứt phá mới

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên CTGDPT môn Ngữ văn mới cho biết: CT Ngữ văn 2018 kế thừa CT hiện hành và phát triển với một bứt phá mới, thiết kế theo hướng hình thành và phát triển năng lực người học với một số tư tưởng cốt lõi như chú ý tới yêu cầu vận dụng những điều đã học vào thực hành và giải quyết các vấn đề gắn với cuộc sống. Các nội dung cần dạy và học được xác định, lựa chọn dựa trên các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực.

Chương trình theo hướng mở, chỉ quy định một số kiến thức Tiếng Việt, Văn học cốt lõi bắt buộc, còn lại để các tác giả SGK và GV chọn, phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong việc lựa chọn văn bản (VB) đọc hiểu cho phù hợp với đối tượng. Tất nhiên, việc lựa chọn VB phải dựa theo tiêu chí của CT.

Dạy học theo hướng phát triển năng lực đòi hỏi GV cần thay đổi, từ bỏ một số thói quen quá lâu ngày dạy theo cách cũ ở tất cả các phương diện (phân môn). Trước hết là dạy đọc hiểu văn bản, GV phải chuyển từ cách dạy giảng văn sang dạy đọc hiểu văn bản; chuyển từ việc nói cho HS nghe những gì thầy cô hiểu, yêu thích về văn bản - tác phẩm sang hướng dẫn để các em tìm ra cái hay cái đẹp của tác phẩm theo cách nhìn và suy nghĩ cảm nhận của chính HS.

Sách giáo khoa Ngữ văn mới được biên soạn theo hướng tinh giản, không chạy theo số lượng, hiện đại và thiết thực giúp học sinh đạt được yêu cầu về năng lực. Sách được triển khai theo hướng tích hợp và có sự phân hóa. Đó là tích hợp liên môn và nội môn, tích hợp xuyên suốt và đồng bộ tạo ra hiệu quả nền tảng kiến thức sâu rộng cho người học. Đồng thời có sự phân hóa để phù hợp với đối tượng và sở thích của học sinh…

Trên cơ sở những điểm mới căn bản của chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, vấn đề hết sức cấp thiết là giúp GV chuyển từ dạy học theo nội dung sang dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Dạy học phát triển năng lực không hướng nhiều đến việc cung cấp thật nhiều kiến thức ngôn ngữ và văn học mà quan tâm đến việc vận dụng những kiến thức ấy, quan tâm đến năng lực giao tiếp của người học, cụ thể là HS cần có năng lực ngôn ngữ và năng lực tự học.

Gánh nặng trên vai các trường sư phạm - Ảnh minh hoạ 2
 Ảnh minh họa/ Internet

Thách thức lớn với giáo viên

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, dạy học Ngữ văn theo hướng phát huy năng lực là thách thức lớn đối với thực trạng dạy học Ngữ văn ở nước ta. Trước hết do thói quen, quán tính của lối dạy cũ. GV chỉ thích nói những gì mình thích cho HS nghe; đọc cho HS chép và đánh giá cao những gì HS nói, viết đúng ý mình. Tiếp đến là cách thức đào tạo trong các trường sư phạm.

CT Ngữ văn ở trường PT đã chủ trương dạy đọc hiểu từ 20 năm trước, nhưng cho đến nay hầu như chưa có một giáo trình nào về phương pháp dạy học (PPDH) đọc hiểu cho SV các trường sư phạm. Các tổ PPDH tại các nhà trường SP vẫn mò mẫm tự tìm lối đi, mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu sự thống nhất trong quan niệm và lý thuyết dạy học đọc hiểu. Hầu hết các tài liệu hiện nay đều nặng về lý thuyết đọc hiểu, trong khi vấn đề đặt ra với công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phải là cách đọc hiểu (PPDH đọc hiểu), tức là dạy đọc hiểu như thế nào chứ không chỉ đọc hiểu là gì?

 Trong chương trình Ngữ văn trung học hiện hành, những vấn đề văn bản và đời sống đều gợi mở rất nhiều cách cảm nhận, đánh giá khác nhau. HS có thể tiếp nhận nhiều luồng thông tin, nhiều nguồn tri thức. Vì thế, kích thích khả năng phản biện phải đi đôi với sự định hướng tư duy và nhận thức. Những gì các em tiếp thu hôm nay trong nhà trường sẽ được kiểm chứng gắt gao và rất nhanh ở đời sống xã hội cũng như ở các bậc học kế tiếp. Đây là những thách thức không nhỏ đối với trình độ và bản lĩnh của người GV Ngữ văn. 
TS Đặng Lưu, Viện SP xã hội, Trường ĐH Vinh

Bên cạnh đó, chúng ta chưa có giáo trình về dạy viết (PPDH tạo lập văn bản); cách dạy nghe và nói theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho HS. Việc bồi dưỡng GV vẫn chú trọng những chuyên đề bổ sung kiến thức, ít chú ý tới PPDH theo yêu cầu mới.

Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT khởi động tạo sự chuyển biến trong dạy học theo hướng phát triển năng lực cả về PPDH và kiểm tra, đánh giá nhưng vẫn chưa có tài liệu nào giải quyết đúng mực và thỏa đáng về PPDH đọc hiểu về đánh giá năng lực trong môn Ngữ văn. Việc chỉ đạo dạy học Ngữ văn từ Trung ương đến địa phương hầu như buông thả, không có tư tưởng, thiếu định hướng rõ ràng, thống nhất...

Khoảng trống trong đào tạo và bồi dưỡng

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, dạy học theo hướng hình thành và phát triển năng lực là một xu thế tất yếu không chỉ trong dạy học Ngữ văn. CT 2018 được xây dựng theo hướng đó. Tuy nhiên, để biến các ý tưởng dạy học phát triển năng lực thành hiện thực là một vấn đề không ít thách thức, khó khăn.

“Đọc hiểu là gì đã khó, đọc hiểu như thế nào lại còn khó hơn, khó nhất là thực hành đọc hiểu trên lớp. Để có kết quả, trước hết phải trông chờ vào chất lượng của việc bồi dưỡng và đào tạo GV. Gánh nặng này đang đè lên vai các trường SP, nhà nghiên cứu Ngữ văn, chuyên gia về PPDH môn học này. Một khoảng trống mênh mông cần san lấp về dạy học phát triển năng lực môn Ngữ văn vẫn còn đó”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhận định.

Muốn lấp đầy khoảng trống đó, theo TS Đặng Lưu, Viện Sư phạm xã hội, Trường ĐH Vinh cho rằng, cần một chính sách đồng bộ, sự phối hợp của nhiều lực lượng, nỗ lực của đội ngũ GV, sự cộng hưởng của toàn xã hội. Lời cảnh báo ấy không nhằm gây hoang mang mà chủ yếu nêu lên một đòi hỏi tất yếu khách quan về đội ngũ – nhân tố quan trọng bậc nhất đảm bảo cho sự nghiệp đổi mới GD thành công.

Tác giả bài viết: Lê Đăng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập344
  • Hôm nay24,762
  • Tháng hiện tại302,892
  • Tổng lượt truy cập51,658,851
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944