Giáo dục mầm non nhiều thách thức nhất, cần được quan tâm nhất

Thứ ba - 23/07/2024 04:03 33 0
GD&TĐ - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024; phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025 với giáo dục mầm non.
Giáo dục mầm non nhiều thách thức nhất, cần được quan tâm nhất

Nhiều thách thức nhất nên cần được quan tâm nhiều nhất

Khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục mầm non, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đây cũng là bậc học nhiều khó khăn, thách thức nhất. Trên quy mô quốc gia, những “cái nhất” cần được khắc phục đều có ở giáo dục mầm non: thiếu cơ sở vật chất nhiều nhất; thiếu giáo viên nhiều nhất, tỷ lệ giáo viên trên lớp thấp nhất; tỷ lệ trường học tạm nhiều nhất; giáo viên nghỉ việc nhiều nhất; lương thấp nhất; áp lực nhiều nhất; các chính sách sách ưu tiên, ưu đãi đầu tư ít nhất…

Thách thức cụ thể của giáo dục mầm non cũng được Bộ trưởng nhìn nhận ở khía cạnh khó đong đếm về mặt thành tích; từ đó phần nào ảnh hưởng đến sự quan tâm. Nếu cấp học cao hơn, việc tính thành tích dễ dàng, có thể từ giáo dục mũi nhọn, số lượng học sinh giỏi, kết quả các kỳ thi…; nhưng với giáo dục mầm non chỉ là con số tỷ lệ phổ cập, tỷ lệ trẻ đến trường, còn về chiều sâu khó đưa thành tỷ lệ, tính đếm thành tích.

Cùng với đó, lương thấp nhưng công việc vất vả, nhiều áp lực tạo thách thức lớn để bảo đảm cả về số lượng và chất lượng đội ngũ. Giáo viên thiếu và khó tuyển. Cải cách tiền lương nhưng với bộ phận lương đang thấp như giáo viên mầm non, tiểu học thì không có cải thiện đáng kể, nếu chưa điều chỉnh được phụ cấp ưu đãi. Bên cạnh đó, sự đa dạng loại hình, phân tán về mạng lưới dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn rất cao. Phát triển chương trình giáo dục mầm non cũng là công việc khó.

Thách thức của giáo dục mầm non còn ở con số trên 15% trường học tạm, chưa kiên cố hóa; số lượng này phân bố không đều ở các địa phương, thể hiện còn có sự bất bình đẳng trong điều kiện giáo dục. “Thực hiện công bằng giáo dục cần bắt đầu từ kiên cố hóa trường, lớp học. Với mầm non, ý nghĩa kiên cố hóa trường học quan trọng hơn các bậc học khác vì trẻ em cần được hưởng thụ điều kiện chăm sóc tốt hơn”, Bộ trưởng cho hay.

Xã hội hóa giáo dục là xu hướng tất yếu cần thúc đẩy và giáo dục mầm non có tỷ lệ xã hội hóa cao nhất. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng đồng thời lưu ý tính hai mặt: Xã hội hóa mang lại nhiều cách tiếp cận và cơ hội giáo dục; nhưng nếu không thận trọng sẽ xuất hiện xu hướng phó thác cho xã hội nhiều hơn.

mam non 1.jpg
Chủ trì Hội nghị: Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh.

Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến chuẩn bị phổ cập cho trẻ 3, 4 tuổi. Nếu triển khai sẽ cần thêm chỗ học cho khoảng hơn 2 triệu trẻ. Đây là thách thức rất lớn, vấn đề thiếu trường lớp sẽ tăng lên. Nhưng đây đồng thời cũng là cơ hội để cải thiện điều kiện cơ sở vật chất với cấp học này.

Với nhiệm vụ thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới, tính thách thức cũng được Bộ trưởng nhắc đến; từ đó lưu ý cần thận trọng khi triển khai và tổng kết trung thực nhất về cả ưu, nhược điểm của chương trình; không vì làm đẹp bức tranh thí điểm của đơn vị, địa phương mình mà báo cáo không đầy đủ, thiếu trung thực…

Nói về thách thức liên quan đến chuyển đổi số, Bộ trưởng lưu ý việc này ở giáo dục mầm non cần triển khai thận trọng, phù hợp với độ tuổi. Vấn đề sắp xếp các trường CĐ sư phạm đào tạo giáo viên mầm non, Bộ trưởng cho rằng cần triển khai làm sao không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp giáo viên…

Nhiều thách thức như vậy, trong khi giáo dục mầm non có vai trò vô cùng quan trọng, cũng là cấp học khó nhất, ở cả việc chăm sóc trẻ và tính tích hợp các khoa học giáo dục. Nếu trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt nhất trong giai đoạn này, sẽ phát triển nhân cách, tình cảm, sức khỏe thể chất… tốt nhất.

“Với nhiều lý do như vậy, chúng ta cần có sự quan tâm rất đặc biệt đến giáo dục mầm non”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

mam non 2.jpg
Bộ trưởng thảo luận với các đại biểu bên lề Hội nghị.

Nội bộ ngành cần tự đổi mới trước khi trông chờ yếu tố ngoại lực

Đưa ra một số vấn đề quan trọng cần lưu ý triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đầu tiên đến yêu cầu tự đổi mới trong nội bộ ngành. Bản bản thân người trong cuộc còn chưa đổi mới được trong quan niệm, nhận thức, tầm quan trọng, sự chú ý và quan tâm đến cấp học này, thì rất khó để thuyết phục lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các cấp quan tâm.

Tiếp đến, cần quan tâm hơn nữa đến cải cách hành chính, giảm áp lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Đây là yêu cầu cấp bách, cần làm ngay.

Cần tranh thủ chủ trương phổ cập và các chương trình mục tiêu quốc gia để kiên cố hóa, tiến tới hiện đại hóa trường lớp đối với giáo dục mầm non. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt với hệ thống cơ sở ngoài công lập, nhóm trẻ độc lập.

Đề cập đến xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ trưởng mong muốn có sự quan tâm, góp ý trách nhiệm, tâm huyết của người trong cuộc, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, nhất là những nội dung về bảo vệ nhà giáo.

Dự thảo Luật đang xây dựng trên tinh thần chuyển từ quản lý mang tính hành chính sang quản trị nguồn nhân lực đối với nhà giáo. Luật cũng nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, đem lại nhiều ưu thế và quyền lợi hơn cho đội ngũ. Tuy nhiên, song song với đó, Luật cũng yêu cầu, đòi hỏi nhà giáo phải phấn đấu phát triển nhiều hơn, tạo tiền đề và căn cứ để nâng cao chất lượng giáo dục và làm điều kiện để khôi phục, nâng cao sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo. Đó là hai phương diện trong việc xây dựng Luật cần làm công tác tư tưởng với đội ngũ.

Cũng liên quan đến xây dựng chính sách, Bộ trưởng mong muốn đội ngũ cùng nêu vấn đề và thuyết phục xã hội để càng nhanh càng tốt nâng cao phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học. Điều chỉnh chính sách cần sự kiên trì và sẽ hiệu quả nếu có sự hô ứng, mọi người cùng lên tiếng, đồng lòng thuyết phục.

hoi nghi 2.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu kết luận Hội nghị.

3 nhóm vấn đề quan trọng cần lưu ý trong năm học mới

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận, biểu dương những kết quả tích cực đạt được trong năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non.

Để triển khai nhiệm vụ năm học mới, dự thảo báo cáo đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm. Từ tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng và những ý kiến góp ý sẽ hoàn thiện dự thảo để sớm ban hành phương hướng, nhiệm vụ với giáo dục mầm non trong năm học 2024-2025.

Trong phát biểu kết luận, Thứ trưởng nhấn mạnh đến 3 nhóm vấn đề: Công tác tham mưu các cơ chế chính sách; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và vấn đề quản lý, quản trị.

Về chính sách, hai nhiệm vụ hết sức quan trọng là tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và Nghị quyết về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non. Cùng với đó, quan tâm làm sao tăng thu nhập của đội ngũ giáo viên trên cơ sở lương cơ bản mới, phụ cấp và chính sách hỗ trợ của địa phương để thầy cô yên tâm công tác. Tiếp đến là vấn đề xã hội hóa và quy hoạch mạng lưới trường lớp với giáo dục mầm non.

Với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Thứ trưởng nhấn mạnh 2 từ khóa là “vận động” và “an toàn”. Vận động để cải thiện thể trạng, thể lực, rèn luyện thể chất, từ đó phát triển trí tuệ và các kỹ năng cho trẻ. An toàn từ vệ sinh thực phẩm đến nuôi dưỡng chăm sóc... Từ đó, thực hiện tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

mam non 3.jpg
Nhiều ý kiến của địa phương trao đổi, thảo luận tại Hội nghị.

Về quản lý, quản trị, Thứ trưởng cho rằng, cần thay đổi nhận thức, vị thế, sự quan tâm đối với giáo dục mầm non, trước hết là trong nội bộ ngành. Cùng với đòi hỏi quyền lợi chính đáng thì chính chúng ta phải tự trưởng thành để đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của phụ huynh, của xã hội, tránh xảy ra vi phạm, sai sót đáng tiếc.

Đồng thời, từng người phải làm đúng vị trí việc làm, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt cải cách mạnh mẽ lề lối, thói quen làm việc để làm sao giảm áp lực nhưng vẫn tăng hiệu quả công việc. Làm tốt công tác truyền thông, không chỉ xử lý sự cố mà nhằm tăng cường sự thấu hiểu, chia sẻ, tăng cường đồng thuận của toàn xã hội. Cuối cùng, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, ngoài nghiệp vụ chuyên môn cần tăng cường kỹ năng và nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhất công việc của mình.

Tại hội nghị, đại diện các sở GD&ĐT đã chia sẻ những kết quả đạt được, vấn đề còn khó khăn, hạn chế khi triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non tại địa phương; từ đó nêu kiến nghị, đề xuất để triển khai hiệu quả hơn nhiệm vụ trong năm học tới. Một số vấn đề được tập trung thảo luận, trao đổi liên quan tới: công tác tham mưu và triển khai thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non; chuẩn bị điều kiện thực hiện thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới; công tác xã hội hóa với giáo dục mầm non; công tác quản lý dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục mầm non…

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập781
  • Hôm nay50,614
  • Tháng hiện tại328,744
  • Tổng lượt truy cập51,684,703
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944