Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản

Thứ sáu - 21/09/2018 10:47 525 0
GD&TĐ - Đây là lời khuyên của Tiến sĩ Ralf Muhlberger - Chuyên gia đào tạo Trường ĐH Công nghệ Queensland (Úc) với các trường ĐH Việt Nam trong vấn đề đảm bảo chất lượng.
Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản

Nhân chuyến công tác tại Việt Nam, làm việc với ĐH Thái Nguyên và Trường ĐH Tây Bắc nhằm tư vấn, hỗ trợ các trường ĐH trong vấn đề kiểm định chất lượng ĐH, chuyên gia ĐH người Úc đã có cuộc trao đổi với báo GD&TĐ xung quanh vấn đề đảm bảo chất lượng tại các trường ĐH Việt Nam hiện nay cũng như những bài học kinh nghiệm của các trường ĐH Úc.

Việt Nam sử dụng bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng ĐH tốt nhất hiện nay

- Thưa Tiến sĩ Ralf Muhlberger, ông có nhận xét gì về cách thực hiện đảm bảo chất lượng của các trường ĐH quốc tế và Việt Nam?

Để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của sinh viên cùng áp lực rất lớn của thị trường lao động, các trường ĐH ở châu Âu, Úc, Mỹ phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng thông qua việc xây dựng bộ tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng. Bộ tiêu chuẩn này thay đổi rất nhiều trong thời gian qua. Việc có các bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng giúp các trường ĐH ngày càng trưởng thành hơn. Khi các trường phát triển hơn, họ lại tập trung cải tiến, xây dựng các bộ tiêu chuẩn phù hợp hơn nữa.

Theo tôi được biết, Bộ GD&ĐT Việt Nam đang sử dụng Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của ASEAN (AUN-QA) về đảm bảo chất lượng đào tạo. Đây là cách làm tốt nhất hiện nay. Đáng chú ý là các trường ĐH Việt Nam lại đang có nhiều lợi thế vì có thể học hỏi để tránh được sai lầm của các trường ĐH quốc tế khác. Việc thực hiện đảm bảo chất lượng đòi hỏi phải có thời gian và thậm chí cả chi phí nữa. Nếu Việt Nam chọn được hệ thống đảm bảo chất lượng hoàn thiện, cập nhật, hiện đại của thế giới thì sẽ rất tốt cho các trường ĐH.

- Dưới góc nhìn chuyên gia, đảm bảo chất lượng đóng vai trò gì trong việc tự chủ của các trường ĐH, thưa ông?

Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản - Ảnh minh hoạ 2Tiến sĩ Ralf Muhlberger

Các trường ĐH tại Úc nhận ngân sách của Chính phủ, có trách nhiệm giải trình với những người đóng thuế ở Úc và các sinh viên. Hệ thống đảm bảo chất lượng có chức năng đảm bảo tính nhất quán của các trường ĐH để làm sao sinh viên không bị rơi vào trường hợp đăng ký vào một trường nào đó xong lại phát hiện ra trường đó quá tệ không thể theo học được. Chính vì tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng một cách nhất quán ở các trường ĐH như vậy, trước đây, Chính phủ Úc áp đặt việc xây dựng và đảm bảo chất lượng ở trong các trường ĐH. Nhưng sau một quá trình thực hiện, khi đã đi vào nền nếp rồi, Chính phủ Úc rút dần sự can thiệp, để các trường tự kiểm định, chỉ cần các trường gửi báo cáo, cơ quan có thẩm quyền tin cậy vào cách thu thập dữ liệu và độ trung thực của các trường trong thực hiện đảm bảo chất lượng.

Tự chủ của các trường ĐH không phải để các trường làm gì thì làm mà để các trường được giảng dạy những gì họ cho là cần thiết cho nhu cầu đào tạo đối với sinh viên cũng như là thị trường. Nếu các trường chứng minh được các quy trình cũng như cách thể hiện của họ là chuẩn mực theo yêu cầu đảm bảo chất lượng, Chính phủ không cần phải cử thanh tra xuống giám sát nữa.

Theo tôi hiểu, GD ĐH Việt Nam cũng đang xây dựng việc bảo đảm chất lượng theo hướng này. Trước đây, có quy định “cứng” trong chương trình giảng dạy ĐH, hiện các trường đã tự chủ hơn trong chương trình đào tạo, được giảng dạy các ngành học họ cảm thấy cần thiết, các trường sẽ tự kiểm định, đảm bảo chất lượng của mình theo các quy định, tiêu chuẩn Bộ GD&ĐT đặt ra. Khi tới một mức độ nhất định nào đó, phần can thiệp, giám sát của Bộ sẽ ít đi. Cách làm này của các trường ĐH Việt Nam khi thực hiện đảm bảo chất lượng đã rất tiệm cận với cách làm của các trường ĐH Úc.

Lựa chọn đường khó để theo xu hướng chung của ĐH thế giới

Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản - Ảnh minh hoạ 3
Tiến sĩ Ralf Muhlberger trao đổi với các cán bộ, giảng viên ĐH Thái Nguyên trong buổi làm việc nhóm 

- Ông đã có nhiều buổi làm việc tại ĐH Thái Nguyên để tư vấn, hỗ trợ cho các trường trong việc thực hiện các dự án sau khóa học ngắn hạn trong khuôn khổ Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) về Đảm bảo chất lượng ĐH, ông đánh giá thế nào về các dự án này?

Để đảm bảo chất lượng ĐH cần 3 yếu tố: Cách tiếp cận có hệ thống, toàn diện; Xây dựng văn hóa đảm bảo chất lượng; Sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp. Qua trao đổi với lãnh đạo các trường ĐH thành viên và ĐH Thái Nguyên, tôi thấy ban lãnh đạo các trường rất ủng hộ và hào hứng đón chờ những thay đổi. Đây là điều rất tuyệt vời để có thể xây dựng được hệ thống đảm bảo chất lượng ĐH.

Cái khó nhất để đảm bảo chất lượng ĐH là xây dựng văn hóa về đảm bảo chất lượng - làm thế nào để mọi người hiểu đảm bảo chất lượng hay sự phát triển liên tục của nhà trường là công việc chung của tất cả mọi người. Cách làm trước đây là coi việc đảm bảo chất lượng là công việc của một ai đó được giao phụ trách kiểm tra, giám sát quá trình đảm bảo chất lượng của nhà trường. Làm như cách cũ này không còn hiệu quả nữa. Hiện các trường ĐH đang thực hiện đảm bảo chất lượng theo hướng để cho tất cả cán bộ giảng viên trong trường đều hiểu rằng việc đó là việc chung của nhà trường.

Khóa học ngắn hạn trong khuôn khổ Aus4Skills về Đảm bảo chất lượng ĐH đào tạo một nhóm cán bộ có năng lực và thực hiện đảm bảo chất lượng ĐH. Nhóm cán bộ này sau đó sẽ chia sẻ kinh nghiệm với những đồng nghiệp khác trong trường, qua đó xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng. Trong chuyến công tác lần này, tôi rất vui khi có cơ hội chia sẻ với đông đảo cán bộ, giảng viên của ĐH Thái Nguyên và các trường ĐH thành viên, tạo dựng một hiểu biết chung về đảm bảo chất lượng, thực hiện trong toàn bộ hệ thống của ĐH Thái Nguyên, qua đó tạo ra sự thay đổi về văn hóa đảm bảo chất lượng.

Khi bắt đầu triển khai đảm bảo chất lượng ĐH, chúng ta đã tự nâng tầm mình lên như một trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Tôi cho rằng, các trường ĐH thành viên cũng như ĐH Thái Nguyên đã đi rất đúng hướng trong việc này. Chúng ta lựa chọn con đường khó khăn nhưng làm như vậy ngay từ bây giờ còn hơn cứ để nhà trường xa dần so với xu hướng chung của GD ĐH thế giới.

- Ông nhấn mạnh thực hiện đảm bảo chất lượng cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên trong nhà trường. Nhưng dường như dự án của các học viên sau khóa học còn đi quá mong đợi của ông và các chuyên gia Úc?

Lợi thế của các trường ĐH Việt Nam trong việc đảm bảo chất lượng là rút được các bài học kinh nghiệm, tránh được những sai lầm, đi tắt đón đầu. Nhưng kèm theo đó cũng có cái dở. Đó là trong khi các trường ĐH Úc nếu sai thì làm lại, thay đổi một cách từ từ thì với các trường ĐH Việt Nam, đó sẽ là sự thay đổi lớn và đột ngột. 
  
Tiến sĩ Ralf Muhlberger

Lãnh đạo ĐH Thái Nguyên cùng một số trường ĐH thành viên đã sang Úc học tập, khi trở về Việt Nam, họ làm việc theo 3 nhóm và xây dựng 3 dự án vận dụng các kinh nghiệm đảm bảo chất lượng của Úc vào Việt Nam. 3 dự án này tương ứng với 3 mảng nhu cầu về đảm bảo chất lượng của nhà trường. Nhìn chung tôi thấy các dự án rất tốt.

Sở dĩ gọi là dự án ứng dụng vì chúng tôi muốn các học viên vận dụng những gì đã học ở Úc vào Việt Nam. Cách làm này chúng tôi gọi là học qua thực hành. Qua việc vận dụng, chiêm nghiệm và suy nghĩ, tôi nghĩ các học viên sẽ nhận ra những thay đổi giữa những cách làm trước đây và cách làm theo thông lệ của quốc tế bây giờ.

Việc chúng tôi giảng dạy, chia sẻ cách đảm bảo chất lượng và việc áp dụng trong hoàn cảnh của Việt Nam là cả một vấn đề lớn. Qua quá trình áp dụng trong thực tế mới lộ ra những xung đột, khó khăn mà khi giảng dạy chúng ta không thể lường trước được. Và tôi rất tự hào nói rằng các trường đã tương đối thành công. Thành công ở đây không phải là họ đã xây dựng được ngay một hệ thống đảm bảo chất lượng - vì điều đó chưa diễn ra - mà thành công theo nghĩa các trường ĐH Việt Nam đang áp dụng đúng hướng những gì chúng tôi đã chia sẻ, giảng dạy ở Úc, vượt qua những khó khăn trong quá trình vận dụng thực tế. Khi giải quyết được những căng thẳng, xung đột đó, tôi tin các trường sẽ làm tốt các công việc tiếp theo. Lúc đó, chuyên gia chúng tôi có thể yên tâm đứng lùi lại phía sau quan sát, hỗ trợ nếu các nhà trường cần!

Hãy bắt đầu từ những thứ đơn giản

- Lời khuyên của ông với các trường ĐH Việt Nam hiện nay trong vấn đề đảm bảo chất lượng ĐH?

Theo tôi, hãy bắt đầu từ những thứ đơn giản. Hãy nhìn lại những gì chúng ta làm lâu nay xem có cải thiện được bước nào không. Điều mấu chốt là đừng “ngâm” dữ liệu mà để dữ liệu liên tục lưu thông, thường xuyên được cập nhật, tổng hợp.

Cách làm trước đây các trường ĐH sẽ được kiểm định 5 năm, 7 năm/lần, trường sẽ dồn hết tâm sức để chuẩn bị các hồ sơ, các minh chứng, tài liệu để phục vụ đánh giá ngoài của Chính phủ. Nhưng cách làm đấy khá đối phó và khi nhà trường dồn hết sức vào thu thập minh chứng, chuẩn bị tài liệu, không còn thời gian để tạo ra các thay đổi cần thiết cho chất lượng của nhà trường.

Còn cách làm mới hiện nay là lồng ghép việc đảm bảo chất lượng vào từng hoạt động của nhà trường, nhất là trong hoạt động giảng dạy. Với sự hỗ trợ của hệ thống thông tin điện tử, máy móc, các hoạt động giảng dạy của giảng viên, các thông số, dữ liệu về quá trình giảng dạy… đều được ghi chép lại. Giảng viên có khó khăn gì trong quá trình giảng dạy đều được phát hiện ra ngay và giải quyết ngay tức thì. Quy trình này được gọi là rà soát nội bộ, được thực hiện thường xuyên, liên tục, giúp chúng tôi phát hiện được các nguy cơ, vấn đề, rủi ro, giảm sự cần thiết phải tổng hợp thông tin, dữ liệu lớn sau một thời gian 5 - 7 năm.

Để đảm bảo chất lượng một cách toàn diện, cần phải xem xét nhu cầu, lợi ích của tất cả các bên liên quan. Khái niệm đảm bảo chất lượng xuất phát từ các doanh nghiệp - chất lượng tốt hơn là doanh thu nhiều hơn. Nhưng trong môi trường của các trường ĐH, chất lượng tốt hơn không hẳn là doanh thu nhiều hơn. Để đảm bảo chất lượng ĐH, hãy đặt các câu hỏi: Cơ hội việc làm cho sinh viên nhà trường sau khi tốt nghiệp có cao hơn không? Công ty tuyển dụng sinh viên do trường đào tạo ra lợi thế cạnh tranh có được cải thiện hơn không? Đối với sinh viên đang học của trường, đảm bảo chất lượng là môi trường học tập có tốt hơn không?… Đặt các câu hỏi như vậy và xem xét lợi ích, nhu cầu của tất cả các bên liên quan trong quá trình này, chúng ta sẽ có cái nhìn toàn cảnh về đảm bảo chất lượng của một trường ĐH.

-Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!


Tác giả bài viết: Gia Hân (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập749
  • Hôm nay32,011
  • Tháng hiện tại310,141
  • Tổng lượt truy cập51,666,100
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944