Để tự chủ đại học thật sự đi vào cuộc sống

Thứ bảy - 22/09/2018 03:08 549 0
GD&TĐ - Đến nay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ, các điều kiện để được tự chủ, cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản cũng như chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra với cơ sở giáo dục ĐH khi thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, nhìn từ yêu cầu làm thế nào để tự chủ ĐH thực sự đi vào cuộc sống, một số vấn đề cần được tiếp tục xem xét để góp phần hoàn thiện thể chế tự chủ ở nước ta.
Để tự chủ đại học thật sự đi vào cuộc sống

Những nút thắt trong thực hiện tự chủ ĐH

Phát biểu tại diễn đàn khoa học tự chủ trong giáo dục ĐH – những vấn đề đặt ra do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 21/9, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT – cho rằng: Trong Luật Giáo dục ĐH năm 2012 có nhiều điều cụ thể hóa tinh thần tự chủ, nhưng 5 năm triển khai có thể thấy, tự chủ ĐH từ trên văn bản đến thực tế có một khoảng cách lớn.

Có khoảng cách này, theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, là do các rào cản cơ bản: Sự phân kì trong nhận thức về tự chủ ĐH; sự thiếu nhất quán về thể chế liên quan đến các quy định về vai trò của hội đồng trường và về các điều kiện để cơ sở giáo dục ĐH được quyên tự chủ; sự tồn tại của lợi ích nhóm.

Cuối cùng, đến nay vẫn chưa hình thành trong giáo dục ĐH nước ta một cơ chế tổ chức thực hiện hữu hiệu trong đó tự chủ ĐH phải đặt trong mối quan hệ tương tác và phản hồi là đánh giá và giải trình, thường được gọi là mô hình “3A”.

Nhìn lại quá trình một năm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH, theo nhận định của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, đây là quá trình làm việc rất nghiêm túc của Ban soạn thảo… Khi Dự thảo đưa Quốc hội, nói chung, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá có tiến bộ rõ nét, như đã rõ hơn về nội dung tự chủ, gắn tự chủ với trách nhiệm giải trình, làm rõ hơn vai trò của Hội đồng trường (HĐT) (HĐT trong Dự thảo có vai trò rất mạnh), phạm vi và mức độ tự chủ cũng khá rõ trong Dự thảo Luật…

Nhưng, cũng theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, bên cạnh những ưu điểm trên, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng còn nhiều điều cần phải làm rõ hơn nữa, như khái niệm tự chủ; lộ trình tự chủ; làm rõ trách nhiệm giải trình để điều này không chỉ dừng lại ở trên văn bản và không gắn kết với tự chủ; HĐT phải có năng lực phù hợp mới phát huy được thực quyền.

Để tự chủ đại học thật sự đi vào cuộc sống - Ảnh minh hoạ 2
Triển khai tự chủ đại học là cánh cửa rộng để phát triển hệ thống GD đại học

Một số quan điểm cần phải thống nhất

Để giải quyết được những vấn đề nói trên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh: Cần có một số quan điểm phải thống nhất. Điều đầu tiên là khái niệm về tự chủ. Tự chủ ĐH là một khái niệm luôn có nhiều tranh cãi trên thế giới.

Tuy nhiên, thực tế tự chủ ĐH hiện nay cho thấy đó là sự tái phân bổ quyền lực theo hướng Nhà nước giao một số quyền quyết định cho nhà trường trong các lĩnh vực chuyên môn, tổ chức, nhân sự và tài chính với niềm tin rằng, nhà trường có điều kiện để ra các quyết định phù hợp và hiệu quả hơn, khả thi hơn. Do đó, tự chủ là một phương thức quản lý nhà trường chứ không phải là một mục tiêu mà nhà trường cần theo đuổi.

Điều thứ hai cần thống nhất là mục đích của tự chủ. Theo đó, mục đích cuối cùng của tự chủ là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn cho thấy không có mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa tự chủ ĐH với chuẩn đầu ra của nhà trường. Nói cách khác, tự chủ ĐH chỉ là điều kiện cần, một thành tố trong một tập hợp các thành tố để nhà trường nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Về các thành tố đi liền với tự chủ ĐH, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh: Thành tố đầu tiên, nhất thiết phải có để đảm bảo tự chủ ĐH thành công trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo là trách nhiệm giải trình. Ngoài trách nhiệm giải trình, các nghiên cứu còn chỉ ra sự cần thiết của một số thành tố khác, trong đó nhất thiết phải có 2 thành tố: Nhà trường phải được kiểm định và công nhận về chất lượng; nhà trường có một hội đồng trường có năng lực và thực lực.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ĐH trong cùng hệ thống không “sẵn sàng” như nhau cho việc thực hiện tự chủ ĐH, vì vậy, theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, tự chủ ĐH không thể thực hiện ngay và đồng loạt mà cần có lộ trình. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần có sự chuyển đổi về tư duy, tổ chức và năng lực để “sẵn sàng” cho tự chủ ĐH.

Để tự chủ đại học thật sự đi vào cuộc sống - Ảnh minh hoạ 3
“Vì có rất nhiều chủ thể tham gia vào hệ thống giáo dục ĐH, mỗi chủ thể có ý kiến khác nhau nên ý kiến rất phân kì. Tự chủ ĐH là vấn đề phức tạp và không phải có lời giải duy nhất. Đây là vấn đề hiện nay Ban soạn thảo đang vướng” – TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho hay.                                    TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến

Đề xuất giúp hoàn thiện thể chế tự chủ ĐH

Để góp phần hoàn thiện thể chế tự chủ ở nước ta, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, cần tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa HĐT với cơ quan chủ quản; năng lực quản trị cần thiết để quyền lực của HĐT được sử dụng đúng mục đích. Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã có chủ trương phân định quản lý Nhà nước với quản trị cơ sở giáo dục ĐH; cần xem xét, cụ thể hóa chủ trương trên theo hướng quy định các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ĐH có quyền hạn và trách nhiệm trong phạm vi công việc thuộc nội dung quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH, không can thiệp vào những công việc thuộc phạm vi thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH.

Về năng lực HĐT, theo kinh nghiệm quốc tế, cần ban hành văn bản dưới luật cùng các tài liệu hướng dẫn về quản trị tốt, tổ chức tập huấn cho các thành viên HĐT.

Về trách nhiệm giải trình, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, hiện các quy định về trách nhiệm giải trình chưa rõ: Giải trình với ai, giải trình cái gì và giải trình như thế nào? Cần thống nhất rằng, cơ chế giải trình là cơ chế để Nhà nước vẫn giữ được quyền kiểm soát của mình khi giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH. Ngoài ra, phải đổi mới đồng bộ các cơ quan quản lý về tư duy, cách làm, cách quản lý… để tạo sự đồng bộ quản lý Nhà nước và quản trị nhà trường.

Điều cũng vô cùng quan trọng nữa là phải có quy định về tự do học thuật. “Các đại biểu ủng hộ tự do học thuật cho rằng, đây là quyền tự do mà giảng viên nhất thiết phải có trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhưng đây cần hiểu là quyền tự do trong khuôn khổ pháp luật, gắn với đạo đức và trách nhiệm xã hội của giảng viên.

Các ý kiến này cho rằng, nếu tự chủ ĐH phải đi đôi với trách nhiệm giải trình thì tự do học thuật phải đi đôi với trách nhiệm xã hội… Vì vậy, có thể xem xét bổ sung một khoản về nhiệm vụ và quyền của giảng viên theo hướng quy định giảng viên có quyền độc lập và tự do về tư tưởng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc bảo vệ và phục vụ lợi ích của Nhà nước và xã hội” – TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho hay.

Tác giả bài viết: Thảo Đan (ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập582
  • Hôm nay17,061
  • Tháng hiện tại295,191
  • Tổng lượt truy cập51,651,150
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944