Đây là mô đun quan trọng tập trung vào phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Mô đun này có nhiều điểm khác biệt so với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành. Ở phương pháp mới, người học sẽ được đánh giá năng lực dựa trên ngữ cảnh học tập, thực tiễn cuộc sống, hoạt động giáo dục, trải nghiệm của bản thân; thông qua công cụ đánh giá về nhiệm vụ, bài tập trong tình huống, bối cảnh thật.
Nếu như Chương trình GDPT hiện hành đánh giá kết quả của học sinh ở những thời điểm nhất định trong quá trình dạy học, đặc biệt là trước và sau khi dạy, thì Chương trình GDPT 2018 đánh giá trong mọi thời điểm của quá trình dạy học, chú trọng đến đánh giá trong khi học. Đặc biệt, kết quả đánh giá học sinh ở Chương trình mới phụ thuộc vào độ khó của nhiệm vụ hoặc bài tập đã hoàn thành; nếu học sinh thực hiện được nhiệm vụ càng khó, càng phức tạp hơn thì sẽ được coi là có năng lực cao hơn.
Vì vậy, để phương pháp mới được áp dụng hiệu quả thì đội ngũ giáo viên cốt cán nói riêng, giáo viên THPT các cấp nói chung phải luôn sẵn sàng tiếp nhận, thay đổi thói quen và có tâm thế dám từ bỏ một phần kinh nghiệm của mình để thích ứng và phát triển
Tổ chức tập huấn – bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán được đánh giá là lối đi bền vững và thành công trong mục đích chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giáo viên làm chủ thực tế, đổi mới phương pháp và lan tỏa cộng đồng.
Chia sẻ của cô Nguyễn Thị Phương Thúy, Trường tiểu học Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, đợt tập huấn giúp giáo viên biết được nhiều phương pháp dạy học tích cực như: phương pháp dự án, phương pháp phát hiện và giải quyết vấn đề, phương pháp lớp học đảo ngược, phương pháp xử lý tình huống thực hành…
Đây là những phương pháp đã được áp dụng trong quá trình dạy học, nhưng thông qua tập huấn, giáo viên hiểu rõ hơn về đặc điểm, quy trình giúp việc thực hiện tốt hơn. Ngoài phương pháp dạy học tích cực nói chung, riêng bộ môn Tiếng Việt, giáo viên còn được biết thêm những kĩ thuật, phương pháp đặc thù riêng, để từ đó phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo.
Thầy Hoàng Hải Đăng, Trường tiểu học Thị trấn Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đánh giá tích cực về đợt bồi dưỡng. Theo đó, bồi dưỡng trực tiếp giúp giáo viên cốt cán chia sẻ, thảo luận được những khó khăn, thuận lợi thực tế từ cơ sở để đi đến thống nhất và có một số điều chỉnh về nội dung theo đúng tinh thần Chương trình GDPT 2018.
Với hình thức bồi dưỡng trực tuyến, học viên đã chủ động lựa chọn thời gian học phù hợp và có thể học đi học lại nhiều lần để nắm vững kiến thức; qua đó bồi dưỡng giáo viên về năng lực sử dụng công nghệ thông tin.
“Nhìn chung, hai hình thức bồi dưỡng rất phù hợp vì đã tạo cho học viên thói quen tự học, tự bồi dưỡng, chủ động nghiên cứu và khảo sát trên mạng để nắm vững nội dung, kiến thức mới.” - thầy Hoàng Hải Đăng chia sẻ.