Giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 4.0: Cần đầu tư tương ứng

Thứ năm - 10/12/2020 22:20 322 0
GD&TĐ - Theo TS Nguyễn Quang Việt - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp- Bộ LĐ, TB&XH) trao đổi về GD nghề nghiệp thời kỳ 4.0
Giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 4.0: Cần đầu tư tương ứng

Theo TS Nguyễn Quang Việt, tỷ lệ HSSV tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có việc làm tương đối cao; đào tạo nghề đang là hướng mở giúp các bạn trẻ đến với thành công. Tuy nhiên, ngoài sự “chuyển mình” của các cơ sở GDNN, người lao động cũng cần phải trang bị cho mình những kiến thức mới - kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.

Cơ sở GDNN hướng đến đào tạo trên môi trường trực tuyến

Giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 4.0: Cần đầu tư tương ứng - Ảnh minh hoạ 2
TS Nguyễn Quang Việt trình bày tại một hội thảo về GDNN.

- Theo nghiên cứu của Viện Khoa học GDNN, xu hướng chọn ngành học của HS tại các cơ sở GDNN hiện nay có gì đáng chú ý, thưa TS?

- Theo kết quả khảo sát năm 2019 của chúng tôi, tốp 5 nghề ở các trình độ được HS lựa chọn nhiều, đó là Sơ cấp: Điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật chế biến món ăn, hàn, kế toán; Trung cấp: Điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kế toán, cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp; Cao đẳng: Điện công nghiệp, công nghệ ô tô, dược, điều dưỡng, kế toán. Tuy nhiên, với ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể có những biến động nhất định về xu hướng hiện nay như kế toán chẳng hạn.

- Tỉ lệ học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau hiện nay ra sao, thưa TS?

- Trước đại dịch, khảo sát của viện cho thấy tỷ lệ HSSV tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp tương đối cao, đạt khoảng 85%. 55,9% cơ sở GDNN có tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm trên 90%; 22,7% có tỷ lệ từ 81 - 90%; từ 71% - 80% là 16,5% và từ 50 - 70% là 4,9%.

- Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong năm tới sẽ rơi vào nhóm trình độ nào?

- Theo khảo sát của Viện Khoa học GDNN, năm 2021, tổng số lao động qua đào tạo nghề trọng điểm có nhu cầu tuyển mới khoảng 815 nghìn người và năm 2022 là khoảng 817 nghìn người. Trong đó, nhu cầu tuyển mới lao động có trình độ cao đẳng là cao nhất (tương ứng 44,1% năm 2021 và 43,9% năm 2022), tiếp đến là trình độ trung cấp (36,0% năm 2021 và 35,5% năm 2022), sơ cấp (19,9% năm 2021 và 20,6% năm 2022).

- Chuyển đổi số là cơ hội cho các cơ sở GDNN phát triển, tuy nhiên, hiện nay dường như các cơ sở GDNN còn bị động trong công tác chuyển đổi số. Theo TS, đâu là nguyên nhân và các đơn vị phải làm thế nào để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

- Tháng 6/2020 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo đó giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Công nghiệp 4.0 đòi hỏi hạ tầng chuyển đổi số, nguồn dữ liệu GDNN và các lĩnh vực ngành nghề được tạo ra và quản trị sử dụng trên nền tảng khoa học dữ liệu.

Đây là thách thức lớn và cơ bản đối với năng lực dự báo nhu cầu lao động và kỹ năng hiện nay của Việt Nam. Vấn đề ở đây không chỉ với các cơ sở đào tạo mà là cả hệ thống GDNN, trước hết cần đầu tư chuyển đổi số theo các yêu cầu căn bản của công nghiệp 4.0.

Các cơ sở GDNN cần thay đổi phương pháp đào tạo trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và ứng dụng CNTT trong thiết kế và thực hiện bài giảng, trong đó tăng cường mô phỏng, số hóa bài giảng và triển khai đào tạo trên môi trường trực tuyến.

Ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. Theo chương trình, 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép HS, SV học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. 

Người lao động phải thay đổi để thích nghi

Giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 4.0: Cần đầu tư tương ứng - Ảnh minh hoạ 3
Nghề nấu ăn thu hút nhiều học viên theo học.

- Để mang đến sự lựa chọn tốt nhất cho HS, SV thì hướng nghiệp là sự định hướng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay ngày càng có nhiều nghề mới xuất hiện khiến cho việc tự chọn nghề nghiệp đối với các em trở nên khó khăn hơn. Xin TS cho biết ý kiến của mình về vấn đề này? Lời khuyên của TS dành cho học sinh trước ngưỡng cửa nghề nghiệp tương lai?

- Với công nghiệp 4.0, thị trường việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm. Nhóm lao động kỹ năng trung bình bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt với những công việc có tính lặp lại dễ bị thay thế bởi tự động hóa và trợ lý ảo.

Qua các nghiên cứu cho thấy, sản xuất đang trải qua một sự thay đổi hướng tới tư duy thiết kế thay vì tư duy sản xuất, nhu cầu về tư duy liên ngành, sự sẵn sàng học tập suốt đời và liên văn hóa trở nên quan trọng hơn.

Người lao động Việt Nam, ngoài kỹ năng nghề nghiệp cần được trang bị nhiều hơn những kỹ năng và trình độ như ứng dụng CNTT, giao tiếp hiệu quả, lắng nghe tích cực, tư duy phê phán, khả năng nhận thức có tính sáng tạo và lập luận toán, giải quyết vấn đề. Cùng với việc tăng cường tự động hóa và sử dụng robot thay thế con người trong các lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động phải có những thay đổi để thích nghi nếu không muốn bị đào thải và trở thành thất nghiệp.

Những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp (đơn giản, lặp đi lặp lại) sẽ dễ được thay thế bằng các robot hay các dây chuyền tự động hóa, do đó người lao động sẽ có nguy cơ bị mất việc làm cao hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới - kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.

Các kỹ năng liên quan đến CNTT như lập trình; kỹ năng kỹ thuật để xử lý các phương tiện kỹ thuật số; kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông một cách hợp lý và hiệu quả; các năng lực khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học (STEM); khả năng xử lý thông tin phức tạp và quản lý dữ liệu... là các kỹ năng quan trọng của người lao động trong công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm như tự quản lý và tự tổ chức, kỹ năng giao tiếp, tương tác và giải quyết vấn đề, quản lý dự án... cũng rất quan trọng.

- TS nhìn nhận thế nào về việc phân luồng HS học nghề hiện nay cũng như đánh giá của TS về mô hình 9+ với việc dạy học kiến thức văn hóa phổ thông trong các cơ sở GDNN?

- Giáo dục phổ thông của Việt Nam như hiện nay bảo đảm được tính liên thông, kế thừa về mục tiêu và nội dung giữa các cấp học. Giáo dục phổ thông đã được phân thành các cấp học hợp lý, phù hợp đặc điểm độ tuổi của HS, phù hợp với thông lệ chung của quốc tế. Tuy nhiên, kinh nghiệm điển hình của Singapore, Đức cho thấy để phân luồng, liên thông hiệu quả thì giáo dục phổ thông từ THCS đã phân thành các loại hình trường với định hướng chương trình và đầu ra chuyển tiếp khác nhau.

Việc tổ chức giảng dạy kiến thức văn hóa phổ thông trong các cơ sở GDNN phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng như xu hướng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ. Điều này vừa mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với GDNN, hòa nhập cuộc sống và lao động cho mọi người vừa tận dụng được nguồn lực khi mà ngân sách chi cho giáo dục nói chung còn hạn chế. Một số vấn đề đặt ra như sau:

Trước hết, cần xác định rõ quan điểm tiếp cận được phân định theo các mục tiêu: Khối lượng kiến thức văn hóa phổ thông được giảng dạy trong cơ sở GDNN giúp người học có được kiến thức nền tảng đạt chuẩn đầu ra của trình độ trung cấp, hay hướng đến một tấm bằng (chứng nhận hoặc dự thi để tốt nghiệp THPT) hay cả hai?

Nếu nhằm để có nền tảng kiến thức học chương trình trung cấp và tiến tới trình độ cao đẳng thì hình loại và liều lượng kiến thức văn hóa phổ thông phải phù hợp với lĩnh vực nghề, không theo phân môn giáo dục phổ thông.

Nếu nhằm cả hai mục tiêu trên thì với trình độ đầu vào của HS tốt nghiệp THCS vào GDNN có thể khả thi với số lượng hạn chế, đơn cử như mô hình KOSEN của Nhật Bản.

Hai là, cho dù bất cứ quan điểm nào, mục tiêu nào thì quan trọng nhất vẫn là thiết kế và thực thi chương trình. Việt Nam vẫn còn thiếu các chuyên gia phát triển chương trình tích hợp kiến thức văn hóa phổ thông vào GDNN hoặc ngược lại, kiến thức kỹ năng nghề nghiệp vào giáo dục phổ thông (VET in school).

Ba là, Bộ GD&ĐT cần sớm có quy định khối lượng kiến thức văn hóa phổ thông và luật lại quy định trong kiến thức bao gồm “kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi” dường như tạo ra những cách hiểu và suy diễn không nhất quán nên cần được nghiên cứu làm rõ nội hàm, tổ chức xây dựng và thí điểm.

Cuối cùng, với quan niệm trong giáo dục, phân luồng chỉ là “tập hợp các biện pháp…” thì khó mà giải quyết được một cách căn cơ mà đây là vấn đề có tính chiến lược, Nhà nước với nhiều chính sách vĩ mô tạo động lực đẩy - kéo điều chỉnh thị trường lao động theo mô hình phát triển kinh tế - xã hội từ cấp hệ thống, vùng kinh tế - xã hội, địa phương. Các chương trình, theo đó cũng được phát triển với nhiều tầng mức, phù hợp với địa phương và nhà trường.

- Xin trân trọng cảm ơn TS!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập864
  • Hôm nay51,929
  • Tháng hiện tại330,059
  • Tổng lượt truy cập51,686,018
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944