Thông tin này nhận được sự quan tâm của nhiều sinh viên trong cả nước.
Mong sớm tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
Ngô Thị Hoan là tân sinh viên của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thường trú tại Sóc Sơn, Hà Nội đã học trực tuyến được gần 1 tháng nay qua chiếc điện thoại cũ. Nhưng điện thoại chỉ nghe giảng thông thường, có những nội dung, không thể học được.
Hoan cho biết: Học online bằng điện thoại nên khi có dự án, công việc mà nhà trường giao hoặc các câu lạc bộ, em phải dùng đến máy tính. Khi có thông tin được vay tối đa 7 triệu để mua máy, em đã nói chuyện với bố mẹ và mong sớm được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi.
Tương tự, Thào A Dế hiện đang học 2 ngành khác nhau của Đại học Quốc gia Hà Nội qua hình thức trực tuyến. Trên vùng núi cao của huyện Tuần Giáo, Điện Biên, nhà của Thào A Dế vẫn chưa có điện. Chiếc điện thoại hoạt động được nhờ pin năng lượng mặt trời chỉ đủ để nghe các bài giảng. Để làm các bài luận theo yêu cầu, Dế phải đi cách nhà hơn 12 cây số, nơi có cửa hàng máy tính để đánh nhờ và nộp lên hệ thống.
“Do đó, em mong muốn được hỗ trợ kinh phí mua máy tính giúp việc học trực tuyến được hiệu quả. Một khoản vay luôn quý giá đối với sinh viên nghèo. Dù biết rất nhiều học sinh, sinh viên mong muốn có chiếc máy tính để phục vụ việc học trực tuyến nhưng em vẫn hy vọng sẽ được tiếp cận với nguồn vốn vay này” - Dế bày tỏ.
Nguyễn Thị Phương Linh - tân sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết: Bắt đầu năm học mới, em dùng máy tính cũ từ anh chị để lại. Nhưng máy có cấu hình thấp, không đáp ứng cho việc học dài ngày và làm các nhiệm vụ học tập. Nếu được vay với mức vốn ưu đãi, em mong sẽ được tiếp cận để trang bị điều kiện tốt hơn phục vụ việc học tập.
Hỗ trợ máy tính cho sinh viên
Cùng với các chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước như Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Chương trình “hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến”; các nhà trường cũng đang huy động nguồn lực để có thể hỗ trợ tối đa cho sinh viên khi học tập trong bối cảnh dịch bệnh này.
Nguyễn Văn Thông - sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - chia sẻ: “Suốt đợt dịch vừa qua, em kẹt lại ở ký túc xá, không được đi làm thêm để có thêm thu nhập. Vào học online, lại là một ngành cần nhiều nghiên cứu, chỉ bằng chiếc điện thoại thì không học được. Thật may, em được tặng một chiếc máy tính đã qua sử dụng do nhà trường quyên góp từ các nhà hảo tâm”.
Để hỗ trợ máy tính cho sinh viên, Trường Đại học Bách khoa thành lập một thư viện máy tính. Những máy tính cũ xin được thì tặng sinh viên, còn những máy tính mới cho các bạn mượn quay vòng. Nhà trường cũng hỗ trợ lương thực, tiền cho bạn khó khăn. Trong lúc này, đối tượng được đặc biệt ưu tiên là sinh viên mới nhập học và sinh viên năm cuối.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho hay: Ban giám hiệu quyết định dành 20 tỷ đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên, tiết kiệm chi vận hành trong thời gian học trực tuyến, tiết giảm đầu tư xây dựng cơ bản và các khoản chi khác để miễn giảm học phí cho những sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng kinh tế bởi dịch Covid-19.
Tùy vào mức độ ảnh hưởng, sinh viên sẽ nhận được các mức hỗ trợ tới 50% học phí học kỳ này. Nhà trường sẽ hướng dẫn quy trình, thủ tục cụ thể cho sinh viên đăng ký, cung cấp minh chứng để được xét mức hỗ trợ. Đối với chương trình hỗ trợ sinh viên mua máy tính, nhà trường cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các em tiếp cận nguồn vốn vay.
Nhà trường cũng kêu gọi cựu sinh viên, các thầy cô giáo, cán bộ viên chức trong trường quyên góp ủng hộ, kết hợp với các doanh nghiệp để tổ chức chương trình trao tặng, bán giá ưu đãi, trả góp các loại máy tính cũng như các gói dữ liệu dung lượng cao hỗ trợ cho sinh viên học tập trực tuyến hiệu quả và có chất lượng hơn.