Học sinh háo hức vào… “room”

Thứ ba - 21/09/2021 02:18 263 0
GD&TĐ - Học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế mà trở thành hình thức được áp dụng lâu dài, vừa để thích ứng và triển khai chuyển đổi số trong kỷ nguyên công nghệ.
Học sinh háo hức vào… “room”

Dù dạy học trực tuyến hay trực tiếp thì cách truyền cảm hứng để thu hút người học, ở bất cứ bậc học nào, vẫn là cảm xúc chân thành từ người dạy. 

Vui học online

Buổi học trực tuyến, tiết ôn tập lại kiến thức Toán lớp 3 của cô Phan Hoàng Oanh, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng qua ứng dụng Zoom rất sôi động. Học sinh tích cực tham gia vào trò chơi khiến giờ học trở nên nhẹ nhàng và dễ nhớ.

Những âm thanh rộn rã thúc giục của trò chơi vang lên liên tục từ chiếc loa nhỏ xíu của điện thoại, máy tính khiến học sinh có cảm giác mình đang ở trong lớp học thật sự, đang “chạy đua” tìm ra kết quả xem bạn nào nhanh nhất. Cô Hoàng Oanh cho biết: Giáo viên thiết kế xong câu hỏi sẽ gửi link để học sinh làm trực tiếp, cho ra kết quả ngay. Cách làm này giúp các em dễ thao tác hơn phải nhập mã code.

“Học qua Zoom em thấy có nhiều trò chơi, các bạn vui hơn ở trên lớp. Bạn nào chậm chân hoặc không tập trung là tụt hạng ngay. Bài tập cô giao có nhiều hình vẽ vui mắt”, là chia sẻ của em Trần Thục Khánh Huyền, học sinh lớp 3/3 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Mùa hè 2021, từ các lớp ôn tập trực tuyến miễn phí cho học sinh, nhiều giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã thử nghiệm một hình thức tổ chức dạy học trực tuyến với mục tiêu xóa khái niệm thời gian và không gian cách trở vì địa lý. Thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ:

“Các giáo viên đã vận dụng linh hoạt công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học. Từ việc sử dụng một vài phần mềm đơn giản và quen thuộc, khai thác có chọn lọc kho dữ liệu khổng lồ được cung cấp miễn phí trên Google, giáo viên đã biến buổi học buồn tẻ thành trò chơi đố vui sôi động và cuốn hút.

Những bài ôn tập gần như không sử dụng dữ liệu có sẵn trong SGK khiến học sinh buộc phải vận dụng kiến thức nền để xử lý và tìm ra kết quả đúng. Những bài tập vận dụng được thực hiện dưới dạng mô phỏng thực tế thông qua hình họa, biểu đồ, sơ đồ…”.

Giờ học bắt đầu từ 3 giờ chiều nhưng từ 2 giờ, học sinh đã đăng nhập vào lớp để… trò chuyện với thầy cô.

Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trước khi vào năm học 2020 – 2021 đã tập huấn cho giáo viên sử dụng các ứng dụng như Kahoot, Wordwall… giáo viên có thể sử dụng các công cụ này để thiết kế trò chơi, kiến thức được lồng ghép ngay trong câu đố, học sinh thao tác cũng đơn giản.

Đặc biệt, các trò chơi có tính cạnh tranh thể hiện qua vị trí xếp hạng của người chơi nên các em rất hứng thú. Trường THCS Tây Sơn còn có tổ hỗ trợ giáo viên dạy – học trực tuyến gồm những giáo viên trẻ giỏi CNTT giúp các đồng nghiệp khác sử dụng thành thạo công cụ giảng dạy để chất lượng dạy – học được đồng đều.

Thầy Phan Quốc Duy – Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) - chia sẻ: Với dạy học trực tuyến, nếu giáo viên biết tận dụng sức mạnh công nghệ sẽ giúp giờ học môn Toán, thường được xem là khô khan trở nên hấp dẫn.

Các phần mềm vẽ đồ thị (Sketpad, geogebra, demos…), tạo trò chơi trực tuyến có thể tìm trên trang wordwall.net, trình chiếu PowerPoint, công cụ tạo bài kiểm tra trực tuyến (Microsoft Forms, Google Forms…)… làm tăng tính tương tác giữa giáo viên – học sinh và học sinh – học sinh trong một tiết học.

Tuy vậy, cũng không nên quá lạm dụng công nghệ dễ làm học sinh mất tập trung vào bài học. Giáo viên có thể kết hợp trình chiếu các slide, chia sẻ màn hình/cửa sổ, ghi bảng đen giảng dạy trực tiếp để tiết học thêm hấp dẫn, bài giảng lôi cuốn.

Học sinh háo hức vào… “room” - Ảnh minh hoạ 2
Các ứng dụng trò chơi được GV khai thác, tổ chức đố vui để học nhằm tạo không khí, lôi cuốn HS
tương tác với GV và bạn học trong giờ học trực tuyến. 

Dự án học tập

TS Đặng Đức Long - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng, nhận xét: Dạy – học qua Internet, dù là với phương tiện máy tính hiện đại nhất thì khoảng cách giữa thầy cô với học sinh vẫn khác xa trên lớp. Môi trường sư phạm thay đổi, kỷ luật lớp học, sự tập trung của học sinh đều khác. Thầy cô muốn giảng dạy như trên lớp học bình thường là việc làm không thể.

Theo kinh nghiệm của thầy Phan Quốc Duy, giáo viên có thể chia nhỏ phòng. Nền tảng Microsoft Teams có hỗ trợ chia nhóm, Google Meet cũng có add-in tương tự. “Cần tăng tính tương tác và cảm hứng cho học sinh thông qua các hoạt động nhỏ như trò chơi khởi động, thiết kế bài giảng sao cho đa dạng hoạt động học tập, kết hợp các hình thức học tập như giao nhiệm vụ nhóm, dự án học tập, sản phẩm học tập…”.

Sau khi học xong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh (trích Thượng kinh kí sự - Lê Hữu Trác), cô Hà Hoài Phương - Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) ra một bài tập nhỏ cho học sinh viết một đoạn văn/bài văn ngắn dưới dạng nhật kí hoặc hồi kí kể về người hay vật/sự việc/sự kiện đáng nhớ trong đời.

“Tôi mong chờ những tiếng nói cất lên tự đáy lòng, những tiếng nói không theo khuôn mẫu nào cả, không sáo rỗng, công thức... Đây cũng là cách để nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển năng lực tư duy, nhận thức, năng lực ngôn ngữ cho học sinh. Sản phẩm các em nộp về khá đa dạng, nhiều bài viết mình đọc muốn khóc vì cảm xúc chân thật, tự nhiên”, cô Phương chia sẻ.

Cô Lâm Hương Giang – giáo viên Ngoại ngữ, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) dự định xây dựng các dự án học tập để rèn các kỹ năng cho học sinh. Theo đó, học sinh sẽ được hướng dẫn dùng nền tảng thảo luận bằng video Flipgrid –tự quay bài nói cá nhân, gửi lên nhóm cho cô và các bạn chấm điểm; làm bộ thẻ nhớ Flashcard, làm phim đơn giản…

Với sĩ số mỗi lớp từ 40 - 45 học sinh, lực học cũng không đồng đều, việc dạy học trực tiếp tạo hứng thú cho học sinh vốn đã khó, đòi hỏi giáo viên cần vững vàng về chuyên môn, khéo léo trong việc truyền đạt kiến thức, nghiệp vụ giảng dạy thì việc dạy - học trực tuyến càng khó khăn hơn.
Để học sinh tiếp thu tốt các kiến thức, hứng thú trong học tập với khả năng tiếp thu, hoàn cảnh khác nhau, việc chuẩn bị kế hoạch bài dạy rất quan trọng. Giáo viên phải chuẩn bị thật kỹ các học liệu, sẵn sàng cho hoạt động trong tiết dạy. Cần cô đọng kiến thức bài dạy, chia nhỏ các hoạt động để tạo hoạt động liên tục cho học sinh. - Thầy Phan Quốc Duy - Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập761
  • Hôm nay50,795
  • Tháng hiện tại328,925
  • Tổng lượt truy cập51,684,884
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944