Những mối lo ngoài dịch bệnh

Thứ hai - 20/09/2021 19:59 627 0
GD&TĐ - Không chỉ là những lo lắng về sức khỏe trước đại dịch Covid-19, giáo viên và học sinh còn nhiều mối lo khác khi có những áp lực vô hình đôi khi đến từ chính phụ huynh, nhà trường.
Những mối lo ngoài dịch bệnh

Đối mặt nhiều nỗi lo

N.Q.A – học sinh Trường THCS Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) - tâm sự: Từ lớp 5 lên lớp 6, môi trường và phương pháp học khác nhau nên em có chút lo lắng. Hơn nữa, ngày nào cũng được bố mẹ nhắc nhở: Học online nên càng phải chăm chỉ, cố gắng gấp nhiều lần so với học trực tiếp, nhất là năm nay học theo Chương trình, sách giáo khoa mới nên càng phải nỗ lực hơn. Vẫn biết là người thân quan tâm, chăm lo, nhưng em cũng cảm thấy bị áp lực vì sợ không đạt được như kỳ vọng của mọi người. Dù là học trực tuyến hay học trực tiếp, em mong lớp học luôn hạnh phúc với những tiết học hạnh phúc.

Lớp của cô Đỗ Hoàng Ngọc Diễm – giáo viên trường tiểu học công lập ở Hà Nội chủ nhiệm có 61 học sinh nên việc quản lý ít nhiều gặp khó khăn và áp lực, nhất là hiện phải thực hiện dạy – học online. Ngay như việc đang học, cô – trò bị thoát ra khỏi phòng học cũng khiến cả lớp lo lắng vì sợ bài giảng không đến được với học trò. Vì thế, đường truyền luôn là mối quan tâm hàng đầu trong mỗi buổi học trực tuyến.

Cũng theo cô Diễm, việc quản lý và thiết kế bài giảng để dạy học online cho hơn 60 học sinh luôn là thách thức lớn với giáo viên. Nhiều lúc, giáo viên phải làm thêm công việc của những nhà tâm lý, thậm chí đôi khi phải làm “trọng tài” để phân xử giữa học sinh, cùng với đó là “trăm công, nghìn việc không tên”, tạo ra những áp lực vô hình cho giáo viên.

Cô Diễm bộc bạch: Học online, cô – trò sẽ vất vả hơn nhiều so với lớp học truyền thống. Vì vậy, rất cần sự đồng hành, hợp tác của phụ huynh, nhà trường trong quá trình học tập của con cái. Nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh, kết quả học tập của các con sẽ hạn chế. Điều này, rất dễ chuyển hóa thành áp lực cho cô và trò.

Chỉ ra những áp lực mà giáo viên đang gặp phải, TS Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) - cho rằng: Sự thiếu hỗ trợ từ phía gia đình trong giáo dục học sinh cũng là một khó khăn lớn đối với nhà trường. Thay vì cộng tác với giáo viên trong quá trình giáo dục con em mình, nhiều cha mẹ lại tập trung phê phán, lên án giáo viên mỗi khi không hài lòng.

Những mối lo ngoài dịch bệnh - Ảnh minh hoạ 2
Một lớp học của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Biến áp lực thành động lực

Theo TS Trần Bá Trình – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nghiệp vụ Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), áp lực là một phần tất yếu ở bất kỳ ngành nghề nào, trong đó có nghề dạy học. Áp lực vừa đủ là động lực phấn đấu vươn lên để hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp. Áp lực quá lớn, dẫn đến ức chế, làm việc kém hiệu quả. Ức chế tích lũy, dồn nén ở mức độ nào đó sẽ dẫn đến hành vi bộc phát, tiêu cực. Ngược lại, nếu không có áp lực có thể dẫn đến tự bằng lòng, ngại thay đổi, nhất là ở những lĩnh vực nghề nghiệp như giáo dục.

Với mục tiêu xây dựng lớp học hạnh phúc, với những tiết học hạnh phúc, cô Diễm xác định sẽ thay đổi chính mình và rèn luyện chuyển hóa cảm xúc, biến những lo lắng, áp lực trở thành động lực. Để làm được điều này, cô rất cần sự đồng hành, chia sẻ và thấu cảm của phụ huynh cũng như nhà trường. “Dạy học là nghề cao quý nhưng cũng là nghề nguy hiểm. Hơn bao giờ hết, chúng tôi mong muốn, đã đến trường là cô – trò phải được an toàn: Từ vấn đề an ninh, cho đến sức khỏe. Vì thế, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của 3 bên: Nhà trường – gia đình – xã hội, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui” – cô Diễm bày tỏ.

TS Nguyễn Thị Thanh Nga - Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nhấn mạnh: Văn hóa tổ chức và bầu không khí tập thể là yếu tố quan trọng giúp giáo viên không đơn độc trong việc giải tỏa áp lực và ứng phó với những căng thẳng nghề nghiệp. Chính vì vậy, cùng nhau xây dựng những nguyên tắc ứng xử như: Tôn trọng, yêu thương, đoàn kết, tinh thần trách nhiệm và hỗ trợ lẫn nhau… sẽ là yếu tố tâm lý quan trọng cho giáo viên những lúc mệt mỏi. Bên cạnh đó, văn hóa nhà trường nhất thiết phải đề cao tính công bằng và nhân văn trong công tác, sử dụng nguồn nhân lực.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga, nhà trường có thể thành lập các phòng tham vấn học đường. Tham vấn học đường không chỉ dành riêng cho học sinh, mà còn là nơi để giáo viên được giãi bày những khó khăn, áp lực của bản thân. Đối với những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần như: Lo âu, stress, trầm cảm… cần được đội ngũ có chuyên môn tư vấn, can thiệp kịp thời. Ngoài ra, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường cần chú ý cung cấp cho đội ngũ giáo viên những kỹ năng cần thiết như: Giải quyết vấn đề; quản lý cảm xúc… Hệ thống những kỹ năng này sẽ giúp giáo viên nâng cao năng lực sư phạm để giải quyết những áp lực nghề nghiệp.

“Khi bị căng thẳng, giáo viên hãy bình tĩnh tìm ra nguyên nhân, chia sẻ tình trạng của bản thân với người khác. Chính vì vậy, việc duy trì cân bằng giữa công việc và các mối quan hệ với đồng nghiệp, gia đình, bạn bè là cần thiết. Với những dấu hiệu căng thẳng ở cấp độ nặng hơn, nhất thiết phải có sự tư vấn và can thiệp của đội ngũ chuyên môn về sức khỏe tâm thần” - TS Nguyễn Thị Thanh Nga khuyến cáo, đồng thời nhấn mạnh: Hơn bao giờ hết, giáo viên cần tiếp tục vun đắp tình yêu nghề nghiệp. Bởi tình yêu chính là động lực giúp giáo viên vượt qua những khó khăn, thách thức mà công việc mang đến.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga, giá trị nghề giáo và hình ảnh nhà giáo mà xã hội tôn vinh cũng tạo áp lực cho giáo viên. Vì thế, giáo viên hãy duy trì lối sống lạc quan, suy nghĩ tích cực. Tránh xa những nguồn thông tin tiêu cực trên các phương tiện truyền thông. Đặt những kỳ vọng nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mình; đừng để những kỳ vọng quá cao trở thành áp lực cho bản thân.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1429 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1148 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2459 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2938 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2253 | lượt tải:339
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập178
  • Hôm nay9,631
  • Tháng hiện tại476,386
  • Tổng lượt truy cập51,832,345
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944