Học sinh THCS học 5 ngày/tuần: Cô trò hào hứng, phụ huynh ủng hộ

Thứ năm - 31/10/2019 20:02 443 0

Học sinh THCS học 5 ngày/tuần: Cô trò hào hứng, phụ huynh ủng hộ

GD&TĐ - Đứng trước thay đổi nhất định trong hoạt động dạy và học bậc THCS, các trường học có sự chủ động triển khai. GV và HS ai nấy đều hào hứng đón nhận. Phụ huynh đồng tình ủng hộ khi lịch học của con trùng với lịch nghỉ của cả gia đình, nhất là vào những dịp nghỉ bù Tết. HS có điều kiện trau dồi thêm các kỹ năng xã hội, gắn kết với gia đình.

Hồ hởi với “lịch” học mới

Thầy Bùi Hồng Tiến – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Sán Chải huyện Si Ma Cai – Lào Cai hồ hởi chia sẻ: Tỉ lệ HS chuyên cần tốt hơn nên kiến thức của GV truyền tải hiệu quả hơn. GV cũng đỡ vất vả trong việc phụ đạo HS yếu, tiếp thu chậm, hổng kiến thức do nghỉ học.

Mặt khác, học 5 ngày/tuần, HS học cả sáng và chiều nên lịch dạy của GV ổn định. Không có tình trạng trống tiết hay nghỉ thường xuyên. GV có mặt đầy đủ ở trường 5 ngày dạy, khi có công việc, hội họp, sinh hoạt chuyên môn… trường cũng dễ tổ chức. Không phải chờ đợi hoặc hoãn lại vì vắng người tham gia. “Từ CBQL đến GV trong trường đều không thấy vướng mắc nào trong thực hiện. Chúng tôi chỉ thấy thuận lợi hơn khi tổ chức dạy học 5 ngày/tuần” – thầy Tiến khẳng định.

Cùng ghi nhận dưới góc độ quản lý, thầy Phạm Trung Thực - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Lử Thẩn, huyện Si Ma Cai - Lào Cai cho biết thêm: Trước đây, khi GV dạy hết ngày thứ 7, ai cũng nhanh chóng trở về nhà. Nhiều khi nhà trường có việc sẽ khó khăn để huy động sự có mặt của GV bởi thời gian dành cho gia đình của GV quá ít nên không muốn “lấy” nốt.

Đôi khi, có những hoạt động nhà trường tổ chức vào Chủ nhật, GV tuy biết trước nhưng vẫn tranh thủ về từ chiều tối thứ 7, sáng Chủ nhật lại lên trường sớm. Một số hoạt động chung của trường vì thế kém sôi động bởi GV không hào hứng nếu tổ chức vào ngày nghỉ cuối tuần.

Sinh hoạt chuyên môn trong trường cũng bị ảnh hưởng và kém chất lượng, bởi trước đây chiều thứ 6 nhà trường vẫn phải cắt cử GV đảm bảo các hoạt động cho HS. Một số GV vì thế không thể tham gia. Hiện nay, có GV có thể dành cả buổi chiều thứ 6 để sinh hoạt chuyên môn, hội họp.

Cô giáo Đặng Thị Thu Loan – GV dạy môn Văn, Sử tại Trường THCS Lùng Vai, huyện Mường Khương – Lào Cai không giấu niềm vui khi được nghỉ dạy ngày thứ 7 hàng tuần. Theo cô, với nhiều GV lên vùng cao công tác, đang trong độ tuổi nuôi con nhỏ có thêm thời gian để trông và chăm sóc con vô cùng ý nghĩa.

“Các trường MN, TH đều nghỉ thứ 7, chẳng nhờ được ai trông con. Thuê người giúp việc ở vùng cao cũng không dễ dàng. Nhiều GV chồng lại công tác ở xa, gia đình nội ngoại không thể hỗ trợ, vừa đi làm vừa phải trông con cuối tuần. Bản thân cô, dù ở gần chồng, được sự hỗ trợ nhất định nhưng với 2 con trong độ tuổi MN, TH, chồng cô cũng không thể đảm đương trong cả một ngày. Cô cũng vất vả khi phải tranh thủ về nhà đỡ việc, thay ca…” – cô Loan phân trần.

Học sinh THCS học 5 ngày/tuần: Cô trò hào hứng, phụ huynh ủng hộ - Ảnh minh hoạ 2
 Tỉ lệ chuyên cần tăng lên đáng kể với HS THCS tại Lào Cai khi được nghỉ ngày thứ 7. Ảnh: TG

Thêm thời gian cho hoạt động ngoại khóa

Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu - TP Đà Nẵng có quy mô lớn với tổng số 47 lớp, thế nhưng, theo thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng nhà trường, HS bậc THCS chỉ học 1 buổi/ngày trong khi HS tiểu học học 2 buổi/ngày và học liên tục từ thứ 2 - thứ 6 nên không thể nói là áp lực cho HS THCS được.

Ở một khía cạnh khác, thầy Nguyễn Đức Tú Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn quận Hải Châu - TP Đà Nẵng bày tỏ: Khi chia thời khóa biểu, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sẽ chú ý sắp xếp các môn chính như Toán - Văn - Anh văn… không quá gần nhau để không gây quá tải cho HS. Riêng những lớp tiếng Nhật tăng cường của Trường THCS Tây Sơn vẫn phải học một số tiết vào ngày thứ 7 vì nhà trường không thể thu xếp học trái buổi được.

Cả thầy Võ Thanh Phước và thầy Nguyễn Đức Tú Anh đều cho rằng: Cái được nhất trong việc HS THCS được nghỉ học ngày thứ 7 là nhà trường có thời gian tổ chức các hoạt động ngoại khóa. “Trước đây, nhà trường phải tổ chức vào ngày thứ 5, đôi khi HS không kịp phục hồi sức khỏe nên buổi học ngày thứ 6 ngay sau đó các em thường mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức mới. Thế nhưng khi tổ chức vào ngày thứ 7, HS có hẳn một ngày nghỉ sau đó, cảm giác phấn khích vì các hoạt động vui chơi, dã ngoại cũng đã bớt đi nên không ảnh hưởng đến không khí học tập” – thầy Phước cho biết.

Đối với khối 6, mỗi tuần có 23 tiết, khối lớp 7, học kỳ 1 có 24 tiết, HK 2 có 25 tiết/tuần, khối 8 theo thứ tự là 26 tiết và 25 tiết, khối 9 có 25 tiết. Như vậy, bình quân sẽ có 5 tiết học/buổi, riêng khối 8 dư 1 tiết, các tiết chào cờ và sinh hoạt lớp là cố định. Với môn Thể dục, lâu nay, HS ở Đà Nẵng đã học trái buổi, chính vì vậy, mỗi ngày sẽ chia đủ 5 tiết/buổi học, riêng khối 8 dôi một tiết Mỹ thuật hoặc Âm nhạc, các trường sẽ ghép chung với buổi học thể dục để HS và phụ huynh không phải đi lại nhiều lần.
                     Bà Trần Thị Thúy Hà

Thầy Tú Anh thì cho rằng, các hoạt động ngoại khóa được tổ chức vào ngày thứ 7 nên phụ huynh có điều kiện để cùng tham gia với HS, hiểu hơn các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đây cũng là cách để tăng cường mối quan hệ gia đình – nhà trường – xã hội trong phối hợp giáo dục HS. Lịch nghỉ của HS trùng với lịch nghỉ của gia đình nên các em có điều kiện tham gia các hoạt động chung, các kỹ năng xã hội vì thế cũng sẽ được tăng lên.

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu - TP Đà Nẵng cho biết: Thực tế triển khai cho thấy, nhà trường không gặp khó khăn trong xây dựng thời khóa biểu, phân công GV đứng lớp, dù là ở những trường có số lớp khá đông.

Học sinh THCS học 5 ngày/tuần: Cô trò hào hứng, phụ huynh ủng hộ - Ảnh minh hoạ 3
 Một giờ học trải nghiệm sáng tạo theo chuyên đề của HS Trường THCS Nguyễn Huệ được tổ chức tại rừng đặc dụng bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Ảnh: NT

Phụ huynh ủng hộ

Em Lê Đăng Quốc, học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà – TP Đà Nẵng chuẩn bị cho chuyến về quê cùng với ba mẹ vào tối thứ 6 để thăm ông nội. Trước đó, khi học lớp 7, bà nội em ốm nặng phải nằm một chỗ, gần như cuối tuần nào, ba mẹ Quốc cũng về quê chăm ông bà. Cứ tối thứ 6, khi ba mẹ và em gái lên tàu về Quảng Bình thì Quốc được gửi sang nhà của bạn ở nhờ cho đến hết ngày Chủ nhật vì thứ 7 em còn phải đi học. “Được nghỉ học ngày thứ Bảy em rất vui vì được tham gia nhiều chuyến đi cùng với gia đình. Lịch học cũng không nặng nề vì vẫn có 5 tiết/tuần như trước đây. Thậm chí, em có 2 ngày nghỉ liền nhau để vui chơi và học tập” – Quốc cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hải Phước, có con đang học lớp 8 một trường THCS của quận Sơn Trà chia sẻ: “Những năm trước, cả nhà chỉ có chung một ngày nghỉ là Chủ nhật nên không tổ chức đi chơi xa hay về quê được do lịch nghỉ của HS tiểu học và THCS không trùng nhau. Các con vì vậy chỉ quanh quẩn cà phê sáng với ba mẹ, đi xem phim, chơi game trên điện thoại và ngủ là hết ngày nghỉ. Khi cả tiểu học và THCS cùng chung một lịch nghỉ, các con được tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn, gia đình cũng có điều kiện để đi thăm hỏi ông bà nội ngoại ở quê, thời gian nghỉ dài hơn nên tuần mới đi học cùng hào hứng hơn”.

Còn chị Thu Thủy (quận Hải Châu) nói: Trước đây, thứ 5 các con chỉ học 2 tiết, đang giữa giờ làm, bố mẹ lại tìm cách thu xếp công việc đón con về. Thứ 7 cả nhà được nghỉ thì con phải đi học. Nay lịch học của con trùng với lịch đi làm của bố mẹ nên rất thuận tiện trong việc đưa đón.

Khi thực hiện học 5 ngày/tuần sẽ có thêm gần 30% số HS không thuộc diện bán trú ở lại bán trú buổi trưa. Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường điều động chỗ ăn, ngủ hợp lý, bảo đảm cho tất cả HS có chỗ bán trú ngủ nghỉ buổi trưa tốt nhất. Vì số lượng HS phát sinh bán trú buổi trưa không nhiều và chỉ là bán trú trong ngày nên việc khắc phục cơ sở vật chất không khó khăn, phức tạp đối với các trường THCS.
                                                                            Ông Bùi Văn Tiến –
                              Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà - Lào Cai

Tác giả bài viết: Đức Hạnh - Ánh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập761
  • Hôm nay31,878
  • Tháng hiện tại310,008
  • Tổng lượt truy cập51,665,967
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944