Học sinh THCS học 5 ngày/tuần: Nhìn từ vùng khó

Thứ tư - 30/10/2019 20:28 484 0

Học sinh THCS học 5 ngày/tuần: Nhìn từ vùng khó

GD&TĐ - Nghỉ ngày thứ 7 – Chủ nhật là mong muốn của bất kỳ người lao động nào. Bởi đây là khoảng thời gian thư giãn, vui chơi cùng các thành viên trong gia đình, thăm hỏi họ hàng, bạn bè và tự trau dồi kiến thức. Nhưng cũng như nhiều ngành nghề khác, đội ngũ GV trường THCS, THPT nhiều nơi vẫn chưa có cơ hội thực hiện ước nguyện của mình nên việc ngành GD-ĐT Lào Cai triển khai học chính khóa 5 ngày/tuần với HS THCS mở ra hướng đi mới cho các địa phương cũng như đem lại hy vọng cho thầy và trò.

Chưa đầy 1 tháng triển khai học 2 buổi/ngày với HS bậc THCS, Lào Cai đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong quá trình dạy và học, và sự đón nhận hồ hởi từ GV, HS và phụ huynh. Hy vọng, khi mô hình dạy học 5 ngày/tuần tại Lào Cai có sự tổng kết đánh giá đầy đủ về hiệu quả, các địa phương khác hoàn toàn có thể nghiên cứu và nhân rộng những kinh nghiệm quý này để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Gỡ nút thắt cho giáo dục vùng cao

Chính thức triển khai từ ngày 30/9 tại thành phố Lào Cai và 2 huyện vùng cao Sa Pa, Bắc Hà. Việc cho HS THCS nghỉ học thứ 7 được áp dụng dựa trên căn cứ kết quả hội thảo ngành Giáo dục Lào Cai tổ chức trước đó và nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh HS, GV, HS, chính quyền địa phương.

Theo hướng dẫn thực hiện, việc áp dụng phải bảo đảm kế hoạch thời gian năm học, thời lượng các môn học và các hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Đặc biệt, tuyệt đối không cắt xén chương trình.

Mặt khác, ngành GD Lào Cai cũng yêu cầu các trường không được dồn ép gây quá tải kiến thức đối với HS; Việc giảng dạy phải linh hoạt, không gây xáo trộn lớn, đảm bảo thời lượng thực hiện nhiệm vụ nhà trường như phụ đạo HS yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi.

Việc cho HS THCS nghỉ học thứ 7 được ngành Giáo dục Lào Cai hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục. Không những thế, HS còn được giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu của các gia đình trong việc quản lý, giáo dục con; các nhà trường THCS tăng cường giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống…

Đến nay, toàn bộ 187 trường THCS trong tỉnh Lào Cai đã áp dụng học 5 ngày/tuần trong đó 5 buổi sáng và 2 buổi chiều thực hiện theo chương trình của Bộ GD&ĐT; 3 buổi chiều còn lại được các nhà trường tổ chức hoạt động bổ trợ, ngoại khóa. Bước vào triển khai, các nhà trường cũng thực hiện triệt để nguyên tắc không gây quá tải cho HS và Ban giám hiệu, GV tích cực rà soát, đánh giá tình hình để có cách triển khai, điều chỉnh linh hoạt phù hợp thực tế.

Mũi tên hướng tới nhiều đích

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà, thầy Bùi Văn Tiến chia sẻ: “Dù mới thực hiện cho HS bậc THCS nghỉ học ngày thứ 7 song nhiều đổi thay tích cực được ghi nhận từ GV, HS”.

Theo thầy Tiến, khi học cả ngày ở trường, ngoài học các tiết chính khóa, HS còn được học những tiết ngoại khóa, phụ đạo, bổ trợ. Trước đây, chỉ HS bán trú tham gia vì HS ngoại trú học xong buổi sáng các em về gia đình.

Mặt khác, khi HS bán trú và không bán trú đều học với thời lượng, chương trình, các hoạt động bổ trợ, phụ đạo… như nhau, chất lượng giáo dục không chỉ đồng đều mà còn nâng cao. Cùng đó, ngoài dạy học theo chương trình chính khóa được Bộ GD&ĐT quy định, khi có thêm thời gian vào một số buổi chiều, nhà trường, GV thể triển khai phụ đạo cho HS ở các môn còn kém hoặc môn quan trọng như Văn, Toán, Tiếng Anh.

Học sinh THCS học 5 ngày/tuần: Nhìn từ vùng khó - Ảnh minh hoạ 2
 Học 5 ngày/tuần giúp HS bán trú có thời gian về thăm gia đình. Ảnh: TG

Ghi nhận tại Trường PTDTBT THCS xã Lử Thần huyện Si Ma Cai – Lào Cai, thầy Phạm Trung Thực – Hiệu trưởng khẳng định: Học 5 buổi/ tuần không chỉ mang tới chất lượng giáo dục tốt hơn mà còn trở thành giải pháp hữu hiệu để đảm bảo sự an toàn cho HS vùng cao trong quá trình từ trường về nhà.

“Trước đây, HS bậc TH ở bán trú cứ hết trưa thứ 6 (sau khi ăn trưa) sẽ rời trường tự đi về nhà. Do em còn nhỏ, dễ gặp nguy cơ mất an toàn trên đường đi, nhiều nguy hiểm rình rập, giờ đây, các em được về cùng và anh, chị lớp lớn giúp đỡ dẫn đường. Như vậy, hệ số an toàn cho quãng đường tới trường và về nhà sẽ tăng lên” – Thầy Thực cho biết.

Cũng theo thầy Thực, hiện nay huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đã thống nhất một giờ tan học cho 3 bậc MN, TH, THCS trong xã Lử Thần. Như vậy, HS bậc THCS có thể đưa em mình và HS nhỏ tuổi hơn về nhà an toàn. Mặt khác, các nhà trường còn xây dựng nhóm HS theo từng thôn bản, quá trình trên đường đi học và về nhà HS lớp lớn có trách nhiệm thông tin lại cho GV qua điện thoại mọi thông tin, diễn biến. Điều đó sẽ giúp cho việc quản lý an toàn của GV thêm hiệu quả.

Tại Nghệ An, 2 năm qua, Trường PTDTBT THCS Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) thực hiện linh động mỗi tháng nghỉ một ngày thứ 7 vào tuần cuối cùng. Thay vào đó, nhà trường bố trí lịch học bù vào một buổi chiều trong tuần. Thầy Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Học 5 ngày/tuần để tạo điều kiện cho GV và HS được nghỉ trọn vẹn 2 ngày cuối tuần về nhà.

Trường có 229/336 em ở bán trú, xa nhà. Cuối tuần, một số ít HS có bố mẹ đón còn lại tự đi bộ về. Nếu chỉ nghỉ Chủ nhật, các em sẽ vất vả để quay lại trường kịp đi học thứ 2. Chưa kể do lệch thời gian nghỉ cuối tuần giữa các cấp học, có học sinh tự động nghỉ ngày thứ 7 ở nhà trông em đang học tiểu học, mầm non vì bố mẹ đi rẫy”.

Không chỉ Trường PT DTBT THCS Huồi Tụ, nhiều trường khác trong huyện Kỳ Sơn cũng từng đề xuất nghỉ thứ 7 lên Phòng GD&ĐT. Ông Phan Văn Thiết – Phó phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Nếu thực hiện được dạy học 5 buổi/tuần sẽ thuận lợi đối với vùng cao. Phòng cũng nhận được ý kiến từ các trường THCS trên địa bàn huyện và lập tờ trình gửi cho Sở GD&ĐT Nghệ An. Tuy nhiên, để thực hiện được đại trà cần chờ ý kiến cấp trên có thẩm quyền”.

Có khả thi?

Đối với bậc THPT do đặc trưng của chương trình học nên hầu hết các trường cho rằng việc học tuần 5 buổi sẽ khó khả thi. Theo thầy Trần Minh Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), chương trình hiện hành đối với bậc THPT có những bất hợp lý, khối lượng kiến thức nặng, cộng với hình thức thi cử theo hướng ghi nhớ và tái tạo, điều này đòi hỏi thời gian dành cho học văn hóa nhiều.

Trong khi đó hầu hết hoạt động giáo dục ngoại khóa, ôn tập bổ sung kiến thức kỹ năng đều thực hiện vào các buổi chiều trong tuần. Nếu như nghỉ học thứ 7 và đẩy 1 - 2 buổi chính khóa xuống buổi chiều sẽ không có thời gian tổ chức học thêm, không đảm bảo kiến thức cho các em đạt yêu cầu thi cử.

Trường THPT Quỳ Hợp năm học 2019 – 2020 có hơn 1.000 HS, trong đó chiếm hơn 80% các em người dân tộc thiểu số Thái, Thổ… Chất lượng đầu vào vẫn nằm ở vùng trũng trong huyện nói riêng và cả tỉnh nói chung. Không chỉ yếu về kiến thức, HS vào lớp 10 của trường còn thiếu nhiều kỹ năng như: Tiếng Việt, tự học, giao tiếp, kiến thức pháp luật. Bởi vậy, các thầy cô giáo trong trường hiện nay đang phải “vượt sức”, căng mình vừa dạy học, phụ đạo kiến thức, ôn thi THPT quốc gia, tổ chức sinh hoạt chủ đề tăng cường kỹ năng sống cho HS.

Bên cạnh đó, trường có số lượng lớn HS nhà trong bản xa, phải ở trọ quanh trường. Các thầy cô giáo còn thêm nhiệm vụ quản lý thường xuyên đảm bảo an ninh, an toàn cho các em. Đổi lại, HS cũng cơ bản “kín lịch”. Hiện nhà trường cố gắng sắp xếp tất cả các hoạt động trong tuần để GV, HS được nghỉ chiều thứ 7 và ngày Chủ nhật.

 Về quan điểm và mong muốn cá nhân, trong chương trình hiện hành cũng như Chương trình mới sau này, tôi luôn ủng hộ việc nghỉ ngày thứ 7. Đó là khoảng thời gian nghỉ cần thiết đối với GV để tái tạo sức lao động và HS để hệ thống, chuyển tải kiến thức thành của mình, tiếp thu kiến thức mới.  
Thầy Đạt bày tỏ.

Theo thầy Đạt, chỉ đến khi Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng triển khai, khối lượng kiến thức giảm tải, khung chương trình phù hợp hơn và đổi mới cách thức thi cử thì việc học 5 ngày/tuần ở THPT mới có cơ sở thực hiện được. Theo dự kiến về đánh giá học sinh sau THPT, các em học xong lớp 12 sẽ có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT để đi học nghề, hoặc làm việc. Còn em nào có nhu cầu học lên bậc học cao hơn sẽ thi tốt nghiệp lấy bằng THPT. Như thế việc phân luồng rõ ràng, áp lực học tập giảm, các em học hình thành năng lực, kỹ năng chứ không phải học để thi nữa. Khi đó áp dụng nghỉ học ngày thứ 7 là hợp lý.

Còn theo Thầy Nguyễn Văn Đăng, việc học 5 ngày/tuần phù hợp với đặc thù học sinh cùng cao. “Buổi học chính khóa của ngày thứ 7 có thể đẩy xuống 1 buổi chiều trong tuần. Trong các buổi chiều khác trường vẫn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa khác. Tổ chức thời gian biểu như vậy cũng hợp lý và phát huy hiệu quả giáo dục đối với học sinh dân tộc bán trú”, thầy Đăng nhận định.

Dù mới triển khai ở bậc THCS nhưng ngành Giáo dục Lào Cai thu về những tín hiệu tích cực về hiệu quả giáo dục. Đặc biệt, tỉ lệ chuyên cần chung của HS THCS tăng lên đáng kể. Có lẽ, đây là  “lời giải” cho bài toán duy trì sĩ số HS ở các trường vùng cao như Lào Cai bấy lâu nay vẫn đi tìm. 

Tác giả bài viết: Đức Hạnh – Hồ Lài

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập977
  • Hôm nay27,562
  • Tháng hiện tại305,692
  • Tổng lượt truy cập51,661,651
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944