Phát biểu PGS.TS Lê Anh Vinh – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, công nghệ số đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống và tác động đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là thế giới việc làm.
Theo đó, nguồn nhân lực đang phải cố gắng để bắt nhịp với thay đổi của toàn cầu hóa, tự động hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nhất là khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, đã làm thay đổi quan niệm về nghề nghiệp. Mọi người không chỉ làm một nghề mà có thể làm nhiều nghề. Khi thế giới việc làm đổi thì chúng ta cũng phải thay đổi kỹ năng để bắt kịp.
Các nhà tuyển dụng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn các kỹ năng từ phía người lao động; trong khi đó khoảng cách giữa tri thức và kỹ năng mà chúng ta có được vẫn còn hạn chế.
Để vượt qua những trở ngại này, cần tập trung ưu tiên vào khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học; tức là giáo dục STEM, bao gồm cả sự phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Nghề nghiệp tương lai sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các kỹ năng của thế kỷ 21 như: tư duy phản biện, sáng tạo, hợp tác và giải quyết vấn đề… Giáo dục STEM sẽ góp phần phát triển kỹ năng này. Dự đoán trong tương lai, các công việc chủ yếu sẽ đòi hỏi nhiều hơn về khoa học, toán học và tư duy phản biện.
Theo PGS.TS Lê Anh Vinh, giáo dục STEM rất quan trọng với học sinh; nhất là với thế giới hiện đại, công nghệ: Robot, trí tuệ nhân tạo… ngày càng phát triển. Vì thế giáo dục STEM sẽ là giải pháp các cho vấn đề phức tạp trở thành những kỹ năng cốt yếu quan trọng trong thế kỷ 21.
Trên cơ sở đó, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Isarel tổ chức hội thảo “Giáo dục STEM trong một thế giới thay đổi”. Hội thảo mang nhiều ý nghĩa quan trọng: Là cơ sở để các chuyên gia Việt Nam và Isarel thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về STEM, áp dụng STEM trong trường học và xây dựng chính sách, chương trình giáo STEM.
Những thảo luận trong hội thảo sẽ góp phần mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn trong tương lai giữa Việt Nam và Isarel; qua đó nhằm tăng cường giáo dục STEM trong các nhà trường.
Ông Nadav Eshcar – Đại sứ quán Isarel tại Việt Nam nhận xét, học sinh Việt Nam giỏi lý thuyết nhưng còn hạn chế về kỹ năng thực hành; do đó cần đưa giáo dục STEM vào hệ thống giáo dục.