“Bấn loạn” đi “săn” sách giáo khoa đầu năm học
Theo tìm hiểu của PV Báo GD&TĐ tại các cửa hàng sách trên địa bàn Hà Tĩnh, việc mua được sách giáo khoa các lớp đầu cấp năm nay diễn ra căng thẳng hơn những năm trước. Mua lẻ góp nhặt để cho đủ bộ còn khó, chưa nói đến chuyện mua một nơi được ngay trọn bộ.
Sách giáo khoa thiếu nhiều ở các lớp 1, lớp 6, lớp 10… Đến lúc này, dù ngày tựu trường (20/8) đã qua nhưng phụ huynh vẫn chạy đôn đi “săn” sách giáo khoa cho con. “Phải ít nhất 3 ngày, tôi mới mua trọn bộ sách giáo khoa cho con vào lớp 1. Phải tìm nhặt từng cuốn, chứ mua cùng một lúc là không đủ” – một phụ huynh tại TP.Hà Tĩnh cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Do nghĩ đơn giản, thiếu gì chứ sách giáo khoa thì làm sao thiếu được. Nên hai mẹ con cứ bình thản, đợi gần ngày khai giảng hẵng mua. Không ngờ, đi hầu hết các cửa hàng sách lẻ tại huyện đặt mua, đều nhận câu trả lời là không đủ bộ. Tôi phải chạy ra thành phố, đến Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Tĩnh mới gom được đầy đủ bộ cuốn sách lớp 1”.
Sách giáo khoa không đủ đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng |
“Việc mua sách giáo khoa đầu năm học, chưa năm nào cực và khổ như năm 2018 này. Chúng tôi, phải tìm đủ cách, nào là gọi điện thường xuyên đến Công ty sách và Thiết bị trường học Hà Tĩnh khi nào có sách về là chạy đến mua ngay. Thế mà chúng tôi vẫn phải xếp hàng, thậm chí chí tranh nhau từng cuốn sách trên tay” – một phụ huynh tại TP.Hà Tĩnh nói.
Mấy ngày nay, cửa hàng sách của Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Tĩnh tấp nập người vào ra. Trên kệ, các loại sách giáo khoa được bày bán không còn nhiều. “Cả mấy tuần nay chúng tôi luôn ở trong tình trạng cung không đủ cầu, bởi lượng mua quá lớn. Trước đây, sách giáo khoa xếp sẵn từng bộ để tiện cho khách vào mua, nhưng nay thì được quyển nào hay quyển đó” – chị Trương Thị Ninh, Cửa hàng trưởng cửa hàng sách này cho biết.
Chị Ninh cũng nói thêm, việc thiếu sách giáo khoa là tình trạng chung, không riêng Hà Tĩnh. Nhưng đối với cửa hàng sách chúng tôi luôn cố gắng cung ứng đầy đủ theo nhu cầu của khách, hôm nay sách chưa về thì ngày mai đã có mặt trên kệ. Nhân viên công ty được tăng cường tối đa phục vụ khách hàng, lưu lại tên khách, cuốn sách mà khách cần để bổ sung cho ngày hôm sau và không để thiếu sách kéo dài.
Trên kệ sách luôn thiếu trọn bộ sách giáo khoa các lớp 1, lớp 6, lớp 10 |
Được biết, đây cũng là năm người mua sách tại công ty sách tăng đột biến, lượng mua đến ngày 23/8 lên tới 2.840 triệu bản. Để đảp ứng nhu cầu thị trường, công ty giảm 10-15% giá sách một số loại.
Ngoài ra, trước tình trạng khan hiếm sách giáo khoa tại Công ty CP phát hành sách Hà Tĩnh, ban lãnh đạo công ty đã phải điều tiết sách từ các đại lý nhỏ ở các huyện, thị trên địa bàn tỉnh và kêu gọi sự vào cuộc của Hội Phát hành sách ở khu vực Bắc miền Trung nhằm cung ứng số lượng sách còn thiếu. Đồng thời, có văn bản đề xuất với Nhà xuất bản và đã được đồng ý về nguồn sách bổ sung, nhưng chưa biết đến thời điểm nào sách mới về một cách đầy đủ tại Hà Tĩnh.
Đây là điều bất thường?!
Lý giải về việc thiếu sách giáo khoa đầu năm học mới, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, ngoài lý do học sinh tăng đột biến thì một nguyên nhân nữa là trước thông tin sắp thay sách giáo khoa mới, một vài công ty sách - thiết bị trường học địa phương năm nay đã đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho, nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn phát hành của NXB.
Bên cạnh đó, lý giải về hiện tượng khan hiếm sách giáo khoa năm nay, lãnh đạo Sở này còn cho rằng do có sự đột biến về số lượng học sinh các lớp đầu cấp tại Hà Tĩnh lớn nên đã dẫn đến hiện tượng thiếu sách tạm thời.
Nhu cầu mua sách của phụ huynh, học sinh luôn quá tải tại Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Tĩnh. |
Nhiều ý kiến phụ huynh cũng cho rằng, không thể đổ lỗi thiếu sách giáo khoa là do năm nay số lượng học sinh tăng đột biến.
Rõ ràng, việc in và phát hành sách không phải là bài toán kinh doanh thông thường mà trước hết là bài toán xã hội vì nó đụng đến hầu như mọi gia đình. Sách giáo khoa lẽ ra phải bằng mọi cách phục vụ tới tận tay học sinh. Bởi đầu năm học, sách giáo khoa phải được coi là nhu cầu thiết yếu của xã hội như: điện, nước... vì giáo dục không thể thiếu sách giáo khoa.
Đây là điều mà cơ quan phát hành sách cần phải có thay đổi trong nhiệm vụ nắm bắt được nhu cầu và khả năng chi trả của người dân về sách giáo khoa trước khi phát hành, không để rối loạn như vừa qua - một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ý kiến.