Khi sách giáo khoa không còn là “pháp lệnh”

Thứ hai - 08/06/2020 04:36 389 0
GD&TĐ - Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa không còn là “pháp lệnh”, là duy nhất, thể hiện đồng nhất trên toàn quốc. Đây là điều đặc biệt quan trọng giáo viên cần lưu ý khi triển khai Chương trình, SGK GD phổ thông mới.
Khi sách giáo khoa không còn là “pháp lệnh”

Cơ hội tiếp tục đổi mới

Ông Trịnh Văn Ngoãn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết: Hiện sách giáo khoa và chuẩn kiến thức kỹ năng như là cẩm nang cho mọi giáo viên trên toàn quốc, do đó hạn chế sự sáng tạo của người dạy và người học. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực người học. Việc biên soạn nhiều bộ sách để các cơ sở giáo dục lựa chọn thể hiện tính linh hoạt, chủ động của từng địa phương và từng trường.

Với 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Bộ GD&ĐT thẩm định và phê duyệt cho các cơ sở giáo dục sử dụng cho thấy cách tiếp cận của tác giả đối với chương trình cũng đa dạng, phong phú. Ông Trịnh Văn Ngoãn cho biết, giáo viên tiểu học đã thực hiện các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, qua việc triển khai Mô hình Trường học mới, phương pháp dạy học Bàn tay nặn bột, Khăn trải bàn, cộng với những đổi mới trong kiểm tra, đánh giá theo sự tiến bộ người học từ nhiều năm nay. Đó là cơ sở vững chắc để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai là cơ hội để giáo viên thể hiện thêm tính chủ động của mình trong triển khai phương pháp dạy học. Chúng ta phải thống nhất quan điểm, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đi ra từ thực tiễn, từ ưu điểm cốt lõi chương trình hiện hành. Chính vì việc này, đội ngũ giáo viên đã có những bước làm quen ngay trong chương trình hiện hành cùng những quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa được thiết kế mở. Tôi thấy đây là một cơ hội rất thuận lợi cho giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học của mình mà chúng ta đã triển khai trong chương trình hiện hành” – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long chia sẻ.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho giáo viên làm quen với nội dung chương trình, sách giáo khoa và các kỹ thuật dạy học phù hợp với Chương trình và sách giáo khoa mới, ngành Giáo dục đã và sẽ tổ chức tập huấn đại trà cho giáo viên trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm 100% giáo viên được tập huấn và cấp giấy chứng nhận đạt mới được giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng tại chỗ cũng được thực hiện thường xuyên thông qua lực lượng cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của địa phương; hình thức bồi dưỡng tập huấn cũng rất linh hoạt (kết hợp tập huấn bồi dưỡng trực tiếp với trực tuyến và quá trình tự học của người học).

Chia sẻ thông tin này, ông Trịnh Văn Ngoãn thể hiện tin tưởng, với năng lực hiện có và tinh thần trách nhiệm, cùng lòng yêu nghề mến trẻ thì giáo viên của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và của cả nước nói chung, chúng ta sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình và sách giáo khoa mới góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Khi sách giáo khoa không còn là “pháp lệnh” - Ảnh minh hoạ 2
Giáo viên đóng vai trò định hướng để học sinh phát huy tối đa khả năng trong học tập. Ảnh minh họa.

Bám chương trình, linh hoạt sử dụng sách giáo khoa

Trường Tiểu học – Trung học cơ sở An Vũ, Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã chọn được sách giáo khoa phù hợp trong 3 bộ sách: Cánh diều, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Cô Hiệu trưởng Mai Thị Bích Nguyện cho biết, những sách giáo khoa được chọn phù hợp với quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của UBND tỉnh; phù hợp với thực tế địa phương, điều kiện trang thiết bị phục vụ dạy - học của nhà trường, phù hợp với tâm lý nghề nghiệp của giáo viên và tâm lý người học. Theo đó, với giáo viên, sách giúp thầy cô dễ tổ chức thực hiện những thao tác nghiệp vụ giảng dạy mà lại đạt hiệu quả giáo dục tích cực. Với học sinh, sách giáo khoa mới giúp các em tiếp thu nhẹ nhàng, tạo cảm giác như chơi mà học, thú vị, hấp dẫn, hứng thú.

“Chúng tôi cũng thống nhất xác định những nội dung giáo dục bổ sung, tài liệu tham khảo trong các bộ môn, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nhà trường. Tổ chức hội thảo về đổi mới việc ra đề kiểm tra, đánh giá khi thực hiện yêu cầu dạy bám chương trình. Trên tinh thần đó, nhà trường sẽ có những biện pháp chỉ đạo cụ thể để bảo đảm tính đổi mới, phù hợp, sáng tạo, thống nhất trong việc ra đề kiểm tra, đánh giá. Từ cơ sở hiểu đúng bản chất của việc dạy bám chương trình, từ cơ sở của hội thảo và những chuyên đề mà nhà trường tổ chức, cũng như nội dung giáo dục bổ sung, từng tổ chuyên môn, từng giáo viên xây dựng kế hoạch thực hiện. Kế hoạch này chỉ được thực hiện khi nhà trường đã tổ chức duyệt. Các kế hoạch này được niêm yết công khai trong trường để cùng giám sát và thực hiện” – cô Mai Thị Bích Nguyện chia sẻ.

Chia sẻ chỉ đạo của nhà trường trong triển khai dạy học sách giáo khoa mới, cô Nguyện cho biết, trước hết, nhà trường tổ chức quán triệt thật kỹ về quan điểm sách giáo khoa không còn là pháp lệnh để giáo viên hiểu đúng, hiểu sâu về quan điểm này. Trên cơ sở nhận thức đúng sẽ có nhiều sáng tạo trong quá trình vận dụng và thực hiện. 

Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học phải linh hoạt, sáng tạo, nhưng luôn luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chương trình. Đồng thời, tổ chức hội thảo toàn cán bộ giáo viên để cùng hiểu thật sâu sắc về yêu cầu “dạy bám chương trình”; đặc biệt là khái niệm về thế nào là “dạy bám chương trình”, cách thức thực hiện, để cùng thống nhất trong đội ngũ, tạo sự đồng bộ và nhất quán trong tất cả các bộ môn và các khối lớp. Tổ chức chuyên đề về dạy bám chương trình ở tất cả các bộ môn. Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và chỉ đạo chung trong toàn trường.

Để giáo viên nhận thức sâu sắc hơn việc chương trình chứ không phải sách giáo khoa là pháp lệnh, Trường Tiểu học – Trung học cơ sở An Vũ chủ trương bổ sung, xây dựng tiêu chí đánh giá thi đua có nội dung yêu cầu về dạy “bám chương trình”. Những bổ sung, tiêu chí thi đua có yêu cầu về việc thực hiện dạy bám chương trình được tổ chức phổ biến và quán triệt đến từng cán bộ giáo viên của nhà trường. Cùng với đó, phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm về việc thực hiện yêu cầu dạy bám chương trình. Những sáng kiến kinh nghiệm này được xây dựng thành tài liệu lưu hành nội bộ của đơn vị.

Khi sách giáo khoa không còn là “pháp lệnh” - Ảnh minh hoạ 3
Học sinh Trường TH Trần Hưng Đạo (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) thích thú với hoạt động trải nghiệm chăm sóc vườn rau. Ảnh minh họa.

Chuyển đổi vai trò của người thầy

Lưu ý giáo viên khi dạy học theo sách giáo khoa mới, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, thành viên nhóm biên soạn Chương trình, sách giáo khoa mới đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu dạy học bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quan trọng nhất là bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất người học. Bên cạnh đó, nhà trường và giáo viên phải thay đổi quan niệm sách giáo khoa là pháp lệnh mà cần coi bộ sách được chọn là hạt nhân của tài liệu dạy học trong nhà trường. “Bởi vậy, ngoài sách giáo khoa còn cần nhiều tài liệu tham khảo khác để hỗ trợ việc dạy học, trong đó có cả những bộ sách giáo khoa khác đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt” - PGS Nghiêm Đình Vỳ cho hay.

Trước yêu cầu mới, PGS Nghiêm Đình Vỳ cũng lưu ý nhận thức và thể hiện vai trò của người thầy có sự chuyển đổi từ địa vị người dạy, truyền đạt nội dung kiến thức sang người tổ chức, huấn luyện, “cố vấn” trong việc dạy học nói chung và việc hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa mới nói riêng.

Một thuận lợi lớn là ngành Sư phạm được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Các thầy cô giáo vốn có lòng yêu nghề tha thiết, luôn coi trọng tri thức, chăm lo, dìu dắt thế hệ trẻ; lấy dạy chữ, dạy người làm lẽ sống của mình. Đây là những người luôn coi trọng danh dự, lương tâm, gìn giữ khí tiết, xác lập vị trí của mình trong xã hội bằng tài năng, đức độ, học vấn và thái độ tận tụy cống hiến. Đội ngũ nhà giáo đã làm tốt việc truyền thụ kiến thức cho học sinh qua dạy học trên lớp học.

Tuy nhiên, chúng ta đang phải đương đầu với những khó khăn, thách thức không nhỏ của toàn cầu hóa, quốc tế hóa và cách mạng số trên phạm vi toàn cầu cũng như trên toàn quốc. Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bước vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, do đó, vai trò người thầy trở nên phức tạp khi kiến thức hầu như là vô tận.

Trong bối cảnh này, PGS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, giáo viên phải định hướng vào công nghệ và có trách nhiệm không chỉ với việc dạy của mình mà còn với việc học của học sinh. Ngày nay, giáo viên phải là người xúc tác giúp học sinh có được thông tin mới, biết điều giải giữa người học với cái mà học sinh cần biết, và là người cung cấp sự hiểu biết bắc cầu. Giáo viên phải biết theo dõi giúp học sinh quản lý đúng thời gian của họ khi sử dụng nguồn lực điện tử, Intenet nhất là học sinh THPT. Yêu cầu lớn đặt ra là sự chuyển đổi vai trò giáo viên - người truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống, sang vai trò mới với tư cách người xúc tác và điều phối.

“Vai trò giáo viên đã thay đổi và đang tiếp tục thay đổi từ địa vị người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập. Trong kỷ nguyên số, cần nhận rõ người thầy là cố vấn cho học sinh học tập và phát triển toàn diện thành công dân cân đối, công dân toàn cầu mang bản sắc người Việt Nam. Đó là giúp đỡ học sinh tư duy, phản ánh và tiếp cận kiến thức. Người giáo viên có vai trò quan trọng trong việc nêu vấn đề, giao nhiệm vụ, tổ chức cho học sinh làm việc, trao đổi... cùng tham gia với học sinh và nêu lên những nhận xét của mình nếu thấy cần thiết”. - PGS Nghiêm Đình Vỳ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập746
  • Hôm nay35,702
  • Tháng hiện tại313,832
  • Tổng lượt truy cập51,669,791
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944