Khích lệ giáo viên trao đổi, sáng tạo

Thứ bảy - 23/11/2019 03:21 530 0

Khích lệ giáo viên trao đổi, sáng tạo

GD&TĐ - Bắt đầu từ tháng 10/2019, các trường ĐHSP chủ chốt tham gia Chương trình ETEP phối hợp với các địa phương đồng loạt tổ chức bồi dưỡng GV cốt cán trong cả nước. Đây là bước đi quan trọng trong bối cảnh Chương trình GDPT mới sắp triển khai.

Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Hiền – Phó Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) về vấn đề này.

Chủ động tiếp nhận đổi mới

- Là người trực tiếp theo dõi và giám sát hoạt động bồi dưỡng GV cốt cán của các trường ĐHSP, ông nhận thấy đội ngũ này tham gia bồi dưỡng như thế nào, tâm tư nguyện vọng của họ ra sao?

- Tính đến ngày 1/11/2019, trong tổng số 28.000 GV cốt cán được bồi dưỡng theo kế hoạch, các trường ĐHSP đã tổ chức bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp hơn 17.000 thầy cô. Trong quá trình giám sát, các chuyên gia tư vấn của Chương trình ETEP đã phỏng vấn trực tiếp GV cốt cán tham gia bồi dưỡng. Phản hồi từ phía các GV cốt cán là rất tích cực. Lần đầu tiên được tiếp cận với chương trình mới, các thầy cô khá chủ động, học liệu cũng được ghi nhận tốt. Nhiều người trong số này học trước và hiểu được nhiều vấn đề.

Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của đội ngũ giảng viên chủ chốt, đội ngũ cốt cán rất tự tin, về chuyên môn có tính sáng tạo.

Ngoài ra, các trường sư phạm tham gia Chương trình ETEP cũng khá sáng tạo, đã lập ra các nhóm học tập trên Facebook, giúp các thầy cô cốt cán có diễn đàn giao lưu trao đổi, dần dần trở thành cộng đồng học tập.

Khích lệ giáo viên trao đổi, sáng tạo - Ảnh minh hoạ 2
  PGS.TS Nguyễn Văn Hiền.

- Theo ông, điều cốt yếu để xây dựng nên cộng đồng học tập cho đội ngũ GV là gì?

- Việc thành lập cộng đồng mạng là không khó, để duy trì cộng đồng đó phát triển là điều quan trọng. Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất để duy trì cộng đồng học tập đó chính là các chủ đề học tập. Những vấn đề đưa ra trên cộng đồng đó phải có sức hút, tạo ra mối quan tâm của đông đảo thành viên. Đơn vị quản trị của cộng đồng đó cần đóng vai trò thúc đẩy, tạo ra những chủ đề để GV cùng quan tâm, trao đổi, cũng như khích lệ GV tham gia cộng đồng như vậy. Thành viên nào tích cực, có đóng góp tốt cần phải được động viên kịp thời, tạo động lực về tinh thần và chuyên môn cho họ.

Hệ thống học tập qua mạng do Bộ GD&ĐT triển khai cũng có tính năng hỗ trợ hình thành các cộng đồng học tập, ví dụ như tính năng diễn đàn trao đổi. Khi triển khai bồi dưỡng đại trà, tài khoản quản trị cũng sẽ được bàn giao cho các Sở GD&ĐT. Lúc đó, vai trò của các Sở phối hợp cùng các trường sư phạm trong việc thúc đẩy các cộng đồng học tập như vậy rất quan trọng.

Cơ hội để GV sáng tạo

- CTGDPT mới sẽ là “pháp lệnh”, được áp dụng chung cho cả nước. Do đó, việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sẽ căn cứ theo chương trình tổng thể, chương trình môn học. Vậy, việc bồi dưỡng không có SGK có hạn chế gì không thưa ông?

-Theo tinh thần đổi mới, chúng ta hướng dẫn các thầy, cô giáo tìm hiểu để có thể thực hiện CTGDPT 2018. Đây là cách tiếp cận mới hoàn toàn.

Trước đây, theo thông lệ, GV thường sử dụng SGK và có thể tìm hiểu thêm về đặc điểm chương trình để tổ chức dạy học. Trong giai đoạn tới, trong tay các thầy cô sẽ chỉ có chương trình giáo dục phổ thông là quy định chung, ở đó chỉ nêu ra những yêu cầu cần đạt. Các nguyên liệu để thầy cô tổ chức hoạt động dạy học và hướng dẫn HS đạt mục tiêu học tập, đáp ứng yêu cầu cần đạt sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng sáng tạo của GV.

Ngay cả trong giai đoạn bồi dưỡng hiện nay, bắt đầu bước vào tìm hiểu CTGDPT 2018, các trường sư phạm cũng từng bước hướng dẫn GV phải thực sự hiểu và phân tích được đặc điểm chương trình môn học. Đây là khung xương sống quan trọng để các thầy cô phát triển kế hoạch dạy học (giáo án) mà ở đó, các thầy cô dùng đa dạng các nguồn tài liệu khác nhau để tổ chức tốt hoạt động của HS.

Khích lệ giáo viên trao đổi, sáng tạo - Ảnh minh hoạ 3
 Ảnh minh họa/ INT

- Nói như vậy có nghĩa việc bồi dưỡng không có SGK là cơ hội để GV sáng tạo?

- Chính xác như vậy. Thực tế hiện nay, các thầy các cô trong quá trình lên lớp không dựa hoàn toàn vào SGK. Trong công tác chỉ đạo của Bộ GD&ĐT (đặc biệt trong Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 10/3/2017) cũng hướng dẫn các trường, tổ nhóm chuyên môn hằng năm phối hợp với nhau để rà soát chương trình, SGK, tinh giản kiến thức, thành lập các chủ đề học tốt. Rõ ràng trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT hiện hành, các thầy cô đã và đang làm quen với quá trình tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS.

Khi tạo ra được các chủ đề dạy học tốt, nguồn học liệu mà các thầy cô sử dụng tất nhiên sẽ đa dạng. Do đó, có thể thấy, thực tế hiện nay GV đã và đang dạy học bằng nhiều nguồn tài liệu tham khảo. Thời gian tới, khi thực hiện CTGDPT 2018, việc tạo điều kiện cho GV thực hiện chương trình một cách chủ động sáng tạo, trên nhiều nguồn học liệu sẽ có nhiều thuận lợi với các thầy cô.

- Để lan tỏa tinh thần của đổi mới đến toàn bộ GV phổ thông trong cả nước, theo quan điểm của ông, GV cốt cán cần có phẩm chất, năng lực gì sau khi tập huấn?

- Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 14 và Thông tư 20 về Chuẩn nghề nghiệp hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Trong đó, xác định rõ các tiêu chuẩn của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

Trong thực tế bồi dưỡng, chúng tôi nhấn mạnh thêm với các GV cốt cán về nhiệm vụ cụ thể của thầy, cô trong đợt bồi dưỡng này là:

Thứ nhất, các thầy cô phải nâng cao năng lực chuyên môn của chính bản thân (không chỉ là những kiến thức của môn học mà đặc biệt là các hiểu biết của thầy cô về CTGDPT 2018).

Thứ hai, các GV cốt cán cần có khả năng hướng dẫn đồng nghiệp của mình tại địa phương, cụm trường, hoặc khi sở, phòng GD&ĐT yêu cầu. Các GV cốt cán cần lập kế hoạch chia sẻ với các đồng nghiệp tại địa phương, biết cách tạo động lực tích cực cho các đồng nghiệp.

Thứ ba, GV cốt cán luôn cần có tinh thần đổi mới và sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, đội ngũ cốt cán này cũng cần được các sở, phòng GD&ĐT của các địa phương quản lý, sử dụng phù hợp; các địa phương cần có chính sách khuyến khích, động viên đội ngũ cốt cán, để các thầy, cô thực sự trở thành nguồn lực quan trọng cho mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục và tại chỗ.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Lê Đăng (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập854
  • Hôm nay52,097
  • Tháng hiện tại330,227
  • Tổng lượt truy cập51,686,186
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944