Nhìn lại mục tiêu của ĐH vùng sau gần 25 năm
PGS.TS Trần Văn Điền phân tích: Sau gần 25 năm, 3 mục tiêu của ĐH vùng vẫn chưa đạt.
Thứ nhất: Tạo ra một ĐH đa ngành mạnh hơn. Hiện nay Đại học vùng mới chỉ gộp lại giống như một hợp tác xã, hình thành một cấp trung gian hành chính. Thực tế, ĐH vùng mới chỉ là ĐH nhiều hơn về quân số: ĐH Thái Nguyên trước có 1.800 cán bộ, bây giờ lên 4.300 cán bộ - nhiều hơn về con người. Trước ĐH Thái Nguyên có 4 trường giờ thành 7 trường - phình về bộ máy, nhưng chất lượng đào tạo không cải thiện, những tiêu chí đánh giá về công trình nghiên cứu, về bài báo đăng tải, nếu tính theo bình quân các trường cũng không cao.
Thứ hai: Chia sẻ nguồn lực giữa các trường ĐH thành viên để tạo ra tương tác tích cực. Trong thực tế, các trường ĐH thành viên ĐH Thái Nguyên không dùng chung được gì của nhau cả về cơ sở vật chất lẫn con người.
Thứ ba: Giảm đầu mối các trường ĐH trong toàn quốc. ĐH Thái Nguyên khởi đầu nhập 4 trường “tiền bối” để trở thành một ĐH vùng cho khu vực miền núi phía Bắc. Hiện tại, các trường ĐH xung quanh khu vực miền núi phía Bắc đã “bung nở”, không những giảm đầu mối mà còn tăng thêm. Nhìn nhận dưới góc độ quản lý, mục tiêu này là không đạt.
Được - mất của trường ĐH thành viên khi vào ĐH vùng
Phân tích về những ưu điểm của trường ĐH thành viên trong ĐH vùng, theo PGS.TS Trần Văn Điền, ĐH vùng được Bộ GD&ĐT ủy quyền một số việc nên tạo thuận lợi cho các trường thành viên về mặt thủ tục. Ví dụ như việc đi công tác, học tập tại nước ngoài, liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài, các trường thành viên báo cáo, xin phép ĐH vùng là được, tạo sự chủ động, đỡ tốn kém thời gian cho các trường. Bên cạnh đó, 7 trường ĐH thành viên ĐH Thái Nguyên cũng thường xuyên trao đổi chia sẻ kinh nghiệm học hỏi của nhau. Những đổi mới, sáng tạo ở các nhà trường được chia sẻ, ứng dụng nhanh chóng. Đây là một lợi thế mà không phải trường ĐH nào cũng có được.
Tuy nhiên, khi đề cập đến những hạn chế của trường ĐH thành viên trong ĐH vùng, PGS Trần Văn Điền cho rằng các trường đang thiếu tính năng động với cơ chế hoạt động của ĐH vùng hiện nay - một bộ máy trung gian với hơn 100 cán bộ ở các phòng/ban, nếu cả hợp đồng thì cũng phải 130 - 140 cán bộ. Hiện điều tiết ĐH vùng với các trường thành viên rất khó. Kinh phí gửi về phải qua bước trung gian là ĐH vùng, sau đó phân về các trường. Các trường ĐH thành viên vẫn phải báo cáo hai hệ thống: Vừa báo cáo lên ĐH vùng, ĐH vùng tổng hợp gửi lên Bộ GD&ĐT; song song với đó là báo cáo thẳng về Bộ GD&ĐT như các trường ĐH khác.
Các trường ĐH thành viên hoạt động theo Quy chế của Điều lệ ĐH và được giám sát, đánh giá như một trường ĐH. Nhưng nằm trong khuôn khổ quản lý của cấp trung gian nên có những nội dung tuân thủ theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhưng dưới ĐH Thái Nguyên lại có một quy định cụ thể hóa. Chính vì vậy, tính năng động, tự chủ của các trường ĐH thành viên không được như một trường ĐH bình thường khác.
PGS.TS Trần Văn Điền - Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) |
Đầu tư cho ĐH vùng quá ít
Điều khiến vị lãnh đạo Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) cảm thấy “không được” nhất khi là thành viên của ĐH vùng chính là kinh phí đầu tư quá ít trong khi còn có một bộ máy trung gian. Dường như các cấp quản lý coi ĐH vùng như một trường ĐH, kéo theo đó kinh phí phân cho ĐH vùng còn thấp.
Tính đếm mức chi tiêu hiện nay, Trường ĐH Nông Lâm chỉ được 1,3 triệu đồng/sinh viên. “Tôi vào ĐH Nông Lâm 24 năm, trường được đầu tư xây một khu nhà khoảng hơn 10 tỷ đồng thôi, không có đầu tư ra tấm ra món. Có thể nói cơ chế đầu tư phần nào kìm hãm sự phát triển của các trường thành viên, đặc biệt là đi theo hướng tự chủ. Tự chủ mà có bộ máy trung gian ở trên, lúc nào cũng phải hỏi xin ý kiến, từ công tác cán bộ, công tác tuyển sinh, công tác tài chính… thì thực sự không hiệu quả” - PGS.TS Trần Văn Điền nhận định.
Nguyện vọng của lãnh đạo trường ĐH thành viên ĐH Thái Nguyên là nếu tiếp tục mô hình ĐH vùng - ĐH trọng điểm của Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên, nay mai rất có thể có Cần Thơ, thì ĐH vùng phải được đầu tư xứng đáng bằng chỉ số đầu tư, có được cơ chế hoạt động như ĐHQG, được trao quyền nhiều hơn, được đầu tư nhiều hơn, khi đó các trường vào ĐH vùng thì sẽ được ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho những vùng khó khăn.