Điều này cần sự quan tâm, định hướng sớm từ phía nhà trường; chuẩn bị của địa phương cho những thay đổi phù hợp lứa học sinh của chương trình mới.
Chị Phạm Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) có con gái học lớp 12 chuyên Sinh, con trai lớp 8 cũng học tốt các môn tự nhiên và có định hướng thi chuyên. Dù học Chương trình GDPT 2018 không có khái niệm về môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, nhưng do truyền thống gia đình, ảnh hưởng của chị, cậu em thể hiện rõ niềm yêu thích với môn Sinh học và luôn hào hứng với phần kiến thức này trong môn Khoa học tự nhiên.
“Tuy nhiên đến thời điểm này tôi khá bối rối trong định hướng, bồi dưỡng thêm kiến thức cho con trai để chuẩn bị cho giai đoạn THPT. Trước đây, con gái trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Sinh học của trường nên được thầy cô rèn luyện thêm nhiều kiến thức nâng cao. Đây cũng là lợi thế khi con thi chuyên. Nhưng đến nay, với Chương trình GDPT 2018, tôi không biết có thi học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên hay không? Thêm nữa, nếu muốn ôn luyện thêm cho con về Sinh học để thi chuyên cũng không biết ôn thế nào”, chị Phạm Hà chia sẻ.
Là Tổ trưởng bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội), cô Ngô Thị Trà Hương thừa nhận trong quá trình giảng dạy, việc bồi dưỡng học sinh giỏi gặp nhiều khó khăn. Theo đó, phần nội dung học chuyên sâu bị ngắt quãng, học sinh phải ôn luyện nhiều dạng bài tập, đòi hỏi khả năng tư duy tổng hợp cao. Sự hứng thú và động lực để các em kiên trì với các lớp bồi dưỡng giảm.
Về phần giáo viên vẫn trong quá trình tự học, chưa thể tích lũy đủ kinh nghiệm để truyền dạy cho học sinh. Với các em có mong muốn thi chuyên, tâm lý thường lo lắng, thời gian dành cho ôn luyện 3 phân môn rất vất vả. “Chúng tôi mong sớm có phương án cụ thể để học sinh, giáo viên, phụ huynh có định hướng rõ ràng”, cô Ngô Thị Trà Hương bày tỏ.
Ông Phạm Viết Phúc - quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chia sẻ, học sinh trên địa bàn huyện đại bộ phận thuộc vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. Các em ít chọn thi vào trường chuyên, chỉ tập trung thi trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và trường THPT công lập tại huyện.
Dù có ít học sinh đăng ký thi vào THPT chuyên hằng năm, nhưng ngành Giáo dục huyện vẫn chỉ đạo các trường, đặc biệt trường THCS thị trấn, có học sinh muốn thử sức sẽ định hướng ôn luyện môn có khả năng dễ thi, dễ đỗ hơn như Lịch sử, Sinh học, Địa lý, Ngữ văn. Nhà trường cùng gia đình tích cực phối hợp ôn luyện và khuyến khích động viên để các em tự tin tham gia dự thi.
Tuy nhiên, với học sinh học Chương trình GDPT 2018, việc định hướng, ôn thi sẽ khó khăn hơn vì THCS có nhiều môn tích hợp, trong khi thi THPT phải chọn môn chuyên riêng lẻ. Chia sẻ thêm quan điểm về các môn thi vào lớp 10, ông Phạm Viết Phúc cho rằng, kỳ thi này chỉ cần 3 môn (Toán; Ngữ văn; một môn chọn từ các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tiếng Anh) đã đủ điều kiện để phân loại người học.
Ảnh minh họa ITN. |
Liên quan đến kỳ thi vào lớp 10 cho lứa học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018, ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, địa phương băn khoăn nhất với tuyển sinh vào trường THPT chuyên. Ở THCS, các em học môn tích hợp tuy nhiên lên THPT phải chọn lớp chuyên theo đơn môn.
“Chúng tôi đang bàn bạc, nghiên cứu xây dựng đề thi vào trường THPT chuyên cho học sinh học theo Chương trình GDPT 2018, làm sao đề có thể phân hóa được học sinh theo đơn môn. Tới đây, Phú Thọ triệu tập giáo viên cốt cán dự thảo ma trận, cấu trúc đề thi chuyên bảo đảm phù hợp, đáp ứng yêu cầu” - chia sẻ điều này, ông Phùng Quốc Lập đồng thời thông tin thêm, Sở GD&ĐT đã có kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn tỉnh năm học 2024 - 2025.
Theo đó, thi vào lớp 10 không chuyên vẫn ổn định với 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; thêm môn chuyên với học sinh thi vào THPT chuyên. Năm học tới không tuyển sinh đối với lớp chất lượng cao Trường THPT chuyên Hùng Vương. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Trường THPT chuyên Hùng Vương rà soát nhu cầu và các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, số lượng học sinh đăng ký hằng năm; đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh cho các lớp 10 chuyên năm học 2024 - 2025.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long bày tỏ quan điểm cá nhân: Chương trình GDPT 2018 được thiết kế theo hướng phân hóa dần ở các lớp trên. Đến cấp THPT phát triển các kỹ năng và kiến thức cần thiết, đạt được hiểu biết chung về nghề nghiệp định hướng trong tương lai.
Song song đó, mục tiêu và nhiệm vụ của trường THPT chuyên là phát triển năng khiếu một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Do đó, việc thi vào trường chuyên với các môn độc lập là phù hợp mục tiêu này.
Tuy nhiên, phương án này so với tổ hợp các môn học cấp THCS sẽ khó cho học sinh trong việc hệ thống kiến thức, định hướng thi vào lớp chuyên. Từ đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà mong Bộ GD&ĐT có định hướng để việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên của địa phương và học sinh có sự chuẩn bị sớm hơn.
Theo Thông tư số 05/2023/QĐ-BGDĐT ngày 28/2/2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên, lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành, bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trường chuyên quyết định số môn học được tổ chức lớp chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn
Ý kiến bạn đọc