Sẵn sàng phương án tiêm chủng cho học sinh
Trao đổi với PV Giáo dục & Thời đại, ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho hay, công tác chuẩn bị tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn tỉnh đang được xúc tiến.
Hiện tại, đơn vị này đã phối hợp với ngành y tế hoàn thành khâu rà soát, lập danh sách. Thống kê cho thấy, số lượng các em trong đối tượng được tiêm chủng sắp tới ở cả cấp THCS và THPT khoảng 120.000 học sinh. Song song với công tác đảm bảo về an toàn phòng, chống dịch theo chỉ đạo của cấp trên, ngành giáo dục tỉnh cũng chuẩn bị sẵn sàng các khâu để thực hiện tiêm phòng cho học sinh.
"Sở cũng yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường lập danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên để sẵn sàng tham gia hỗ trợ công tác nhập dữ liệu hay các thủ tục hành chính tại các điểm tiêm chủng. Mọi thứ đã chuẩn bị, chỉ chờ vắc xin về lúc nào thì địa phương sẽ phân bổ và tiêm ngay lúc đó cho học sinh theo hướng dẫn của ngành y tế để đạt hiệu quả cao nhất" - ông Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nam Định còn cho biết, Sở đã yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục hướng dẫn cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) và khách đến làm việc phải quét mã QR code để khai báo y tế; tiếp tục tự đánh giá mức độ an toàn trường học trên ứng dụng “An toàn Covid-19” và ghi vào nhật ký theo dõi đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, các trường cần thống kê số lượng CBGVNV và học sinh là F0, F1, F2 báo cáo về Sở trước 10h hàng ngày. Để có cơ sở xác định chính xác những trường hợp này, thủ trưởng các đơn vị phải thường xuyên phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và cơ quan y tế địa phương để cập nhật thông tin.
Linh hoạt phương án dạy và học
Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định thông tin, tính đến ngày 1/11, ngoại trừ một số khu vực phong tỏa do xuất hiện các chùm ca bệnh Covid-19 đã được cơ quan y tế công bố, học sinh phải chuyển sang học trực tuyến; các địa bàn còn lại các em vẫn đi học trực tiếp tại trường.
Ngoài ra, tùy tình hình thực tế ở từng địa bàn, UBND cấp huyện có quyền cho học sinh tạm dừng đến trường trong vòng vài ngày để tiến hành điều tra dịch tễ. Nếu huyện chuyển hình thức học tập của học sinh thì Phòng GD&ĐT sẽ phải báo cáo lên Sở GD&ĐT. Dù thực hiện phương án nào cũng cần phù hợp để đảm bảo chương trình học của các em không bị ngắt quãng.
Theo ông Hùng, từ ngày 27/10, sau khi phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng, UBND TP Nam Định yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Cụ thể, trẻ tại các trường mầm non công lập, tư thục, nhóm trẻ tư thục toàn thành phố tạm dừng đến trường. Học sinh tiểu học toàn thành phố tạm thời dừng đến trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Riêng đối với các phường: Nguyễn Du, Thống Nhất, Lộc Hạ, Vị Xuyên, học sinh cấp THCS chuyển từ học trực tiếp tại trường sang học trực tuyến; Trường THPT Trần Hưng Đạo (phường Lộc Vượng), học sinh sẽ tạm dừng đến trường và triển khai học trực tuyến.
Trao đổi trước đó với PV, ông Lưu Quang Tuyển - Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cho hay, ngay khi phát hiện một ca F0 là giáo viên (nhà ở TP Nam Định) dạy Mĩ thuật tại Trường Tiểu học Nam Thắng vào tối 25/10, Ban chỉ huy Phòng chống dịch của huyện lập tức triển khai lấy mẫu, xét nghiệm với gần 500 giáo viên, nhân viên và học sinh tại đây ngay trong đêm. Quá trình truy vết các F1, F2 cũng được thực hiện ngay sau đó. Hiện tại, học sinh của trường được cách ly tại nhà có sự giám sát của địa phương, các giáo viên và nhân viên phải cách ly tập trung tại trường theo quy định. Nhà trường vẫn triển khai hoạt động dạy học trực tuyến cho học sinh để đảm bảo chương trình năm học.