“Gác cổng” sức khỏe cho giáo viên, học sinh
Hơn 4 tháng nghỉ học phòng chống dịch, Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đang khẩn trương khử khuẩn trường lớp, hoàn tất khâu chuẩn bị đón học sinh. Trong đó, công việc không thể thiếu là giám sát sức khỏe của các em.
Chị Võ Thị Xuân Nữ, nhân viên y tế Trường THPT Trung An, cho biết: Công tác phòng chống dịch rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Thầy cô giáo và mỗi học sinh có ý thức tự theo dõi sức khỏe của mình.
Nhà trường tổ chức tổng vệ sinh lớp học, phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khuôn viên. Phân công lực lượng kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho học sinh trước khi vào trường. Bố trí và bảo đảm nơi rửa tay có xà phòng và nước sạch, bảo đảm nhà vệ sinh sạch sẽ. Trang bị mỗi lớp học có 1 chai nước rửa tay khô trước khu vực lớp…
Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), thời gian qua, y tế trường học của thành phố được chú trọng. Trước đây, công tác y tế học đường chỉ là vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh nên hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực. Nay, công tác này được các cấp, ngành cùng quan tâm, nâng chất. Nhiều giải pháp được thực hiện như nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế trường học, kêu gọi các nguồn đầu tư cải thiện điều kiện vật chất, trang thiết bị y tế…
Để giáo dục, đào tạo học sinh một cách toàn diện, việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao thể chất là điều kiện quan trọng, giúp các em có nền tảng sức khỏe để học tốt và rèn luyện kỹ năng. Khi thực hiện tốt công tác y tế trường học, nhà trường mới hoàn thành tốt các mục tiêu của ngành. Vì có sức khỏe tốt, trí tuệ, thể lực học sinh phát triển thuận lợi, việc học mới hiệu quả và rèn luyện các kỹ năng tốt hơn.
“Mỗi trường có 1 cán bộ y tế nhưng giữa ngành Giáo dục và ngành Y tế vẫn cần có kế hoạch liên tịch. Công tác y tế trường học là nhiệm vụ chung của cơ sở y tế địa phương và nhà trường chứ không chỉ riêng cán bộ y tế trường học. Cán bộ y tế trong trường học không đơn độc xử lý các tình huống, mà còn có sự hỗ trợ của ngành Y tế địa phương”, ông Nhân cho biết.
Cùng chăm lo học sinh
Đội ngũ y tế học đường cùng trường học đã và đang có kế hoạch chăm lo học sinh sau đại dịch, đặc biệt là những em bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Các em không chỉ cần sự hỗ trợ, san sẻ từ địa phương, nhà trường, thầy cô giáo mà cả tư vấn từ y tế trường học.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em bị mất cha, mẹ bởi Covid-19 sẽ chịu nhiều thiệt thòi về mọi mặt, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện sau này. Đặc biệt là những tác động lớn về mặt tâm lý, kéo theo là ảnh hưởng về học tập, thể chất… Hơn lúc nào hết, các em cần sự chăm lo, quan tâm, động viên kịp thời.
Cô Trần Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thủy, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), cho hay: Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, trường có một học sinh (em L.V.P học lớp 12) có ba mất. Bên cạnh việc chủ động thăm hỏi, động viên và giúp đỡ kịp thời và thường xuyên thì việc chăm lo, tư vấn cho em khi đi học trở lại cũng được trường tính đến.
Trong thời gian giãn cách, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thăm hỏi, động viên và hỗ trợ em vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời, nhân viên y tế nhà trường có kế hoạch, tìm hiểu các phương pháp để hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Chia sẻ về hoàn cảnh em L.V.P, theo cô Dương Kim Ngọc, giáo viên chủ nhiệm, cho biết: Em P mồ côi mẹ từ lúc nhỏ, hiện ở nhà trọ cùng bà ngoại và em gái. Hoàn cảnh khó khăn nhưng em rất cố gắng học tập và chưa bỏ buổi học nào. Từ ngày ba em P mất, cô đã chủ động thăm hỏi, động viên, đồng thời có báo cáo với nhà trường và kịp thời trích quỹ hỗ trợ.
Ngoài ra, khi biết hoàn cảnh của em, một số giáo viên bộ môn tại trường đã liên hệ hỏi thăm và hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhân viên y tế nhà trường cũng tư vấn, chia sẻ cùng em. Sắp tới khi trường học mở cửa trở lại, nhà trường, giáo viên và nhân viên y tế sẽ hỗ trợ, động viên, chia sẻ kịp thời, giúp em có thêm điều kiện để vượt qua khó khăn, mất mát, tiếp tục học tập…