Nhân rộng những mô hình thành công
Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương, các tập đoàn doanh nghiệp, đại diện các Sở GD&ĐT.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng do sự cần thiết và ý nghĩa cấp bách của Đề án, trong đó góp phần quan trọng đảm bảo dinh dưỡng hợp lí và rèn luyện thể lực cho trẻ em, HSSV.
Qua 1 năm triển khai, Đề án đã bắt đúng vào thứ xã hội quan tâm, là chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể lực. Vấn đề này không chỉ của Nhà nước, hay sự quyết tâm của một số bộ ngành mà phải tìm được sự đồng hành của xã hội, trước hết là trong ngành, đội ngũ các thầy cô giáo cán bộ quản lí, đến học sinh để cùng nâng cao nhận thức, thống nhất hành động.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT- đơn vị chủ trì thực hiện Đề án, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảm ơn Tập đoàn TH đã đồng hành bước đầu triển khai nâng cao nhận thức, triển khai mô hình điểm học hỏi từ nước ngoài và tổng kết từ thực tiễn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Đề án có điểm mới rất quan trọng là đi từ tổng kết thực tiễn. Năm vừa rồi đã khảo sát các nước trên thế giới, khảo sát thực tiễn các nhà trường để có hình dung mô hình điểm sẽ như thế nào. Năm tiếp theo sẽ thực hiện các mô hình điểm. Sau 1 năm thực hiện mô hình điểm, Bộ GD&ĐT sẽ cùng các bộ ngành liên quan tổng kết để đưa ra những quy định có tính chất khung và những quy định đấy đã được trải nghiệm ở các đơn vị.
Bộ trưởng cho biết, mặc dù dinh dưỡng đối với con người là giống nhau nhưng điều kiện về thổ nhưỡng, văn hoá cơ địa khác nhau, đặc biệt điều kiện kinh tế khác nhau nên mô hình dinh dưỡng hợp lí và rèn luyện phải có sự điều chỉnh. Do đó, cần tổng kết từ thực tiễn, từ những mô hình thành công sẽ nhân rộng.
Rút kinh nghiệm từ các chương trình khác như Sữa học đường, qua thực hiện có thể rút ra nhiều bài học, Bộ trưởng tin rằng Đề án sẽ có niềm tin tốt hơn từ xã hội. Cần phải làm bài bản, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị quản lí nhà nước, giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp, tất cả cùng phân công, phụ thuộc vào chức năng nhiệm vụ, điều kiện của mình.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc hội nghị |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, Bộ trưởng cho rằng cần tuyên truyền trước hết trong ngành, từ các thầy cô giáo, các em học sinh, tiếp đến cha mẹ học sinh.
Tiếp theo là triển khai mô hình điểm, khung của mô hình điểm năm vừa rồi đã triển khai, để sau đó có thể nhân rộng. Việc triển khai mô hình điểm thực hiện ở một số địa phương, không ào ạt, chọn mẫu, sau đó tổng kết vào đầu năm 2021.
Bộ trưởng cũng quan tâm về cách làm và sự tiếp nối thế nào để có tiếng nói chung, ví dụ như: truyền thông cộng đồng, phối hợp để kết nối, mong có nhiều đơn vị khác tham gia.
Dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực phù hợp
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề liên quan đến truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, vấn đề chuyên môn về bữa ăn hợp lí được lồng ghép thế nào vào trong chương trình GDPT mới, xây dựng mô hình điểm ở các vùng miền khác nhau. Các đại biểu cũng bàn về cơ chế thực hiện trong triển khai đề án để các tổ chức cá nhân, đoàn thể tham gia.
Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 41, ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết: Ngay khi Thủ tướng phê duyệt đề, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ ngành xây dựng những mô hình điểm tại các vùng miền về việc thực hiện bữa ăn học đường, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.
Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều khó khăn như về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tổ chức ăn bán trú trong trường học còn thiếu hoặc quá cũ, xuống cấp; quỹ đất dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể dục trong trường học còn thiếu...
Để nâng cao sức khỏe, tầm vóc học sinh, Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đề án, quan tâm đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ trong các nhà trường.
Đặc biệt, Bộ Y tế cần xây dựng các tiêu chuẩn về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường; tiêu chuẩn dinh dưỡng của các thực phẩm, đồ uống bán ở căng tin, trường học, và quy định về thời gian hoạt động thể lực cho học sinh, sinh viên trong trường học phù hợp với lứa tuổi.
Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cần xây dựng thực đơn cho trẻ theo từng độ tuổi, để các trường học căn cứ vào đó triển khai trong bữa ăn bán trú của trẻ.
Đại diện của UNICEF tại Việt Nam cũng đồng tình với đề xuất này. Bởi hiện nay trường học nào cũng tổ chức bữa ăn bán trú, nhưng thực tế không biết ăn thế nào cho đúng, đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt, các loại thức ăn bày bán ở gần trường học có rất nhiều dầu mỡ, nhiều khi không biết rõ nguồn gốc.
Bà Thái Hương- nhà sáng lập Tập đoàn TH phát biểu tại hội nghị |
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện Đề án 41, Bà Thái Hương - nhà sáng lập Tập đoàn TH cho biết, điều quan trọng nhất để nâng cao thể lực và tầm vóc của con người là do chế độ dinh dưỡng và tập luyện. Phải làm thế nào đổi mới và nâng cao hoạt động giáo dục thể chất, nâng cao chế độ dinh dưỡng.
Để thực hiện thành công Đề án, cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc của chính quyền các cấp, của xã hội, của cha mẹ học sinh. Bà Thái Hương cho biết, Tập đoàn TH đã kí hợp đồng với những chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Nhật Bản, kết hợp với những chuyên gia Việt Nam để thực hiện chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Sau đó sẽ thành lập hội đồng khoa học để đánh giá về chế độ dinh dưỡng này.