PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE): Mong sao COVID 19 sớm ra đi!
Chia sẻ trong một status trên FB cá nhân, PGS.TS Đỗ Văn Dũng viết: “Đừng hỏi tại sao các trường ĐH tự chủ đều muốn hết dịch để các em SV đi học sớm."
Theo Hiệu trưởng HCMUTE, đối với con nhà giàu thì nghỉ 1-2 năm cũng không sao nhưng các gia đình nghèo sẽ càng khổ khi tốn tiền học cho con vì kéo dài việc học. SV ra trường trễ 1 năm sẽ không thể đi làm và mất 10-15trx12=120 triệu đồng-180 triệu đồng/năm - một số tiền không nhỏ đối với người nghèo. Các em cần tốt nghiệp đúng tiến độ để đi làm góp phần trả nợ vay lúc đi học.
Trường ĐH tự chủ và không nhận kinh phí chi thường xuyên từ nhà nước. Chỉ cần một học kỳ không có SV là trường không còn tiền để trả lương (16 tỷ/tháng x 5 = 80 tỷ) và CBVC, GV sẽ phải chuyển sang kiếm sống bằng công việc khác khi trường không còn tiền để trả lương mà thời buổi dịch bệnh thì cũng có ít việc để làm. Mong sao COVID 19 sớm ra đi!
PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh – Giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM: “Giàu như Hàn, Ý, Pháp mà còn phát hoảng…”
Chia sẻ trên một dòng trạng thái, PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh bày tỏ: Nước mình nghèo, thiết bị và cơ sở hạ tầng y tế còn thiếu thốn, 10 ca Covid thì còn được chăm sóc như bác Tạ Kiến Hòa, chứ 100 ca, 1000 ca thì khó lắm. Giàu như Hàn, như Ý, như Pháp mà giờ còn phát hoảng kìa. Nên phương án phòng dịch từ các cửa khẩu, kiểm tra, cách ly và tự cách ly là phương án tối ưu, tận dụng các lực lượng và cơ sở vật chất của toàn dân. Nước nghèo phải phòng xa. Mà mình nghe ngóng những người thân quen đi về thì chỉ thấy khen, chưa ai chê thái độ của đội ngũ phục vụ phòng chống dịch cả. Đó là ưu thế của mình.
Thành ra vụ bệnh nhân 17 mà TP Hà Nội làm quyết liệt tối qua là nên mừng. Chúng mình đừng hoang mang, đừng manh động. Phương án cách ly, phong tỏa như vậy sẽ giảm thiểu và bạch hóa nhanh nhất số người có khả năng mắc bệnh.
Chỉ xin kêu gọi sự tự giác của mọi người. Ai đi từ vùng dịch về tự cách ly 14 ngày (hoặc hơn) để an toàn cho chính mình và người thân trước đã, đừng chủ quan. Mình thỉnh thoảng vẫn gặp một vài người từ vùng dịch về, vẫn thản nhiên đi cafe, đi gặp bạn. Chúng ta đều không biết mình có mắc bệnh hay không mà, nên cẩn thận vẫn hơn.
Mà giáo viên cần phải cẩn trọng hơn nữa. Sắp đến ngày đi dạy lại rồi, tránh đi lại đông người, tránh đi xa (vì có biết nơi nào mai lại phát hiện có ca bệnh), chúng ta đi dạy, tiếp xúc với mấy chục học sinh, học sinh lại về gặp gia đình,... nguy cơ rất cao. Và cũng cần báo ngay với BGH nếu chúng ta vừa đi đâu xa về, cho chắc ăn!
Trách là trách người giấu diếm, không khai báo, không có ý thức giữ gìn cho cộng đồng. Chứ cái bệnh dễ lây lan này, nào ai biết trong 2-3 tuần ủ bệnh, chúng ta có đang mang mầm bệnh hay không... Ai trách người bệnh làm gì, đúng không cả nhà?
TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM (NLU): Chắc bây giờ các em đã hiểu hơn về cụm từ “diễn biến bất ngờ...”
Một status mới nhất trên FB cá nhân, TS Trần Đình Lý chia sẻ: Lần dời lịch học nào, từ phía người ban hành đến người đón nhận đều có những cảm xúc! Các trường rất hiểu sự cảm thông và cả những khó chịu của SV. Chắc bây giờ các em đã hiểu hơn về cụm từ “diễn biến bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát…” nên các nhà trường, các địa phương và cao nhất là Chính phủ phải luôn thận trọng, lấy an toàn làm đầu, tính mạng trên hết, phòng hơn chữa!
Nhìn hình ảnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lo lắng (bức ảnh lan truyền trên mạng khuya 6/3, khi Hà Nội phải họp khẩn về một trường hợp thứ 17 dương dính với COVID-19 - PV), tiều tụy, đau đớn vì bao nhiêu công sức tâm huyết của cả hệ thống chính trị, của ngành y... có thể bị đổ biển vì ý thức hay sự gian dối, ích kỷ của dù chỉ một vài người! Hiểu nhau được là tốt nhưng hiểu được cái khó của nhau sẽ quý gấp nhiều lần!
NLU và nhiều trường bạn dời lịch học đến 16/3 là hết sức hợp lý tại thời điểm ngày hôm qua, trước thời điểm Virus mắc dịch mang 3 tên NHN. Có một số ý kiến, sẽ sáng suốt và bản lĩnh hơn, nếu cho SV nghỉ đến hết tháng 3 hoặc thậm chí còn đề nghị nghỉ luôn xem như lưu ban 1 năm...
Trường phái ngược lại, cho rằng cần phải học đi, nhớ trường lắm rồi, “năn nỉ các thầy đó”... Muốn bảo đảm kế hoạch học tập, nhưng nỗi lo lắng về bệnh tật phải là trên hết nên nhà trường mới quyết định trong tâm trạng đầy mâu thuẫn...
Hy vọng, với những diễn biến bất ngờ, phức tạp, với hình ảnh bác Đam đau đớn vì người khác, từ người khác, các bạn đang trong tình huống khó xử hãy hết sức bình tĩnh, suy nghĩ và hành động tích cực, cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn này...
Mỗi người hãy có ý thức tự bảo vệ và biết vì người khác, vì cộng đồng, không được chủ quan dù chỉ là một chút!