Với số lượng còn thiếu, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ đề nghị UBND tỉnh cho phép tuyển mới 160 giáo viên tiểu học, dự kiến tuyển xong trước tháng 8/2020.
Ngoài ra, để chuẩn bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ phối hợp với Sở Nội vụ, UBND huyện, thành phố, thị xã rà soát đội ngũ CBQL, GV trên địa bàn và thực hiện việc luân chuyển giáo viên giữa các huyện.
Trong quá trình triển khai chương trình phổ thông, sách giáo khoa mới; tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cốt cán, các tổ trưởng bộ môn để thực hiện chương trình ETEP.
Tính đến hết 12/2019, đã tổ chức cho 600 giáo viên (228 giáo viên tiểu học 350 giáo viên THCS, 22 giáo viên THPT tham gia bồi dưỡng); dự kiến năm 2020 tiếp tục thực hiện theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT; phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương để hỗ trợ, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên còn lại từ năm 2020 theo yêu cầu của tỉnh.
Sở cũng tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán phổ thông. Đây là đội ngũ giúp ngành trong việc tổ chức các lớp tập huấn thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Về chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT Phú Thọ tiếp tục phối hợp với UBND huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, rà soát cơ sở, thiết bị dạy học, xây dựng kế hoạch sửa chữa, mua sắm bổ sung theo Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT, mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, UBND huyện, thành phố, thị xã bố trí dự toán năm 2020 để đầu tư CSVC, mua sắm thiết bị dạy học thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo lộ trình thực hiện; ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, xóa bỏ các phòng học tạm, phòng học bị xuống cấp nặng.
Đồng thời, chủ động thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo tiêu chuẩn trường học đạt chuẩn quốc gia.