PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam nêu quan điểm, việc Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe là cần thiết và phù hợp với thực tiễn khách quan.
PGS Đậu Xuân Cảnh phân tích, riêng đối thầy thuốc, điều quan trọng nhất là đưa ra được quyết định điều trị với bệnh nhân. Có những quyết định liên quan đến sinh mạng con người.
“Chẳng hạn, ngừng thở 5 phút là não bị hỏng không thể hồi phục được, tim ngừng đập 5 phút là tế bào não cũng chết và không thể cứu vãn được. Nói như vậy để thấy rằng, vào ngành y nhất thiết phải có một trí tuệ ở trình độ khá trở lên.
Thậm chí các trường đại học y sẵn sàng giảm chỉ tiêu để chọn những người thực sự có năng lực và thực sự tinh hoa” –PGS Đậu Xuân Cảnh nhấn mạnh, đồng thời thống nhất với quan điểm của Bộ GD&ĐT là, bắt buộc phải có “điểm sàn” đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm Khoa các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), giáo dục và y tế là lĩnh vực có tác động trực tiếp đến đời sống xã hội. Vì thế, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là một trong những yếu tố quan trọng để hai lĩnh vực này có được những nhân sự thực sự tốt sau này.
“Tôi cho rằng, quy định về “điểm sàn” với hai ngành này là cần thiết; điều đó sẽ giúp chúng ta có được đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc có chất lượng” - PGS.TS Phạm Mạnh Hà nói, đồng thời đề xuất: Cần nghiên cứu lại về cách tuyển chọn nhân sự cho hai ngành này để không mất đi những người tài, người giỏi thực sự.
Đồng thời, chúng ta cũng loại được những người giỏi một cách hình thức, không có năng lực. Đó chính là thứ mà chúng ta cần phải suy nghĩ khi chúng ta đặt ra các tiêu chí để lựa chọn người vào ngày 2 ngành này.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe; đặc biệt là bổ sung quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này.
“Chẳng hạn, đối với hệ vừa làm vừa học, dù thi tuyển hay xét tuyển cũng phải căn cứ trên cơ sở học bạ khá, giỏi như hệ chính quy. Hoặc đối với chương trình đào tạo văn bằng 2 cũng phải trên cơ sở tốt nghiệp loại giỏi, văn bằng 1 xếp loại giỏi, học bạ giỏi thì mới được vào học hai ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe” – bà Nguyễn Thị Kim Phụng dẫn giải, đồng thời nhấn mạnh:
Đó là quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở tất cả các hình thức đào tạo đối với hai nhóm ngành này nhằm bảo đảm trên một mặt bằng chung về chất lượng.