Học sinh tạm nghỉ học, không đồng nghĩa với việc giáo viên được nghỉ. Giáo viên vẫn tới trường soạn giáo án, hướng dẫn ôn tập, học trực tuyến, học online,... Ngoài công việc chuyên môn, thầy cô giáo giờ còn phải đảm thêm trách nhiệm phòng dịch: vệ sinh nhà trường, trang thiết bị đồ dùng dạy học, bàn ghế và luôn mang theo bên mình sự lo lắng như bao phụ huynh khác, bao giờ hết dịch và dịch sẽ diễn biến như thế nào nếu học sinh đi học trở lại?
Với cô giáo trẻ Bùi Thanh Giang, trường THCS Chùa Hang 2 tâm sự: Tháng 8/2019, em được nhà trường nhận vào làm việc theo hình thức “hợp đồng khoán việc”, em rất vui và tự hào vì được làm việc đúng nghề, được truyền thụ những kiến thức sư phạm cho học sinh thân yêu của mình.
Hiện giờ học sinh nhà trường đang tạm nghỉ học, em không có tiết dạy trên lớp nhưng việc dạy học của em vẫn diễn ra hằng ngày, chỉ khác phương pháp dạy và học, từ cách giao bài, kiểm tra bài đến hướng dẫn ôn tập...đều thông qua các phần mềm ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin, em lựa chọn cách đưa thông tin, truyền tải nội dung kiến thức tới học sinh sao cho phù hợp, đảm bảo tính chính xác để học sinh của em dễ hiểu nhất.
Giáo viên trường THCS Chùa Hang 2 (TP.Thái Nguyên) hằng ngày vẫn đến trường giao bài và hướng dẫn ôn tập cho học sinh |
Ngoài giờ, em và các thầy cô trong nhà trường luôn dành thời gian vệ sinh trường lớp học, phun thuốc thử trùng, lau chùi bàn ghế, đồ dùng dạy học giữ gìn đảm bảo an toàn khi học sinh quay trở học.
Cô Vũ Thị Thanh Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 4, trường THCS Nguyễn Viết Xuân cho rằng: Mặc dù đã được về nghỉ chế độ nhưng phụ huynh và nhà trường vẫn tín nhiệm mời tham gia giảng dạy theo hình thức “hợp đồng khoán việc”, mỗi tuần dạy 9 môn với 23 tiết học và 21 tiết thực hành.
Sau mỗi buổi giao bài, hướng dẫn ôn bài cho học sinh qua các phần mềm zalo, gmail, VnEdu… cô cùng các giáo viên tham gia tích cực vào công tác phòng dịch, tuy có vất vả nhưng đổi lại cô cũng có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong công tác phòng dịch để bảo vệ môi trường học tập của học sinh, bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, có một thực tế tại một số trường tư thục, học sinh tạm nghỉ học nhà trường không có khoản thu, giáo viên không có tiết dạy cũng đồng nghĩa với việc không có hoặc giảm thu nhập nên việc “bão dịch chưa đến” nhưng ý chí đã “lung lay” bởi gánh nặng của cuộc sống và trách nhiệm luôn trực chờ trên vai của mỗi người.
Nói về những khó khăn trong thời gian học sinh tạm nghỉ học phòng dịch Covid-19, Hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học DBA Thái Nguyên, bà Đoàn Thị Thanh Vân chia sẻ: “Là cơ sở giáo dục tư thục, nhà trường hiện có gần 100 giáo viên, nhân viên. Bình quân mỗi tháng chi trả lương cho CBNV từ 600 - 700 triệu đồng.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục của nhà trường đang tạm thời đóng cửa cho học sinh nghỉ học phòng dịch nên nguồn thu học phí của nhà trường không có, không đảm bảo cuộc sống, thu nhập cho CBNV nhưng lãi suất ngân hàng và tiền đóng bảo hiểm, tiền thuê cơ sở vật chất …vẫn phải duy trì, nếu tiếp tục nghỉ học kéo dài như hiện nay thì nhà trường sẽ rất khó khăn.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, ông Hưng cho biết: “Hiện nay nhiều nhà trường đang thực hiện các hợp đồng khoán việc trên cơ sở những công việc còn thiếu. Trong đó, hợp đồng khoán việc là sự thỏa thuận của các bên, bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định, sau khi hoàn thành phải bàn giao lại cho bên giao khoán kết quả công việc, bên giao khoán nhận kết quả công việc và trả cho bên nhận khoán thù lao đã thỏa thuận.
Như vậy, hiệu trưởng nhà trường sẽ phải tính toán công việc, định mức lao động và gia hạn hợp đồng với người lao động, cụ thể là giáo viên, nhân viên để thực hiện công việc khoán đó, nhưng cũng có thể là hợp đồng với người lao động chỉ làm một phần việc trong công việc đấy trên nguyên tắc, nếu có việc thì sẽ có những hợp đồng thực hiện công việc đó và được chi trả lương.
Hiện nay, nếu tính theo định mức, nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động năm 2020 khoán cho 10 tháng đối với các trường mầm non, phổ thông công lập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện thuộc tỉnh Thái Nguyên là hơn 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cấp.
Việc hướng dẫn học sinh ôn tập, kiểm tra bài được giáo viên trường THCS Nguyễn Viết Xuân thực hiện sát sao đảm bảo việc học của các em không bị gián đoạn trong thời gian tạm nghỉ học. |
Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh như hiện nay, khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đã được Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5, Điều 1 của QĐ số 514, cụ thể như sau: Tại khoản 3 (Bổ sung): Kết thúc kỳ học I trước ngày 20/01, hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ II trước ngày 28/06 và kết thúc năm học trước ngày 30/06. Tại khoản 4, việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/07. Tại khoản 5, việc hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/08.
UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc hỗ trợ kinh phí cho giáo viên, nhân viên “hợp đồng khoán việc” trong thời gian phòng dịch sau khi có đủ căn cứ cơ sở. Việc khung kế hoạch thời gian năm học được kéo dài vẫn đảm bảo đủ 10 tháng theo đúng định mức.