Để cổ vũ cho phương pháp học thời chống dịch, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam có đề nghị triển khai dạy học trên sóng truyền hình, phát thanh bằng việc huy động các kênh truyền hình ở các trỉnh, thành cùng tham gia.
Đề xuất của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam về dạy học trên sóng truyền hình trong thời gian HS, SV nghỉ học nhằm tránh lây nhiễm Covid-19 đang lan tràn là phù hợp. Thực tế cho thấy, trong những ngày dịch bệnh vừa qua, nhiều nhà trường ở khắp các các tỉnh thành đều triển khai dạy học trực tuyến qua mạng Internet và thu được kết quả tốt.
Có những địa phương đã chủ động đưa những giờ học của giáo viên lên sóng truyền hình. Từ học trực tuyến qua Internet đến học thông qua sóng truyền hình cho thấy việc học tập, rèn luyện kiến thức của học sinh ít nhiều được duy trì. Nhiều ý kiến cho rằng, Covid-19 đã chứng minh chủ trương đúng trong việc đẩy mạnh xây dựng lớp học thông minh, trường học thông minh.
Một loạt các tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang cũng đã triển khai dạy học trên sóng truyền hình cho học sinh. TP Hà Nội cũng tính đến phương án dạy học qua truyền hình. Không thể phủ nhận yếu tố tích cực của hình thức học trực tuyến, học trên sóng truyền hình thời gian qua. Tuy nhiên cách thức này có phù hợp hay chỉ mang yếu tố nhất thời phòng dịch. Đây là điều nhiều chuyên gia, nhà giáo dục ý kiến bởi cho đến nay việc triển khai các hoạt động dạy - học trực tuyến mới chỉ thuận lợi ở những nơi kinh tế phát triển, những gia đình có điều kiện kinh tế khá, con em được trang bị máy tính học tập thì việc học trực tuyến mới phát huy hiệu quả.
Việc dạy học thông qua sóng phát thanh, truyền hình không phải là vấn đề mới, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện từ khi chưa có Internet và chủ yếu dạy ngoại ngữ. Đến nay, việc dạy và học qua kênh phát thanh, truyền hình không được mở rộng đại trà sang các môn học khác bởi công nghệ thông tin phát triển đã mang đến nhiều kênh học tập trực tuyến hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, hình thức học tập này có những ưu điểm nhưng cũng có những nhược điểm.
Nếu như đối với HS có trình độ trên phổ thông (trung cấp, cao đẳng, đại học), việc học từ xa đã được triển khai và công nhận kết quả là điều hoàn toàn có thể được vì người học đã trưởng thành, có điều kiện tốt hơn tiếp cận công nghệ và ý thức học tập. Còn với giáo dục phổ thông, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức còn phải dạy làm người. Đây cũng là một trong những yêu cầu của bậc học này, việc dạy và học cần phải trực tiếp, tương tác tại chỗ, mặt đối mặt.
Với điều kiện nước ta hiện nay chưa làm được, đây là quan điểm được TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: “Để dạy và học qua truyền hình, phát thanh đạt hiệu quả, ngoài cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ, cần phải có bài giảng, buổi phát sóng phù hợp. Thêm nữa, đội ngũ GV phải được tập huấn phương pháp giảng dạy trực tuyến, từ kỹ năng đứng trước ống kính, đến giọng nói qua micro và sự tương tác với hệ thống. Đối tượng người học cũng cần có thời gian để tiếp cận và bồi dưỡng các kỹ năng cần có để theo kịp phương pháp học mới. Thế nên, việc triển khai trực tuyến như hiện nay, thông tin một chiều từ người dạy, không có công cụ đo đếm hiệu quả, xem ra vẫn chưa thể coi là hình thức thay thế được các lớp học truyền thống”.