Phải kết thúc năm học trước ngày 30/6
Đến thời điểm này, nhiều địa phương cho biết đã sẵn sàng các điều kiện đón học sinh trở lại trường vào ngày 2/3. Tuy nhiên, theo công văn phát đi ngày 27/2, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số nước, Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư căn cứ tình hình thực tiễn xem xét, quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, THCS tiếp tục nghỉ học 1 - 2 tuần.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong trường hợp địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại muộn hơn vẫn phải căn cứ vào khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đã điều chỉnh của Bộ GD&ĐT.
Trong công văn gửi các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Bộ GD&ĐT điều chỉnh, thời gian đi học trở lại của học sinh sẽ bắt đầu từ 2/3; thời gian kết thúc năm học trước ngày 30/6. Bộ cũng “chốt” thời gian thi THPT quốc gia từ 23-26/7.
Căn cứ vào khung kế hoạch thời gian này, các địa phương chủ động thực hiện kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của địa phương.
Tong trường hợp địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại muộn hơn thì phải căn cứ vào khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đã điều chỉnh của Bộ GD&ĐT để xây dựng kế hoạch học bù, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục, kịp thời gian kết thúc năm học và thi THPT quốc gia của cả nước.
Kết thúc học kì I trước ngày 20/1, hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ II trước ngày 28/6 và kết thúc năm học trước ngày 30/6.
Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 15/7.
Hoàn thành chương trình tuyển sinh lớp 10 trước ngày 15/8.
Các địa phương báo cáo về Bộ GD&ĐT tình hình chuẩn bị năm học và tình hình tổ chức khai giảng trước ngày 10/9, sơ kết học kỳ I trước ngày 30/1, tổng kết năm học, báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí thi đua và đề nghị xét khen thưởng năm học trước ngày 31/7.
Ảnh minh họa. |
Lùi các cuộc thi quốc tế dành cho học sinh vì dịch Covid-19
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, IIG Việt Nam đã thông báo lùi thời gian tổ chức hàng loạt cuộc thi quốc tế dành cho học sinh.
IIG Việt Nam vừa có thông báo về việc lùi lịch cuộc thi Vô địch Thiết kế đồ họa thế giới 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19. Theo đơn vị này, thực hiện những khuyến cáo của các cơ quan chức năng nhằm phòng tránh và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời để phù hợp hơn với tình hình hoạt động hiện nay của các trường, ban tổ chức cuộc thi Vô địch Thiết kế đồ họa thế giới 2020 thông báo lùi các mốc thời gian của cuộc thi.
Trước đó, IIG Việt Nam cũng thông báo lùi các mốc thời gian của cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới - Viettel 2020 vì dịch Covid-19.
IIG Việt Nam cũng đồng thời thông báo lùi lịch tổ chức Vòng Chung kết Quốc gia (vòng 3) tại Hà Nội cuộc thi tiếng Anh quốc tế TOEFL Primary Challenge và TOEFL Junior Challenge muộn hơn ngày thi dự kiến 1.3.
Đồng thời, ban tổ chức cũng sẽ tổ chức thi bổ sung cho các thí sinh đăng ký thi vòng 2 TOEFL Challenge 2019-2020 nhưng không thể tham dự vì lý do bất khả kháng. Đơn vị này sẽ thông báo ngày tổ chức sau.
Hiện nay, trong bối cảnh học sinh nghỉ học do dịch Covid-19, Sở GD&ĐT TP.HCM đã thông báo thay đổi lịch tổ chức các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh, Tin học quốc tế trong tháng 2.2020. Vì vậy, các vòng thi của cuộc thi TOEFL Challenge và IC3-IC3 Spark Challenge tại TP.HCM được điều chỉnh. Ngày thi sẽ được thông báo sau khi Sở GD&ĐT TP.HCM có quyết định cho học sinh trở lại trường học.
Tổng số sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay là 45 cuốn của 9 môn học và hoạt động giáo dục. |
Bộ GD&ĐT phê duyệt thêm 7 sách giáo khoa lớp 1
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ký quyết định phê duyệt thêm 7 sách giáo khoa lớp 1, nâng tổng số tổng số sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới lên 45 cuốn của 9 môn học và hoạt động giáo dục.
7 sách giáo khoa được phê duyệt lần này gồm: 01 cuốn môn Tự nhiên xã hội, 3 cuốn môn Giáo dục thể chất, 2 cuốn môn Hoạt động trải nghiệm và 1 cuốn môn Tiếng Anh của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Đây là các bản sách giáo khoa được Hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” trong đợt thẩm định sách lần 2 của Bộ GD&ĐT diễn ra từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020.
Hội đồng thẩm định cho biết, trong đợt thẩm định lần 2, các nhà xuất bản gửi 8 bản mẫu sách giáo khoa của 4 môn học để thẩm định.
Trong số này có 7 bản sách giáo khoa được đánh giá là “không đạt” trong lần thẩm định thứ nhất của Bộ GD&ĐT vào tháng 5/2019, sau đó được các tác giả chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của Hội đồng thẩm định. Các cuốn sách được phê duyệt đều đảm bảo các tiêu chí về nội dung như các cuốn sách được thẩm định lần 1.
Bộ GD&ĐT cho biết, 45 cuốn sách giáo khoa của 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 được phê duyệt cho phép sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, là thành công bước đầu của việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.
Hiện Bộ GD&ĐT cũng ban hành thông báo thẩm định sách giáo khoa lớp 1 với thời gian tiếp nhận hồ sơ là từ ngày 25/2-10/3.