Ghi nhận từ cơ sở
Cô Hoàng Thị Dung, giáo viên Trường MN Phong Thổ (Lai Châu) cho biết: Bộ công cụ ELM đã hỗ trợ trẻ mầm non dân tộc thiểu số (DTTS) trong việc làm quen với đọc, viết và toán. Là giáo viên trực tiếp đứng lớp nhiều năm, tôi nhận thấy, việc áp dụng bộ công cụ vào dạy trẻ mầm non rất hiệu quả. Nhờ áp dụng triển khai theo bộ công cụ ELM mà các em có thể nói trôi chảy tiếng Việt và làm quen với việc đọc, viết và toán rất nhanh.
Còn theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái Hà Thị Minh Lý, bộ công cụ có tác dụng hỗ trợ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục mới nhưng không phá vỡ chương trình giáo dục mầm non hiện hành mà chỉ hỗ trợ để giáo viên thực hiện tốt hơn chương trình này một cách phù hợp với điều kiện vùng miền. Nhờ bộ công cụ trên, trẻ DTTS được làm quen với Toán, tiếng Việt một cách tự nhiên thông qua các đồ dùng, vật dụng sẵn có xung quanh trẻ. Ngoài ra, dựa vào các thẻ hoạt động, giáo viên còn có thể phát triển nâng cao hoặc hạ thấp yêu cầu cho phù hợp với đối tượng trẻ.
Theo ước tính của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam, đã có hơn 4.000 trẻ em DTTS từ 3 – 6 tuổi ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) và huyện Tây Giang (Quảng Nam) được hưởng lợi trực tiếp từ việc thí điểm bộ công cụ ELM. Sau 3 năm triển khai, mức độ phát triển của trẻ tham gia thí điểm tăng rõ rệt ở các lĩnh vực như kĩ năng vận động (tăng từ 44 – 56%); Kĩ năng đọc sớm tăng từ 21 – 37%; Kĩ năng làm quen sớm với Toán và lĩnh vực tình cảm xã hội tăng lần lượt là từ 38 – 50% và từ 27 – 32%.
Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Bộ công cụ ELM đã chứng minh được tính hiệu quả trong 3 năm triển khai thí điểm. Đây là một bộ công cụ rất hữu ích cho các giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Chúng tôi khuyến nghị giáo viên nên áp dụng bộ công cụ này trong quá trình giảng dạy.
Có thể áp dụng ra toàn quốc
Phương pháp ELM bao gồm 3 thành tố chính là làm quen với đọc viết và toán tại trường mầm non, làm quen với đọc viết và toán tại nhà, đánh giá kết quả của trẻ sử dụng hệ thống đánh giá IDELA.
Việc giáo dục trẻ dựa trên các hoạt động học mà chơi được chứng minh đem lại hiệu quả hữu ích. Phương pháp trên không chỉ được áp dụng tại trường học mà có thể nhân rộng trong cộng đồng, giữa cha mẹ với con cái, giúp cho việc học của trẻ nhẹ nhàng, tự nhiên, không nhàm chán.
Không chỉ ở Việt Nam, tại Butan, phương pháp ELM đã được vận động chính sách thành công và tích hợp vào hệ thống giáo dục mầm non quốc gia. Tại Ethiopia và Rwanda, kết quả thực hiện ELM đã có tác động đáng kể tới việc phát triển chương trình giảng dạy mầm non quốc gia.
Hiện, đã có 25 tỉnh, thành ở nước ta được phổ biến kiến thức về bộ công cụ ELM. Hơn 60 cán bộ quản lý giáo dục được tập huấn trở thành Báo cáo viên nguồn về ELM. Hiện Tổ chức Cứu trợ trẻ em và Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục đã và đang làm việc với các chuyên gia đầu ngành về GDMN để kiện toàn bộ công cụ, để tài liệu phù hơp với việc tập huấn giáo viên tại địa phương và trở thành một nội dung tích hợp trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên hàng năm của Bộ GD&ĐT dành cho giáo viên mầm non.
Bà Drangana Strinic, Trưởng Đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết: Sau khi thẩm định, bộ công cụ này có thể đưa ra áp dụng rộng rãi trên toàn quốc, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa nơi trẻ em DTTS còn gặp nhiều khó khăn cả về điều kiện sống và chất lượng học tập. “Chúng tôi kỳ vọng bộ công cụ ELM sẽ hỗ trợ giáo viên, cha mẹ và người chăm sóc trẻ trong việc cung cấp giáo dục có chất lượng cho trẻ em phù hợp với chương trình giáo dục mầm non quốc gia của Việt Nam", bà Drangana Strinic chia sẻ.
Thiết nghĩ, mọi trẻ em dù sinh sống ở thành thị hay nông thôn, miền núi, hải đảo đều xứng đáng có một tương lai tốt đẹp. Tương lai của các em bắt đầu từ khi sinh ra, được gia đình vỗ về chăm sóc cho đến khi đi học. Với trẻ vùng thuận lợi, việc được chăm sóc, được học tập là hiển nhiên và dễ dàng nhưng với trẻ miền núi, trẻ DTTS, vì nhiều lý do, đôi khi việc học với các em lại có chút khó khăn. Cho trẻ làm quen với tiếng Việt để khắc phục rào cản về ngôn ngữ. Cho trẻ làm quen với đọc viết và toán để giúp trẻ tự tin hơn khi vào lớp 1. Tất cả những việc làm trên đều có thể thực hiện nhờ phương pháp ELM. Hy vọng, với việc dễ dàng được điều chỉnh, phương pháp trên sẽ được nhân rộng ra các địa phương có trẻ DTTS sinh sống cùng với các chương trình giáo dục mầm non của các quốc gia khác nhau, để các em được phát triển toàn diện, cũng như cải thiện vấn đề về học tập trước và sau khi trẻ đi học tiểu học.
Bộ GD&ĐT mong muốn có thêm nhiều cơ hội hợp tác để kiện toàn hơn nữa bộ công cụ ELM, nhằm chuẩn hóa nội dung kiến thức phù hợp với thực tế Việt Nam, tiến tới áp dụng đại trà tại các cơ sở giáo dục cũng như chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non của Bộ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Nguyễn Thị Nghĩa