Thầy cô là cha mẹ
Thầy Phạm Quốc Tuấn - Hiệu trưởng Trường PT DTBT Tiểu học Đắk Krong chia sẻ, trường thành lập từ năm 2011 đến nay đã được 8 năm. Thời gian đầu những ngày khó khăn, vất vả bộn bề với cả thầy và trò. Cũng phải mất hơn một năm trời nhà trường mới dần ổn định. Trường lúc đó có khoảng 500 HS, nhưng chỉ có mấy chục em là biết chữ, đa số HS có tên, nhưng không có hồ sơ, giấy tờ khai sinh.
Làm sao để giúp ổn định trường lớp và duy trì sĩ số HS là vấn đề nan giải. Nhà trường đã lên kế hoạch giải quyết, huy động cả hệ thống chính quyền từ xã đến huyện cùng chung tay đến từng nhà, đi từng thôn, làng... tìm mọi cách để vận động phụ huynh làm giấy tờ khai sinh và đưa đón HS ra trường, lớp.
Với nỗ lực không ngừng cùng sự động viên của các cấp lãnh đạo, tập thể giáo viên, hơn hết là được tin tưởng và đóng góp của phụ huynh, mạnh thường quân, đến nay, trường đã xây dựng được mô hình trường PTDTBT chất lượng của tỉnh Gia Lai. Năm học 2019 - 2020, trường có 420 HS, trong đó có tới 340 HS theo học ở chế độ nội trú. Vì điều kiện đi lại quá khó khăn (nhiều em nhà cách trường từ 25 - 30 km), nên nhà trường đã tạo điều kiện cho HS ở lại trường, để các em theo trường lớp một cách ổn định.
Vì chế độ ăn của học sinh vẫn theo diện bán trú nên việc trang trải thêm cho các em đều do thầy, cô trong trường tự vận động. Ngoài việc mỗi tháng thầy, cô bỏ ra một ngày lương hay cùng nhau tăng gia trồng thêm rau quả, nuôi thêm gà lợn… thì trường còn phải đi vận động từ các tổ chức xã hội, mạnh thường quân bổ sung vào bữa ăn cũng như đồ dùng sinh hoạt cho trẻ.
GV luyện chữ cho HS trong giờ học tình nguyện buổi tối. |
Cô Đặng Thị Ngọc (27 tuổi, quê Hà Tĩnh) giáo viên lớp 1 cho biết, HS ở đây gặp nhiều khó khăn, quần áo, giầy dép đều thiếu thốn. Các thầy, cô phải đi đến tận thôn, làng để vận động các em đến trường. “Khó khăn nhất vẫn là việc chăm lo cho trẻ mới bước vào lớp 1 ở đây. Vì các em còn quá nhỏ để sống xa cha mẹ, thiếu thốn tình cảm. Vậy nên, GV phải trực tiếp chăm lo cho các em từ sinh hoạt vệ sinh cá nhân, đến tắm, giặt, lo từng bữa ăn, giấc ngủ và dạy cho các em kỹ năng sống, hòa nhập, biết lễ phép với thầy cô, với mọi người” - cô Ngọc chia sẻ.
Em Đinh Thị Thiếp, nhà ở làng Đắktrum, một trong ba làng khó khăn nhất ở đây, vào học lớp 1, không có anh chị em theo học cùng. Lúc đầu mới xuống học em rất nhát, chưa biết cầm bút viết. Sau hơn một tháng học tập ở trường em đã biết viết và đọc được chữ, được các GV dạy cách tự tắm rửa, biết vệ sinh lớp học, biết gấp chăn, màn sau khi ngủ dậy, mỗi sáng cùng các anh chị lao động vệ sinh sân trường. Ngoài ra em còn học được nề nếp, biết lễ phép chào hỏi thầy cô và người lớn.
Vượt hơn 50 km đường rừng đón học sinh
Cô Ngọc cho biết, cứ 14 giờ chiều Chủ nhật hàng tuần, các cô lại đi xe máy hơn 50km vào trường, để đến 16 giờ chiều đến các thôn, làng đón HS. Giáo viên nữ được trường sắp xếp đi đón HS ở làng gần khoảng 7 - 8 km. Còn thầy giáo thì đi đón những HS ở làng xa khoảng 25 - 30 km đường rừng, mọi việc đều trên tinh thần tự nguyện vì HS. “Nếu thứ Hai, GV mới đi làm và đón các HS thì mất nguyên một ngày học của các em.
Do đó, mọi công việc của GV ở đây đều bắt đầu vào chiều Chủ nhật và tất cả các GV đều vào làng đón các em HS đến trường. Buổi tối Chủ nhật các thầy cô lại tắm rửa cho các em ngủ lại trường. Để sáng thứ Hai các em kịp giờ học không bị nhỡ buổi học” - cô Ngọc cho biết thêm.
Cô Đặng Thị Ngọc mặc áo ấm cho HS Đinh Thị Thiếp. Ảnh: TG |
Cô Hứa Thị Kín (quê Lạng Sơn), GV trẻ ở trường cho biết: “Trước đây đường đến trường muôn vàn khó khăn, do đường toàn đất đỏ, gặp trời mưa thì sợ cây đổ và lầy lội không biết đi bằng cách nào. Thầy cô phải dắt bộ, có những đoạn phải nhờ người khiêng xe mới đi được. Nhưng gần một năm nay đi lại thuận lợi vì nhiều đoạn đường được đổ bê tông, do đó việc đi lại và đưa đón HS đỡ vất vả hơn”.
Dù nhà trường quy định mỗi lớp sinh hoạt một buổi tối trong tuần, nhưng các GV trẻ ở đây vẫn tâm huyết dạy tình nguyện buổi cho các em vào các tối thứ 2; 3; 5 và sinh hoạt bán trú vào tối thứ 4, và đến thứ 6 các em lại về nhà với cha mẹ. Chia sẻ về lớp học tình nguyện buổi tối cho HS, cô Kín tâm sự: “Chỉ mong HS học được cái chữ.
Nhiều em còn chậm các cô phải tăng cường rèn luyện thêm thì các em mới theo kịp với chương trình. Hiện nay, mọi thứ đã đi vào nền nếp, các em cũng phát huy tính tự lập rất cao. Mỗi em tự ý thức được giờ giấc sinh hoạt, vệ sinh cá nhân và đặc biệt là rất ngoan ngoãn, lễ phép”.