Tránh tiêu cực trong lựa chọn sách giáo khoa: Quản lý phải minh bạch

Thứ sáu - 29/11/2019 22:44 373 0

Tránh tiêu cực trong lựa chọn sách giáo khoa: Quản lý phải minh bạch

GD&TĐ - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1, nhiều vấn đề liên quan đến nội dung này tiếp tục được quan tâm, như: Việc lựa chọn SGK sẽ được thực hiện theo quy trình nào để đảm bảo công khai, minh bạch? Liệu có nảy sinh lợi ích nhóm khi quyền lựa chọn SGK thuộc về các địa phương?...

TS Nguyễn Văn Cường - ĐH Potsdam, CHLB Đức - chuyên gia quốc tế, chuyên gia cố vấn xây dựng SGK đã chia sẻ quan điểm của mình xung quanh những băn khoăn này.

Ngăn chặn lợi ích nhóm

- Theo tinh thần của Luật Giáo dục 2019, việc lựa chọn SGK được trao quyền cho UBND cấp tỉnh, thành phố. Theo ông, việc giao cho địa phương tự chọn SGK liệu có tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực trong quá trình lựa chọn?

- Trước hết phải nói rằng, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện chính sách 1 chương trình, nhiều bộ SGK và chủ trương này đã đi vào thực tiễn. Một năm sau khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được công bố, mới đây Bộ GD&ĐT đã chính thức phê duyệt 32 SGK của 8 môn học và hoạt động giáo dục dùng cho lớp 1. Đây là bước tiến mang tính đột phá về quản lý SGK ở Việt Nam và phù hợp với xu hướng quốc tế.

Với việc lựa chọn SGK, thực ra nếu nói tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực thì dù cấp tỉnh hay cấp trường chọn việc đó đều có thể xảy ra. Điều quan trọng là, để tránh tiêu cực trong quá trình chọn sách, chúng ta phải có quy chế và biện pháp quản lý minh bạch.

- UBND tỉnh chọn SGK, có thể xảy ra tình trạng một địa phương chỉ chọn một bộ SGK để dễ quản lý, làm mất ý nghĩa của quy định nhiều SGK đồng thời tái diễn quan điểm SGK là pháp lệnh. Ông nghĩ sao về lo ngại này?

- Luật Giáo dục không quy định các địa phương chọn một hay nhiều bộ SGK, nên cũng có khả năng địa phương chỉ chọn 1 bộ SGK để dễ quản lý. Nhưng tôi nghĩ điều này không đáng lo ngại, vì có thể có địa phương chọn 1, 2 hoặc 3 bộ SGK, nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện tất cả các địa phương cùng chọn 1 bộ sách.

- Nếu xu thế “chọn 1 bộ” được nhiều tỉnh theo thì có thể sẽ xảy ra cạnh tranh khốc liệt và xuất hiện tình trạng lợi ích nhóm trong việc chọn SGK. Phải làm gì để ngăn chặn nếu có tình trạng vi phạm này, thưa ông?

- Để tránh được tiêu cực này, chúng ta cần có một chính sách quản lý minh bạch. Trước hết, Bộ GD&ĐT đang đi theo hướng đó. Tức là, Bộ GD&ĐT soạn thảo thông tư hướng dẫn quy trình chọn sách, sau đó địa phương thành lập các hội đồng. Trong hội đồng có các thành phần khác nhau và tôi nghĩ lực lượng giáo viên đóng vai trò quan trọng trong hội đồng này. Nếu quy trình chọn sách cũng như việc quản lý, kiểm soát diễn ra minh bạch, tôi nghĩ sẽ tránh được hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.

Tránh tiêu cực trong lựa chọn sách giáo khoa: Quản lý phải minh bạch - Ảnh minh hoạ 2
TS Nguyễn Văn Cường 

Liệu có độc quyền xuất bản SGK?

- Ông nói rõ hơn quan điểm về các thành phần trong hội đồng chọn SGK, để có nhiều hơn tiếng nói của các cơ sở GD, của các giáo viên trực tiếp giảng dạy?

- Bộ GD&ĐT đang soạn thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK, trong đó có quy định về thành phần hội đồng lựa chọn SGK. Theo tôi, trong hội đồng đó cần có 2 thành phần cơ bản là cán bộ quản lý giáo dục của địa phương và thành phần trọng tâm là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở phổ thông. Bởi vì giáo viên sẽ phải là người hiểu rõ hơn ai hết cuốn sách nào phù hợp nhất với địa phương của mình. Thành phần giáo viên tôi cho rằng cần quá bán, sẽ đảm bảo tiếng nói của giáo viên mang tính trọng số cao trong hội đồng này.

- Theo ông, cần điều kiện gì để các cơ sở GD, giáo viên có thể sử dụng các bộ SGK khác như một tài liệu tham khảo, ngoài bộ sách địa phương lựa chọn?

- Nếu địa phương chọn một bộ SGK, có nghĩa là cuốn sách đó được sử dụng chính thức ở nhà trường, học sinh phải mua bộ SGK đó. Còn lại, giáo viên của trường hoàn toàn tự do tham khảo các tài liệu khác. Bản thân tôi khuyến nghị rằng, ngoài bộ sách được chọn sử dụng chính thức, nhà trường cần được tạo điều kiện mua những bộ sách khác làm tài liệu tham khảo, cũng như làm học liệu bổ sung cho giáo viên để chuẩn bị bài giảng, làm các phiếu bài tập dựa trên các tư liệu đó.

- Đây là lần đầu tiên giao cho địa phương lựa chọn SGK nên dù có cả một hội đồng để làm việc này nhưng vẫn có thể sẽ có tình huống lựa chọn chưa phù hợp. Theo ông, làm sao để việc lựa chọn sách có sự linh hoạt; địa phương có thể được chọn lựa lại; có thể từ đông đảo ý kiến chứ không phải chỉ từ quyết định của những thành viên trong hội đồng?

- Trước hết phải nói rằng, các bộ sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt thì đều đã được thẩm định kĩ càng và hoàn toàn có thể sử dụng trong trường phổ thông với tư cách là SGK. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc, sau một thời gian sử dụng thì giáo viên phản ánh cảm thấy cuốn sách khác có thể phù hợp hơn; hoặc có thể xuất hiện một cuốn sách mới.

Trong trường hợp này các tỉnh hoàn toàn có thể tổ chức lại việc chọn SGK, không nhất thiết một cuốn sách chỉ được chọn một lần và sử dụng trong nhiều năm. Tuy nhiên, mong rằng việc lựa chọn ngay từ đầu đã được tổ chức một cách quy mô, bài bản, thận trọng, để quá trình lựa chọn chính xác nhất. Từ đó, một cuốn sách được sử dụng tương đối ổn định, thuận lợi cho việc triển khai cũng như việc mua sách của phụ huynh.

- NXB Giáo dục Việt Nam đã giới thiệu 4 bộ SGK, với 24 bản lớp 1 mới do đơn vị biên soạn theo Chương trình phổ thông mới. Thưa ông, nhiều thắc mắc về vấn đề liệu NXB Giáo dục Việt Nam có độc quyền xuất bản SGK trong lần thay sách này?

- Khi chúng ta có chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK thì không có một nhà xuất bản nào có thể độc quyền được, vì tất cả các nhà xuất bản hiện nay đều được tự do viết sách. Hiện nay, Nhà nước không phải cấp tiền cho bất kì nhà xuất bản nào, nhưng chúng ta vẫn có đến 5 bộ sách thì đó là hiệu quả rất rõ.

Đợt công bố vừa rồi, có ít nhà xuất bản tham gia viết SGK vì đây là hoạt động đòi hỏi thời gian và tính chuyên nghiệp rất cao. Tháng 12/2018 Bộ GD&ĐT mới công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới thì chưa đầy một năm, chúng ta đã có 32 SGK của 8 môn học và hoạt động giáo dục cho lớp 1 được phê duyệt. Có thể nói, đó là cố gắng rất lớn của các nhà xuất bản. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới có nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn sách giáo khoa hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập615
  • Hôm nay45,819
  • Tháng hiện tại323,949
  • Tổng lượt truy cập51,679,908
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944