Học sinh vùng khó đối mặt với khó khăn
Thầy Hà Trần Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khau Mang, Mù Cang Chải (Yên Bái) chia sẻ: Thời điểm dịch bệnh Covid-19, học sinh (HS) được nghỉ học nhưng nhà trường, giáo viên (GV) không thể triển khai dạy học qua mạng. Nguyên nhân bởi dạy học trực tuyến đòi hỏi điều kiện cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, Internet… Trong khi đó, gia đình và HS vùng cao không thể đáp ứng được các điều kiện này.
Theo thầy Bùi Quang Tấp - Hiệu trưởng Trường PTDBT THCS Nậm Chảy huyện Mường Khương (Lào Cai) chia sẻ: Năm học này trường có 63 HS khối lớp 9. HS dân tộc trình độ, năng lực học tập hạn chế nếu thiếu sự hướng dẫn trực tiếp của GV hoặc không được giải đáp thắc mắc kịp thời thì việc học trở nên khó khăn. Mặt khác, kĩ năng tự học của HS dân tộc cũng rất kém, các em chưa xác định được động cơ học tập… khi các em phải “tự bơi” với kiến thức thì hoàn toàn quá khả năng và không có hiệu quả.
Theo thầy Tấp, hình thức dạy học trực tuyến, giao bài tập và giải đáp qua mạng dù phát huy hiệu quả ban đầu đối với không ít HS thành phố nhưng tại Nậm Chảy không thể triển khai, bởi cơ sở vật chất thiếu thốn, năng lực truyền đạt bằng công nghệ thông tin của GV có hạn, sức tiếp thu của HS cũng không tốt. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh (PHHS) cũng không bảo đảm được về điều kiện vật chất để hỗ trợ dạy học trực tuyến. Chung tay với nhà trường trong việc kèm cặp, đốc thúc HS học tập tại nhà cũng hạn chế bởi đa số PHHS là nông dân, bản thân cũng chưa đánh giá hết tầm quan trọng của giáo dục nên thiếu tích cực. Thậm chí, nhiều PHHS đã bỏ mặc và coi việc dạy học cho con là trách nhiệm của nhà trường, thầy cô.
Cô Phạm Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường THCS Lùng Vai, Mường Khương (Lào Cai) khẳng định: Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu các thầy cô giảng dạy khối lớp 9 chủ động liên hệ để hướng dẫn HS cách ôn tập kiến thức tại nhà, giảng bài khi các em cần tới sự hỗ trợ.
Tuy nhiên, không phải HS nào cũng được trang bị máy tính kết nối mạng để có thể liên lạc thường xuyên hoặc dạy học trực tuyến. Việc học tại nhà để đạt hiệu quả vẫn trông đợi vào ý thức tự giác và khả năng của mỗi HS. Nếu HS nghỉ học kéo dài chắc chắn phải có thêm thời gian và kế hoạch bồi dưỡng cho HS cuối cấp chứ không thể trông đợi vào việc dạy học trực tuyến đối với HS vùng cao khó khăn.
Đo nhiệt độ học sinh trong ngày trở lại trường |
Không để học sinh cô đơn
Ông Bùi Xuân Tiệp - Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Lào Cai) cho biết: Việc ôn tập kiến thức cũ cho HS khối 12 trong thời gian các em nghỉ học đã được chỉ đạo triển khai nhiều cách trong đó có thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Tuy nhiên, dạy học và ôn tập qua mạng chỉ phát huy hiệu quả với HS ở thành phố, các trường có điều kiện cơ sở vật chất. Còn việc bổ sung kiến thức mới, ôn tập kiến thức cho HS cuối cấp THPT chủ yếu vẫn phải diễn ra khi HS đi học trở lại. Mặt khác, Bộ GD&ĐT đã lùi thời điểm kết thúc năm học một tháng thì các nhà trường hoàn toàn có đủ thời gian để tiến hành công tác ôn tập không hề gấp gáp.
Đối với HS cuối cấp THCS, ông Tiệp cho rằng: Dù các em nghỉ 1 tháng để phòng chống dịch bệnh Covid-19, các trường khó khăn triển khai dạy học trực tuyến thì cũng không quá lo lắng bởi HS Lào Cai đang triển khai học 2 buổi/ngày. Đây là điều kiện phù hợp để các trường có thêm thời gian đưa kiến thức vào giảng dạy. Hơn thế, các nhà trường hoàn toàn có thể tiến hành dạy bù và ôn tập thêm vào thứ 7 hàng tuần thay vì để HS nghỉ từ chiều thứ 6 như trước.
Thầy Bùi Quang Tấp cũng cho biết: Công tác ôn tập cho HS vào 10 đã được trường chuẩn bị kĩ càng. Giữa học kỳ 1 đã tiến hành khảo sát chất lượng học tập HS cũng như nhu cầu học tập sau tốt nghiệp THCS. Từ đó trường đã có những định hướng cụ thể với việc ôn tập. Với HS có khả năng thi vào trường chuyên, trường dân tộc nội trú sẽ được tách nhóm và đầu tư bồi dưỡng kiến thức cao hơn; Với HS học tiếp lên THPT ở những trường bình thường tiến hành ôn tập theo trình độ và kiến thức phù hợp; HS có năng lực học tập yếu, gia đình không có điều kiện cho con học tiếp sẽ tư vấn để thi vào các trường nghề…
Đến nay dù chưa biết lịch thi chính thức vào 10 đối với HS tỉnh Lào Cai song thầy Tấp tin rằng, tỉnh sẽ có sự điều chỉnh phù hợp theo quyết định lùi thời gian kết thúc năm học của Bộ GD&ĐT. Như vậy, các nhà trường vẫn có đủ thời gian để vừa dạy lượng kiến thức mới vừa ôn tập cho HS cuối cấp một cách đảm bảo.