Học để thi hay thi để học?
Trần Trương Minh Chánh, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) trong kỳ tuyển sinh năm 2019, với 29,8 điểm chia sẻ bí quyết rất đơn giản: “Phải xác định cho mình một lộ trình học tập đi từ cơ bản đến nâng cao, từ đơn giản đến phức tạp. Học lý thuyết thật kỹ rồi sau đó làm bài tập tự luyện, kết hợp với việc tìm kiếm, áp dụng các phương pháp học tập hiệu quả qua những cuốn sách hay qua mạng. Và phải kiên trì với kế hoạch, mục tiêu mà mình đặt ra”.
Năm 2016, với 23 điểm, Minh Chánh trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) nhưng không đúng ngành yêu thích. Chánh quyết định dừng việc học, trình bày với ba mẹ nguyện vọng thực hiện nghĩa vụ quân sự và được chấp thuận. Trong 3 năm tại Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an Đà Nẵng), Chánh đồng thời cũng bắt đầu quá trình tự học, củng cố kiến thức với mục tiêu thi đúng ngành học yêu thích. Tranh thủ học vào ban đêm, và luôn bám theo lộ trình đã vạch ra “để không có cảm giác chán nản hay hụt hơi” - Minh Chánh tâm sự.
Ngoài bổ sung kiến thức, Chánh còn rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm ở một số môn, hình thức thi mà trước đó Chánh chưa trải nghiệm. Học theo sơ đồ tư duy là cách mà Chánh thực hiện theo hướng dẫn của một thầy giáo trên mạng. “Phương pháp này tóm gọn kiến thức theo sơ đồ giúp cho người học dễ nhớ. Hồi còn học phổ thông, tôi rất ít chú trọng cách vận dụng các kiến thức để giải bài tập và cũng ít khi luyện tập, nay luyện tập nhiều hơn đạt được kết quả tốt hơn” - Chánh cho biết thêm.
Ảnh minh họa/ INT |
Dạy - học theo hướng phân hóa đối tượng
Là trường có đầu vào thấp, nằm ở địa bàn KT - XH tương đối khó khăn, trường THPT Tôn Thất Tùng (Đà Nẵng) khởi động cho việc nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia ngay từ khi HS trúng tuyển vào trường. “Ngay sau khi HS lớp 10 nộp hồ sơ trúng tuyển, nhà trường tổ chức một buổi họp với cha mẹ HS, trong đó có nội dung định hướng nghề nghiệp cho các em.
Dựa trên kết quả học tập của năm học lớp 9, cộng với sở trường cá nhân và sở thích nghề nghiệp, phụ huynh cùng HS sẽ đăng ký chọn tổ hợp môn để nhà trường xếp lớp. Cuối mỗi năm học, HS được điều chỉnh nguyện vọng, đổi lớp nếu thấy mình không phù hợp hoặc thay đổi hướng chọn nghề” - cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Theo như phân tích chất lượng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia của 3 năm trở lại đây cũng như kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ, cô Trần Thị Kim Vân cho biết, cách làm này cho thấy có sự thay đổi rõ rệt, khi đến lớp 12 nhà trường mới chia lớp theo tổ hợp môn thi THPT quốc gia. “HS trong cùng một lớp học đều có cùng mục tiêu học tập nên GV đỡ áp lực trong việc dạy học. Trước đây, trong cùng một lớp học, cùng trong một tiết dạy nhưng sẽ có nhiều mức độ cung cấp kiến thức khác nhau, vừa phải đảm bảo tính toàn diện, vừa phân hóa cho HS đủ để thi ĐH, CĐ.
Cái khó ở đây là GV sẽ xử lý thế nào trong một lớp học mà nhu cầu chọn tổ hợp môn thi của HS là đa dạng. Nhưng nay cái khó này thuộc về công tác quản lý. Chúng tôi chấp nhận có những lớp học mà sĩ số chỉ có 29 HS bên cạnh những lớp có 39 HS. Nhà trường cũng luôn cố gắng khống chế để chỉ đạt 39 - 40 HS/lớp, nếu vượt quá số này thì phải tách lớp để đảm bảo chất lượng dạy và học”, cô Kim Vân chia sẻ.
Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) chủ trương tổ chức ôn thi THPT quốc gia ngay từ đầu năm học lớp 12. “Với 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Anh văn, chúng tôi tổ chức ôn thi cho HS mỗi tuần 2 tiết/môn từ đầu tháng 10, trong đó có 3 tiết tự chọn và 3 tiết tăng cường. Các lớp học này được chia làm 2 mức độ, dựa trên kết quả khảo sát chất lượng đầu năm của HS.
Danh sách của các lớp học ôn tập này sẽ không ổn định mà cứ sau mỗi đợt học khoảng một tháng, nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá để điều chỉnh lớp cho phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS” - cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng nhà trường thông tin. Sang học kỳ II, nhà trường tổ chức thêm một lớp ôn tập theo tổ hợp môn tự chọn. Các tiết ôn tập sẽ được tổ chức theo các chuyên đề và phải dạy bám sát vào chuẩn kiến thức kỹ năng và đảm bảo dạy học theo hướng phân hóa đối tượng.
Từ đầu tháng 2/2020, khi HS nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) chuyển sang tổ chức ôn thi trực tuyến. Ngoài cung cấp ngân hàng cho HS lớp 12 tự học, có sự hướng dẫn của GV, nhà trường cũng xây dựng các chuyên đề nhằm giúp các em củng cố, hệ thống lại kiến thức đã học. Thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Gần như mục tiêu của 100% HS của trường là xét tuyển sinh ĐH nên trong dạy học và ôn tập, nhà trường chủ trương chuẩn về mặt kiến thức, còn về năng lực vận dụng thì phải ở mức độ nâng cao”.