Đa dạng hình thức ôn tập
Những ngày qua, các thầy cô giáo Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đã triển khai nhiều hình thức để hỗ trợ học sinh các khối của trường ôn tập, củng cố kiến thức do thời gian tạm nghỉ kéo dài. Thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với khối 12, có giáo viên quay clip hướng dẫn các em ôn tập, nhưng có những bộ môn, giáo viên gửi đề cương hướng dẫn qua mạng xã hội, thông báo cho học sinh vào khung giờ nhất định để cô trò cùng online trao đổi. Ngoài ra, các giáo viên cũng giao bài tập để học sinh ôn tập kiến thức đã học qua phần mềm 789 với nhiều bài trắc nghiệm. Bên cạnh đó, thầy cô giới thiệu, chia sẻ cho các em nguồn tài liệu trực tuyến để tham khảo thêm.
Thầy Nguyễn Đình Độ, lãnh đạo Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú) chia sẻ: Đặc thù của trường là có nhiều học sinh ở các tỉnh, nên phải lựa chọn việc ôn tập phù hợp chứ không ấn định một phần mềm học tập trực tuyến nào. Tuỳ điều kiện của từng học sinh, GV thực hiện giao bài, ôn tập qua nhóm lớp, mạng xã hội hay gửi email đề cương ôn tập cũng như ra các dạng đề thi (với các phần kiến thức đã học).
Còn thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho biết: Giáo viên vẫn tiếp tục ôn tập kiến thức, định hướng cho học sinh khối lớp 12, dựa trên tương tác giữa giáo viên bộ môn và học sinh qua website, Facebook, Zalo và phần mềm 789. Trước hết, giáo viên bộ môn sẽ ôn tập phần kiến thức học kỳ I để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia. Đích thân thầy Hiệu trưởng cũng tự làm các clip và đăng tải trên trang web, fanpage của nhà trường để hướng dẫn học sinh ôn tập môn Hoá học.
Riêng với Trường dân lập Quốc tế Việt Úc, thời gian vừa qua, việc dạy học trực tuyến cho học sinh được triển khai với những hiệu quả nhất định. Cô Nguyễn Thị Liễu, Trưởng chương trình GD phổ thông (cơ sở 3/2 và cơ sở Hoàng Văn Thụ) của hệ thống Trường Việt Úc trao đổi: Nhà trường triển khai cho học sinh học trực tuyến qua ứng dụng Microsoft Teams. Các giáo viên và học sinh của trường đều được cấp tài khoản của ứng dụng này để chủ động trong việc dạy học online. Nhà trường đã có thời khoá biểu gửi cho phụ huynh, học sinh về lịch học từng môn.
“Ưu thế của ứng dụng này là giáo viên, học sinh có thể tương tác với nhau về nội dung bài học nên học sinh rất hào hứng tham gia. Bên cạnh đó, các em khối 12 sử dụng công nghệ rất thành thạo và có ý thức học tập tốt. Để nắm bắt được việc học tập online, trường cũng tập huấn và cấp tài khoản cho các giám thị. Họ có thể truy cập vào các lớp để biết được số học sinh tham gia học trực tuyến hay không. Nếu tới giờ theo thời khoá biểu, thấy học sinh chưa tham gia lớp học, giám thị sẽ chủ động liên lạc với phụ huynh để trao đổi. Phụ huynh các lớp rất hợp tác và quan tâm tới việc dạy học trực tuyến, đều có đơn xin phép cho học sinh nghỉ không tham gia tiết học nếu gia đình có việc đột xuất hay các con bệnh”, cô Liễu chia sẻ.
Học sinh hệ thống Trường Dân lập quốc tế Việt Úc học trực tuyến. Ảnh: NTCC |
Cơ hội để học sinh rèn kỹ năng tự học
Bên cạnh việc nhà trường chủ động trong triển khai ôn tập, học sinh khối 12 tại TP cũng có thêm kênh để củng cố kiến thức trong thời gian tạm nghỉ là ôn luyện qua truyền hình. Theo đó, từ ngày 24/2, Sở GD&ĐT TP phối hợp với đài Truyền hình TPHCM phát sóng thời lượng ôn tập cho học sinh khối 12 vào buổi chiều các ngày trong tuần theo khung giờ cho các môn Toán, Lý, Hoá. Còn với khối 9, học sinh có thể ôn tập các môn Toán, Văn và Tiếng Anh.
Thầy Nguyễn Hùng Khương cho rằng: Tạm nghỉ do dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng đây cũng là cơ hội để giáo viên nâng cao việc ứng dụng CNTT trong dạy học, cơ hội để các em học sinh rèn kỹ năng tự học, nâng cao ý thức học tập. Ngoài bài tập, hướng dẫn ôn tập mà các giáo viên triển khai, nhiều em đã chủ động trong việc học, hệ thống lại kiến thức qua nguồn tài liệu học tập trực tuyến rất tốt.
Đồng quan điểm này, cô giáo Nguyễn Thu Trang, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Đào Sơn Tây (quận Thủ Đức) chia sẻ, đối với môn Ngữ văn có những thuận lợi nhất định khi hướng dẫn các em ôn tập các tác phẩm văn học và làm các dạng bài tập đọc hiểu, nghị luận xã hội… hoặc có thể hướng dẫn các em đọc sách, tóm tắt tác phẩm. Cô và trò cũng tương tác tốt thông qua các ứng dụng trên các mạng xã hội. Ở giai đoạn này, ý thức tự giác và kỹ năng tự học của em có dịp để phát huy.