Kéo học sinh trở lại trạng thái học tập bình thường
Ngay trong tuần đầu tiên trở lại đi học, Trường THPT Hoàng Mai 2 (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) tổ chức ôn tập cho học sinh vào các buổi chiều. Thầy Nguyễn Xuân Bài - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các em đã trải qua một kỳ nghỉ dài hơn 4 tuần phòng dịch Covid-19. Vì vậy, khi học sinh đi học, nhà trường triển khai dạy 2 buổi gồm chính khóa vào buổi sáng và ôn tập vào buổi chiều.
Việc dạy ôn không nặng nề mà chủ yếu nhắc lại kiến thức cũ để học sinh tiếp thu được bài mới hiệu quả. Chúng tôi cũng thực hiện bài kiểm tra khảo sát kiến thức ở cả 3 khối lớp, chấm điểm và trả bài cho học sinh. Có thể nhà trường không tính vào điểm tổng kết, nhưng đây là “động thái” để các em quay trở lại học tập có ý thức, nghiêm túc đặc biệt là với học sinh lớp 12.
Trước đó, trong thời gian nghỉ học, nhà trường cũng tổ chức ôn tập, cung cấp kiến thức cho học sinh bằng nhiều hình thức qua website của nhà trường, Facebook, Zalo và dạy học trực tuyến qua hệ thống phần mềm E-learning hoặc YouTube. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng thừa nhận: Qua theo dõi, các hình thức dạy học trên không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Lý do có đến 20% học sinh của trường đi chơi xa, thăm thân trong thời gian nghỉ, ý thức tự học của các em chưa cao dù giáo viên thường xuyên nhắc nhở, thăm hỏi. Một phần nữa là chất lượng đầu vào học sinh của trường thấp hơn so với các trường THPT lân cận, các em cần có sự đốc thúc sát sao, trực tiếp của thầy cô.
Trường THPT Hoàng Mai 2 là ngôi trường trẻ nhất tỉnh, thành lập cách đây 4 năm và mới chỉ có 1 khóa tốt nghiệp THPT năm 2019. Cũng do mới thành lập nên đến năm học này trường mới đủ giáo viên. Còn trước đó chủ yếu là hợp đồng giáo viên thỉnh giảng. “Nói về bề dày kinh nghiệm ôn thi THPT quốc gia, chúng tôi chưa có nhiều. Nhưng bù lại, tập thể giáo viên rất nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy. Khi nhà trường có chủ trương tổ chức ôn tập ngay cho học sinh khi trở lại đi học, tập thể giáo viên đều nhất trí cao”, thầy Bài nói.
Năm học 2019 - 2020, Trường THPT Hoàng Mai 2 có 241/886 học sinh lớp 12. Từ học kỳ 1, nhà trường đã tổ chức cho các em đăng ký lớp học ôn theo các tổ hợp môn tự chọn. Có đến 90% các em chọn tổ hợp khoa học xã hội. Tỷ lệ phân luồng cũng có chênh lệch lớn với khoảng 10 - 15% chọn thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học.
Vì vậy, chương trình ôn tập được xây dựng phù hợp sát với nhu cầu, đặc điểm và năng lực học sinh của nhà trường chứ không theo phổ chung của toàn tỉnh. Trong thời gian các em nghỉ phòng dịch bệnh Covid-19, giáo viên vẫn sinh hoạt chuyên môn thường xuyên, xây dựng chuyên đề ôn thi, lập ma trận đề thi theo đề thi minh họa năm 2019 của Bộ GD&ĐT. Trường cũng thống nhất số buổi ôn tập cho các em từ nay cho đến khi Kỳ thi THPT quốc gia 2020 diễn ra.
Lớp học vùng cao. Ảnh minh họa/ INT |
Trường vùng cao dạy học trực tiếp lẫn trực tuyến
Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông) có nhiều học sinh đến từ các xã bản vùng sâu, biên giới có nhiều người dân đi lao động từ Trung Quốc trở về. Vì vậy, nhà trường xác định: Học sinh đi học trong giai đoạn phòng dịch không tổ chức học buổi chiều. Sau buổi học chính khóa, thầy cô sẽ hướng dẫn ôn thi THPT tại nhà thông qua kết nối mạng Internet hoặc tương tác trực tiếp, điện thoại với học sinh.
Thầy Đặng Văn Bằng - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ cho biết: Nhà trường phân công giáo viên phụ trách, theo dõi học sinh theo từng lớp và đến từng thôn bản thông qua bí thư chi bộ, trưởng bản. Chúng tôi thống kê và nắm được số liệu học sinh tiếp nhận thông tin, bài tập trực tuyến khá đầy đủ. Cụ thể, có khoảng 20 - 30% học sinh có điện thoại vào được mạng Internet, nhưng có 80 - 90% các em mượn điện thoại của bố mẹ, anh chị để lấy bài tập, chụp ảnh bài làm gửi lại cho thầy cô.
“Dù là trường học ở miền núi khó khăn, nhưng chúng tôi đánh giá cách học trực tuyến như trên vẫn đạt hiệu quả cao. Đây còn là sự tương tác rất ý nghĩa giữa giáo viên và gia đình học sinh. Đem lại tình cảm thầy trò, mối liên hệ hỗ trợ cùng giáo dục con em của nhà trường và phụ huynh”, thầy Bằng nói
Trước đó, khi kết thúc học kỳ 1 năm học 2020 - 2021, Trường THPT Mường Quạ đã tổ chức thi thử lần 1 cho học sinh lớp 12. Kết quả dù khiêm tốn, chỉ khoảng 40% học sinh đậu tốt nghiệp, nhưng đây là cơ sở để trường nắm được năng lực, phân loại đối tượng học sinh. Từ đó có phương án bồi dưỡng thêm cho học sinh khá và phụ đạo kiến thức những môn yếu, số học sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều.
Với Trường THPT Quế Phong, ngoài giờ học trên lớp, hình thức dạy học trực tuyến cũng được duy trì ở nhiều môn học. Thầy Nguyễn Văn Khai (GV Toán) là người đầu tiên ở Trường THPT Quế Phong quay lại clip bài giảng cho học sinh nói: Khi học sinh nghỉ học tôi lo các em mải chơi rồi quên hết bài nên đã tự quay video dạy học bằng điện thoại rồi đăng tải lên mạng xã hội Facebook, YouTube.
Các bài giảng trực tuyến được xây dựng với các truyền đạt, hàm lượng kiến thức phù hợp với khả năng tiếp nhận, mặt bằng chất lượng học sinh vùng miền núi. Đây cũng là một kênh kiến thức tham khảo mà các em có thể lưu, xem đi xem lại nhiều lần nếu chưa hiểu bài. Vì học trò vùng cao, dân tộc thiểu số khó khăn, không có điều kiện học thêm bên ngoài.