Xung quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) – đơn vị có thâm niên đào tạo loại hình CLC từ năm 2006.
Khẳng định chỗ đứng
- Thưa ông, việc thí điểm thực hiện đào tạo chương trình CLC có ý nghĩa và mục đích gì trong bối cảnh học phí các trường ĐH công lập quá thấp?
- Được sự cho phép của Bộ GD&ĐT, HCMUTE thực hiện thí điểm chương trình đào tạo CLC từ năm 2006. Tại thời điểm đó, học phí các trường ĐH công lập quá thấp. Việc cung cấp cho người học một môi trường học tập như các chương trình tiến tiến, chương trình quốc tế mà chỉ dựa vào học phí lúc đó là điều không thể. Chương trình CLC thí điểm cho phép vận dụng các nguồn lực xã hội trên cơ sở tham gia tự nguyện của phụ huynh, SV, những người mong muốn đầu tư và trải nghiệm môi trường, phương pháp học tập hiện đại, có chất lượng vượt trội.
- Từ thí điểm rồi đến hợp thức bằng Thông tư 23/2014 chứng minh điều gì?
- Trong những năm đầu, việc tuyển sinh chương trình CLC rất khó khăn. Khái niệm CLC trong giáo dục còn khá lạ lẫm đối với phụ huynh, SV và cả dư luận xã hội. Một số ngành của trường không tuyển đủ số SV tối thiểu để mở lớp. Tuy nhiên, nhà trường vẫn kiên định trong chính sách chất lượng về chương trình CLC, thực hiện những cam kết của chương trình CLC đối với người học. Dần dần, chương trình CLC đã có chỗ đứng, trở thành một trong những lựa chọn của SV nhờ chất lượng vượt trội.
Năm 2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23 quy định về đào tạo CLC trình độ đại học. Thông tư là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các trường thực hiện chương trình CLC. Mặt khác, thông tư là sự công nhận đối với chương trình CLC và đưa ra các chính sách để giám sát các chương trình CLC thực hiện đúng quy định.
Nếu so với lĩnh vực y tế, quyết định này hơi chậm vì loại hình khám dịch vụ và khám theo bảo hiểm thành công ở các bệnh viện, chứng tỏ sự phù hợp về đa dạng hóa các dịch vụ trong đó có dịch vụ y tế và dịch vụ đào tạo phù hợp với nền kinh tế thị trường.
- Ông có thể nêu một số so sánh về hiệu suất đào tạo, tỷ lệ có việc làm, đánh giá của doanh nghiệp tuyển dụng giữa SV chương trình CLC và đại trà?
- Hiện tại, chương trình CLC có điểm chuẩn tuyển sinh thấp hơn chương trình đại trà một ít vì theo quy tắc tuyển sinh lấy điểm từ cao xuống thấp, do số thí sinh nộp đơn vào chương trình CLC ít hơn chương trình đại trà vì học phí cao hơn. Rất nhiều thí sinh điểm cao quyết định đăng ký học vào chương trình CLC. Ngoài ra, sự chênh lệch điểm chuẩn giữa chương trình đại trà và CLC không lớn. Vì vậy, các hoạt động tổ chức đào tạo nhằm phát huy năng lực của SV đáp ứng chuẩn đầu ra đã đạt được kết quả khả quan.
Hằng năm, nhà trường thực hiện khảo sát tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp. Số liệu cho thấy, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp chương trình CLC cao hơn nhiều so với chương trình đại trà. Doanh nghiệp tham gia tuyển dụng cũng đánh giá tốt chất lượng đào tạo của các chương trình CLC đặc biệt là khả năng tiếng Anh của SV tốt nghiệp chương trình CLC.
Công phục vụ tư?
- Có ý kiến cho rằng chương trình CLC đang bị các trường lạm dụng, lấy công phục vụ tư?
- Trong những năm gần đây, chương trình CLC mang lại những thay đổi theo chiều hướng tích cực cho nhà trường. Trang thiết bị hiện đại được đầu tư ưu tiên sử dụng cho chương trình CLC đồng thời phục vụ cho chương trình đại trà. Cơ sở vật chất của trường được nâng lên một bước phục vụ chung cho tất cả SV trong toàn trường.
Đây chính là giáo dục theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy tiền của người thu nhập cao để đầu tư CSVC phục vụ cho SV nghèo, tạo ra sự công bằng xã hội. Trong một xã hội với mức thu nhập khá chênh lệch, việc có các chương trình CLC tạo ra sự lựa chọn phù hợp cho các gia đình có thu nhập khá, nếu không đồng tiền của họ sẽ chảy ra nước ngoài qua các trường ĐH nước ngoài mở ở Việt Nam với học phí rất cao hoặc đi ra nước ngoài du học.
Trước tình hình “chảy máu chất xám”, đội ngũ giảng viên giỏi ở trường công có xu hướng chuyển sang trường tư và doanh nghiệp khiến trường đại học công lập đang đứng trước thách thức lớn về duy trì chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Chương trình CLC góp phần đảm bảo đời sống vật chất của giảng viên, giúp họ an tâm làm việc trong trường, phục vụ không chỉ riêng chương trình CLC mà cả chương trình đại trà.
- Cùng với Luật Giáo dục ĐH, chủ trương đẩy mạnh tự chủ theo các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ GD&ĐT dự kiến có quy định điểm chuẩn chương trình CLC, ý kiến của ông về vấn đề này?
- Việc Bộ GD&ĐT dự kiến quy định về điểm chuẩn chương trình CLC thể hiện sự quan tâm của Bộ với mong muốn các trường thực hiện chương trình CLC như đúng tên gọi của nó. Tuy nhiên, nếu theo đúng định nghĩa về chất lượng giáo dục là đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu đầu ra chứ không phải đầu vào. Bộ GD&ĐT nên để các trường tự chủ về tuyển sinh và chỉ nên đặt ra sàn chất lượng đầu vào ngang với các chương trình sư phạm.
Các chương trình kém chất lượng sẽ tự bị đào thải theo quy luật thị trường vì với học phí cao, chương trình nào không có chất lượng sẽ không thể tuyển sinh sau một vài năm. Sinh viên, phụ huynh, doanh nghiệp đã và đang đánh giá cao chất lượng các chương trình đào tạo CLC. Trường đại học sẽ phát huy vai trò tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo, vận động và phát triển đáp ứng yêu cầu của xã hội.