Hiện nay, thời gian kết thúc năm học được quy định là trước 30/6, nếu học sinh các cấp quay lại trường vào ngày 16/3, các cơ sở giáo dục vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình; các mốc quan trọng trong đó có kỳ thi THPT quốc gia vẫn giữ là từ ngày 23 – 26/7.
Nếu phần lớn học sinh cả nước đi học vào ngày 16/3 tới, Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn chi tiết những nội dung để các cơ sở giáo dục chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Theo đó, ngoài những công việc liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, các trường cần xây dựng kế hoạch giáo dục chi tiết, trên nguyên tắc tránh tập trung đông học sinh, mọi hoạt động trong phạm vi lớp, bố trí thời gian học, ra chơi lệch nhau giữa các lớp, cân đối để học sinh không bị áp lực, quá tải.
Trong trường hợp học sinh phải nghỉ kéo dài thêm hết tháng 3, các mốc thời gian năm học mới được điều chỉnh vẫn có thể giữ được, nhưng sẽ phải có một số điều chỉnh. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường sẽ phải tính toán để tiết kiệm thời gian, ưu tiên thời gian dành cho việc dạy học theo đúng chương trình, giảm bớt thời gian cho các sự vụ trong nhà trường.
Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Các nhà trường cần nghiên cứu, vận dụng hiệu quả hướng dẫn này.
Cụ thể, cần tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành...
Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.
"Các nhà trường linh hoạt thực hiện việc dạy học theo các chủ đề, sử dụng các hình thức dạy học khác nhau: trực tiếp trên lớp theo môn, tổ chức hoạt động giáo dục theo chủ đề liên môn, dự án học tập, các hình thức ngoài lớp học, bao gồm cả dạy học trực tuyến" – Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Tuy nhiên, trường hợp bất khả kháng, việc nghỉ học phải kéo dài hơn, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD&ĐT cũng đã tính đến phương án sẽ tiếp tục điều chỉnh thời gian năm học cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó có thời điểm kết thúc năm học và thi THPT quốc gia. Theo khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ, địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học của địa phương mình cho phù hợp, trong đó có thời gian tuyển sinh đầu cấp.