Thông tư này đã hợp pháp hóa cho một số chương trình CLC thí điểm trước đó và tạo điều kiện cho nhiều trường ĐH mở hệ CLC về sau. Ở cả trường công lẫn tư, sau Thông tư 23, tốc độ tăng trưởng chương trình CLC so với chương trình đại trà diễn ra khá nhanh. Như Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM đến nay đã có 5/11 ngành tuyển sinh CLC, chỉ tiêu từ 300 thí sinh (năm 2012) đến nay đã chiếm 1/3 tổng chỉ tiêu. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đào tạo 17 chương trình CLC/39 chương trình đào tạo, chiếm tỷ lệ gần 44%. Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chương trình đại trà có 39 ngành thì hệ CLC cũng theo sát đến 26 ngành.
Chương trình đào tạo CLC đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ở những trường thực hiện nghiêm túc Thông tư 23, chất lượng đào tạo đã được xã hội tín nhiệm, tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp ở một số trường khá cao, có nơi cao hơn cả hệ đại trà.
Đặc biệt, trong bối cảnh học phí đại học còn thấp, nguồn thu từ các chương trình CLC giúp các trường đầu tư cải thiện được điều kiện cơ sở vật chất dạy học, phòng thí nghiệm; nâng cao thu nhập cho đội ngũ, tránh tình trạng chạy máu chất xám. Việc thực hiện tốt mô hình CLC cũng góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các trường ở trong nước cũng như quốc tế. Nhiều chương trình CLC của các trường đã tuyển sinh được sinh viên nước ngoài.
Tuy vậy, việc tăng trưởng quá nóng của loại hình CLC cũng đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Do chỉ tiêu hệ CLC nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các hệ nên các trường càng tăng tỷ lệ này, nhất là ở trường công đồng nghĩa thu hẹp tỷ lệ hệ đại trà, ảnh hưởng đến cơ hội của thí sinh muốn học hệ này. Nhiều ý kiến về vấn đề công bằng giáo dục cũng được đặt ra từ thực tế này.
Một thực trạng đáng quan ngại khác, bên cạnh những trường làm tốt công tác đào tạo CLC, vẫn có không ít nơi thực hiện chưa tốt quy định. Sức hút học phí CLC quá lớn nên vì đảm bảo về mặt tài chính, một số cơ sở đào tạo đã định ra những mức điểm chuẩn đầu vào thấp hơn nhiều so với đại trà để tranh thủ nguồn tuyển. Không chỉ thấp 1 - 2 điểm, có ngành, có nơi điểm chuẩn CLC còn thấp hơn trên 5 điểm so với đại trà.
Đầu vào hạn chế hơn hệ đại trà, lại đòi hỏi cao về tiếng Anh nên nhiều sinh viên không theo kịp chương trình. Có trường, vì để chạy theo năng lực còn hạn chế của sinh viên, sau vài năm đào tạo bằng tiếng Anh, lại quay lại dạy bằng tiếng Việt. Thực trạng này đã khiến dư luận nghi ngại về ba chữ CLC. Đến nỗi, ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) đã kêu lên rằng: “Không thể gọi là CLC mà là chương trình dịch vụ cao, vì rớt chương trình đại trà thì lại vào chương trình CLC!”.
Phát triển các chương trình CLC là hướng đi đúng trong bối cảnh đổi mới, hội nhập giáo dục đại học nhưng chính sách học phí lại quá thấp như hiện nay. Những tồn tại phát sinh trong thực tiễn thực hiện chương trình CLC đòi hỏi phải có sự kiểm soát và giám sát chặt chẽ.