Học sinh chịu thiệt
Từ ngày 2/3, học sinh Trường THPT Trung Nghĩa, Phú Thọ quay trở lại trường học. Bên cạnh dạy học, công tác y tế, phòng chống dịch bệnh được nhà trường quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường THPT Trung Nghĩa - Nguyễn Thành Nam, dù được sự quan tâm của Sở GD&ĐT, UBND huyện, công tác y tế trường học vẫn gặp khó khăn. Nhân viên y tế có trình độ chuyên môn nhưng là hợp đồng, mới vào nghề, kinh nghiệm chưa nhiều; trang thiết bị, vật tư để phục vụ cho việc khám, sơ cứu còn hạn chế. Do chỉ có 1 nhân viên y tế trường học nên nhà trường phải huy động thêm cán bộ, giáo viên để hỗ trợ trong thời gian này.
Thông tin về công tác y tế học đường của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT chia sẻ: Thuận lợi có, nhưng khó khăn cũng nhiều. Thuận lợi là cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, đảm bảo các điều kiện về phòng học, bàn ghế, đồ chơi, đồ dùng, chiếu sáng, nước sạch, vệ sinh môi trường. 100% cơ sở giáo dục triển khai công tác y tế học đường theo quy định, đặc biệt là các trường đã đạt chuẩn quốc gia.
Các đơn vị đều có phòng y tế, tủ thuốc và được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mua sắm các loại thuốc và trang thiết bị y tế thông thường phục vụ tại cơ sở. Trường học phần lớn ở khu trung tâm của các địa phương, gần trạm y tế, thuận lợi trong chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Nhưng khó khăn là các trường học không có biên chế chuyên trách.
Công tác y tế học đường do giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm hoặc hợp đồng, nên việc tổ chức, quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên gặp nhiều khó khăn. Công tác theo dõi, chăm sóc sức khỏe của học sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng khung dinh dưỡng - y tế phục vụ công tác bán trú thiếu chủ động…
Cũng với khó khăn này, ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy, Thái Bình cho biết: Huyện có 104 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS và 100% các trường không có nhân viên y tế có bằng cấp, được đào tạo chuyên ngành về y tế mà đều là kế toán hoặc giáo viên kiêm nhiệm. Trang thiết bị y tế nghèo nàn, chủ yếu là các thiết bị thô sơ, đơn giản như cân đo, nhiệt kế thủy ngân, dầu gió, bông băng, cồn và nếu có thiết bị chuyên dùng cũng không có người đủ trình độ sử dụng.
Ảnh minh họa |
Nhiều đơn vị không có phòng Y tế chuyên dụng, chủ yếu lồng ghép với các phòng chức năng khác (chỉ bố trí dự phòng trong trường hợp cần thực hiện cách ly tại các nhà trường). Nguồn kinh phí trích lại cho các trường (5% đóng bảo hiểm y tế của học sinh) rất ít, khó có thể trang bị các điều kiện thiết yếu về phòng chống dịch, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh kéo dài…
Bao giờ được coi trọng
Khẳng định vai trò quan trọng của công tác y tế trường học, ông Đỗ Trường Sơn cho rằng: Nếu chỉ coi đây là trách nhiệm riêng của ngành Giáo dục, chắc chắn nhà trường không thể đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch khi học sinh đi học trở lại. Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc tích cực, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh cả về vật chất và tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, một trong những vấn đề đặt ra với công tác y tế trường học là sự phối hợp của ngành y tế, Giáo dục trong hướng dẫn, tuyên truyền, thực hiện các khuyến cáo y tế về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cá nhân, cộng đồng và trong việc tương tác, chỉ đạo hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật y tế cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là khi có dịch bệnh, hiểm họa.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo ngành y tế cử cán bộ phối hợp với các đơn vị trường học trong việc tư vấn, hướng dẫn và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học và cộng đồng. Đồng thời, đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời thuốc tiêu độc, khử trùng cho các đơn vị trường học, cung cấp đủ nguồn khẩu trang y tế cho học sinh và nhân dân khi cần thiết. Cùng với đó, xử lý nghiêm minh, kịp thời những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.