Để giúp HS củng cố kiến thức, duy trì không khí học tập cho HS, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tiếp tục triển khai ôn tập trực tiếp thông qua các phần mềm của Viettel, VNPT, FPT cung cấp. Ngoài ra, từ ngày 16/3, Đà Nẵng sẽ tổ chức dạy học trên sóng truyền hình thành phố.
Gấp rút soạn - giảng và xây dựng bài tập
Thầy Phan Quốc Duy (GV trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) cùng với các GV khác trong tổ Toán đang khẩn trương thảo luận, phân công các thành viên xây dựng chuyên đề ôn tập kiến thức của 2 tuần đầu của HK II.
“Sau khi thống nhất các chuyên đề, mỗi GV sẽ đảm nhận soạn giảng và xây dựng bài tập cho chuyên đề đó. Nhóm sẽ góp ý trên cơ sở bài giảng của cá nhân để hoàn chỉnh thêm trước khi tổ chức dạy thử xem có vấp váp, có phải điều chỉnh gì không như tốc độ giảng bài, cách trình bày bảng…” – thầy Duy cho biết.
Với mục tiêu phục vụ cho số đông, hướng tới HS đại trà nên theo như chia sẻ của thầy Duy thì các bài tập đưa vào trong bài giảng truyền hình sẽ chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu. “Nếu có lồng ghép kiến thức mới thì cũng ở mức độ hợp lý. Sau mỗi tiết dạy, giáo viên sẽ cung cấp 2 đường link để HS tải bài tập về làm. Trong đó, với đường link bài tập luyện tập của tiết học, những HS có điện thoại thông minh chỉ cần quét mã vạch là GV có thể nắm được mức độ hoàn thành của HS, biết các em phải mất bao nhiêu thời gian để trả lời cho từng câu hỏi” – thầy Duy thông tin.
Không tổ chức ôn tập theo chuyên đề, nhóm GV môn Giáo dục công dân sẽ tổ chức ôn tập cho HS theo từng bài học và ôn các bài của HKI lớp 12. Ngoài củng cố, ôn lại kiến thức, HS sẽ được hướng dẫn làm bài tập theo cấu trúc đề với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Cô Lê Thị Thanh Bình – (GV môn Giáo dục công dân, trường THPT Trần Phú) cho biết: Các GV trong nhóm động viên nhau phải làm việc khẩn trương để kịp ghi hình, phát sóng vào tuần tới. Mỗi bài giảng đều có sự góp ý của cả nhóm nhưng áp lực của GV “lên sóng” không vì vậy mà giảm bớt. “Giảng dạy ở trên lớp, có sự tương tác trực tiếp với HS sẽ khác với giảng dạy trên truyền hình. Chưa kể là một tiết ôn tập sẽ khác với một bài dạy thông thường, cảm giác của GV khi đứng trước máy quay cũng sẽ rất khác” – cô Bình chia sẻ.
Sẽ có nhiều “kịch bản” giảng dạy
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Để giúp HS khối 12 duy trì việc học tập trong thời gian nghỉ học ở trường, ngoài việc ôn tập trực tiếp như Sở đã chỉ đạo từ đầu tháng 2, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng thực hiện Chương trình Ôn tập lớp 12 trên truyền hình. Chương trình do các thầy, cô giáo giỏi, có kinh nghiệm được lựa chọn từ các trường THTP trên địa bàn thành phố đảm nhiệm. Mỗi tuần có 6 số phát sóng, mỗi số có 2 môn học với thời gian 45 phút/môn.
Theo chủ trương của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trong 2 tuần phát sóng đầu tiên, sẽ chú trọng ôn tập, củng cố các kiến thức đã học. Sau đó, tùy theo tình hình dịch bệnh, nếu HS tiếp tục nghỉ học, sẽ tính đến việc tăng thời lượng phát sóng, các bài giảng có thể hướng tới việc cung cấp kiến thức mới. Sở GD&ĐT Đà Nẵng cùng với Đài Phát thanh – truyền hình Đà Nẵng cũng sẽ nghiên cứu thực hiện chương trình ôn tập cho HS lớp 9 để phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 – 2021. HS có thể theo dõi trực tiếp trên kênh truyền hình DanangTV2 vào 9 giờ đến 10 giờ 30 thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần hoặc truy cập vào website của Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng để xem lại những chương trình đã phát sóng.