- Theo quy định, việc chọn SGK phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở GD. Vậy nhà trường sẽ cụ thể hóa nguyên tắc này như thế nào?
- Việc chọn SGK phải thỏa mãn yêu cầu, đáp ứng tốt việc học có chất lượng cho HS, đó làm tiêu chí chung hàng đầu. Sách được chọn phải bảo đảm các mục tiêu về năng lực và phẩm chất của HS và phải tạo điều kiện cho GV tổ chức tốt nhất các hoạt động dạy - học theo hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất HS.
Hội đồng chọn SGK của nhà trường bám sát việc thực hiện đúng, đủ tiêu chí lựa chọn sách của UBND tỉnh quy định. Hội đồng sẽ cùng nhau nghiên cứu, thảo luận để thống nhất cách hiểu nội hàm của từng tiêu chí. Ví dụ: Có 1 số tiêu chí (dự kiến) cần thảo luận kỹ cho phù hợp nhà trường - nơi đã vận dụng một số mô hình GD mới. Ví dụ, các bài tập, hoạt động được sắp xếp theo nhiều mức độ, tạo cơ hội cho tất cả HS có thể học tập, phát triển và sáng tạo.
Hệ thống câu hỏi, bài tập và yêu cầu gần gũi với thực tiễn địa phương, rèn luyện cho HS khả năng tìm tòi kiến thức, vận dụng kiến thức vào thực tế. Ngôn ngữ sử dụng trong sáng, dễ hiểu và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi HS địa phương. Nội dung phân chia theo các chủ đề/bài học rõ ràng và được thiết kế, trình bày bằng các hoạt động đa dạng, tạo điều kiện cho giáo viên có nhiều phương án lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực.
Cấu trúc thuận tiện cho nhà trường, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS phù hợp với kế hoạch - hoạt động GD của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS. Nội dung dễ điều chỉnh để phù hợp với khả năng và điều kiện học tập của các đối tượng HS nhà trường. Nội dung có thể triển khai hiệu quả với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phù hợp với năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GD của nhà trường.
Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức họp Hội đồng sư phạm để thu thập, tóm tắt các đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy - học tại nhà trường, để Hội đồng nghiên cứu, hiểu rõ và thống nhất. Các thành viên Hội đồng chọn sách phải cùng nhau đồng thuận về đặc điểm thực tế đó. Do đó SGK phải có cả nhiệm vụ học tập cơ bản và nhiệm vụ nâng cao, tiến trình bài học thiết kế theo hướng chủ yếu giúp tự học và giải quyết vấn đề.
Giáo viên Trường Tiểu học Dĩnh Trì nghiên cứu, lựa chọn SGK. Ảnh: Sỹ Điền |
- Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là môn học mới. Vậy nhà trường sẽ chọn sách cho môn học này như thế nào?
- Một trong các quan điểm xây dựng Chương trình hoạt động trải nghiệm phải bảo đảm tính mở, linh hoạt. Đặc điểm HS lớp 1 mới học đọc, học viết nên còn hạn chế trong khai thác kênh chữ khi sử dụng sách giáo khoa. Vì thế, chúng tôi ưu tiên chọn những cuốn sách thiết kế chủ đề, nội dung phù hợp với đặc điểm và mục tiêu môn học, có hình ảnh minh họa và hướng dẫn tự học phù hợp nhất với HS lớp 1. Việc sử dụng SGK Hoạt động trải nghiệm lớp 1 của GV sẽ đóng vai trò chính. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham khảo ý kiến từ phụ huynh học sinh để có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Đồng thời, hiện nay đối với nhà trường nói riêng và nhiều trường tiểu học Bắc Giang nói chung, tổ chức hoạt động trải nghiệm cho HS không còn quá mới mẻ. Trường đã được Sở GD&ĐT tập huấn, đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động GD gắn với các ngày lễ, Tết mang tính trải nghiệm sáng tạo như: Ngày hội tiếng Anh - Mỹ thuật; Ngày hội Tết quê em.... Năm học này, nhà trường thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Bắc Giang về đổi mới nội dung và phương thức tổ chức tiết chào chờ đầu tuần, sinh hoạt lớp theo hướng trải nghiệm, tăng cường sự tham của HS trong mọi hoạt động.
Do vậy, chúng tôi sẽ phát huy những hiểu biết, kinh nghiệm của cả cán bộ quản lý, giáo viên và HS để thực hiện môn học, hoạt động GD. Đồng thời nhà trường lấy đó làm căn cứ để chọn những cuốn sách phù hợp với kinh nghiệm và năng lực tổ chức, các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế của phụ huynh HS (khả năng đóng góp, hỗ trợ kinh phí; khả năng dành thời gian tham gia cùng HS và nhà trường khi tổ chức hoạt động GD…).
Qua nghiên cứu một số cuốn sách cho thấy, mỗi cuốn đều có những ý tưởng hay. Chúng tôi có thể tham khảo thêm những điểm hay đó để tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho HS. Từ đó sẽ tổng hợp những bài học hay để dùng chung cho các thầy cô nhà trường.
- Nhà trường có lưu ý đặc biệt gì đối với cán bộ, giáo viên trong quá trình chọn sách giáo khoa?
- Trước hết, chúng tôi yêu cầu cán bộ giáo viên tranh thủ thời gian HS nghỉ học, chủ động nghiên cứu các văn bản hướng dẫn lựa chọn SGK và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa phải nghiên cứu kỹ SGK, kết hợp sử dụng kết quả nhận xét SGK của toàn thể GV các tổ bộ môn trước đó. Xây dựng lịch trình lựa chọn SGK lớp 1 để tiến hành kịp thời, đầy đủ. Chúng tôi cũng xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch công tác của tháng 3 và tháng 4/2020. Đồng thời, Hội đồng cũng tham khảo ý kiến của Ban đại diện Cha mẹ HS trong việc lựa chọn SGK.
- Xin cảm ơn thầy!