Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật, nhưng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vấn đề này chưa được chú trọng đúng mức; đâu đó vẫn coi đây là môn phụ.
“Giáo dục nghệ thuật là một thành tố của giáo dục toàn diện: đức - trí - thể - mỹ. Khi có một cảm thụ tốt về nghệ thuật thì chân thiện mỹ, tính nhân bản, tiềm năng sáng tạo đươc khơi dậy” – Bộ trưởng chia sẻ.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng cho rằng, quản lý phải đi trước một bước, từ nhận thức đến cơ chế chính sách và hoạt động triển khai. Nhận thức chưa hợp lý dẫn đến cơ chế chính sách chưa đầy đủ, thậm chí cản trở, thành “nút thắt”.
Cùng với thay đổi nhận thức, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật; muốn có đội ngũ giáo viên tốt thì trước hết cơ sở đào tạo ra giáo viên đó phải tốt. Hiện nay, chúng ta đã có nhiều cơ sở tham gia đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật trong trường phổ thông. Đây là nỗ lực, cố gắng lớn; tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập.
Hạn chế đầu tiên, theo Bộ trưởng là chương trình đào tạo chưa thống nhất. Có hiện tượng trường chất lương thấp thì đầu vào “thoáng”, quá trình học dễ đạt điểm cao, dễ ra trường. Trường chất lượng tốt lại khắt khe hơn. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật phải chuẩn hóa chương trình đào tạo. Giao Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương làm đầu mối để rà soát các chương trình đào tạo, bám sát vào chuẩn đầu ra về mặt phẩm chất năng lực để từng bước thực hiện. Lưu ý hạn chế tính hàn lâm trong chương trình đào tạo.
Về yêu cầu đầu vào, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu về năng khiếu nghệ thuật và năng khiếu sư phạm. Các trường có thể đề nghị lên Bộ GD&ĐT về tính đặc thù trong nội dung này.
Bên cạnh chương trình đào tạo, nội dung khác cũng hết sức quan trọng là chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên, trước hết là giảng viên các cơ sở đào tạo giáo viên; nhà trường phải tạo điều kiện để thầy cô có điều kiện nghiên cứu. Khuyến khích mời cộng tác viên là các nghệ nhân đến giảng dạy, đặc biệt là người có nghiệp vụ sư phạm.
Sau chương trình và đội ngũ giảng viên là quá trình tổ chức đào tạo. Về nội dung này, Bộ trưởng lưu ý việc đào tạo trong trường sư phạm, trong đó có sư phạm nghệ thuật, là phải gắn với địa phương; tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và gắn với thực hành, thực tế.