Rút ngắn khoảng cách chế độ giáo viên hợp đồng và biên chế

Thứ năm - 15/08/2024 19:30 37 0
Trong xây dựng phương án hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022 của Chính phủ, các địa phương đã tính toán phương án để rút ngắn khoảng cách quyền lợi giữa giáo viên hợp đồng và biên chế. Trong đó, tạo điều kiện cho giáo viên hợp đồng tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn trước khi năm học...
Rút ngắn khoảng cách chế độ giáo viên hợp đồng và biên chế

Trong xây dựng phương án hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022 của Chính phủ, các địa phương đã tính toán phương án để rút ngắn khoảng cách quyền lợi giữa giáo viên hợp đồng và biên chế. Trong đó, tạo điều kiện cho giáo viên hợp đồng tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn trước khi năm học mới bắt đầu nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Thi tuyển giáo viên hợp đồng

Cô Lê Thị Thu Uyên ký hợp đồng lao động với vị trí giáo viên Tiếng Anh tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi trúng tuyển tại kỳ thi tuyển dụng giáo viên hợp đồng do UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) tổ chức. Thuộc diện giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022 của Chính phủ, cô Uyên được hưởng mọi quyền lợi như một giáo viên biên chế, gồm phụ cấp ưu đãi (đứng lớp), tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn do ngành GD-ĐT các cấp tổ chức…

Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp nhận 5 giáo viên theo diện hợp đồng như cô Thu Uyên. Thầy Hiệu trưởng Bùi Duy Quốc cho biết: “Đây là những giáo viên trẻ, có lợi thế về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các phương pháp dạy học mới, phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Dù năm đầu tiên tham gia giảng dạy, nhưng nhiều thầy cô đã đạt được giải cao trong các cuộc thi như làm đồ dùng dạy học, sáng kiến kinh nghiệm, thiết kế bài giảng điện tử… ở các cấp”.

Ngay năm đầu tiên đứng lớp giảng dạy, cùng với 2 đồng nghiệp, cô Lê Thị Thu Uyên đã đoạt giải Ba cuộc thi Thiết kế bài giảng Elearning môn Tiếng Anh toàn quốc; giải C sáng kiến kinh nghiệm cấp quận với đề tài Sử dụng sơ đồ tư duy trong hoạt động phát triển kỹ năng nói tiếng Anh.

Theo quy định, với những giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022 như cô Thu Uyên, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ tiếp tục ký hợp đồng ở năm học tiếp theo nếu trường vẫn thiếu giáo viên. Qua thăm dò cuối năm, 5 giáo viên diện hợp đồng của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đều có nguyện vọng dạy học tại trường trong năm học 2024 - 2025. Theo thầy Bùi Duy Quốc, nhà trường sẽ ký tiếp với các thầy cô để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp trong năm học mới.

Năm học 2023 - 2024, Hải Châu có 67 giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022. Trong khi đó, năm học 2024 - 2025, quận có 78 chỉ tiêu hợp đồng dạng này ở cả ba cấp học.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Đức Tú Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (TP Đà Nẵng), số giáo viên đã ký hợp đồng trong năm học trước vẫn tiếp tục duy trì dạy học trong năm tiếp theo nếu có nguyện vọng và được xếp loại tốt trong năm học trước đó. Quận sẽ tuyển thêm 11 chỉ tiêu còn thiếu với quy trình như tuyển dụng viên chức, đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch.

Từ năm học 2023 - 2024, thành phố Đà Nẵng tổ chức kỳ thi tuyển dụng riêng cho các giáo viên diện hợp đồng. Kỳ thi này được tổ chức sau kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục nếu không tuyển đủ chỉ tiêu.

Những giáo viên này được hưởng đầy đủ quyền lợi như một giáo viên biên chế, kể cả phụ cấp đứng lớp. Điều này góp phần rút ngắn sự chênh lệch trong quyền lợi, thu nhập của giáo viên hợp đồng so với giáo viên biên chế. Hiệu trưởng các trường học chỉ ký hợp đồng lao động trong trường hợp có giáo viên nghỉ chế độ thai sản.

Theo hướng dẫn của UBND TP Đà Nẵng, thời gian 1 năm học được tính từ 1/8 năm trước đến 31/7 năm tiếp theo. Trong đó ngày 1/6 đến 31/7 là thời gian nghỉ hè. Như vậy, giáo viên hợp đồng vẫn tham gia các đợt bồi dưỡng chính trị hè, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn cùng với giáo viên biên chế và được hưởng lương từ tháng 8 cho dù tháng 9 mới bắt đầu công tác dạy học.

rut ngan khoang cach (2).jpg
Liên đội Hoa Lư (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tổ chức chương trình “Truyền thông và tuyên truyền măng non về tác hại, cách giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần”. Ảnh: NTCC

Trao quyền chủ động cho trường

Năm học 2024 - 2025, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh tiếp tục ký hợp đồng với Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) theo Nghị định số 111/2022 ở vị trí Tổng phụ trách Đội.

Chia sẻ của cô Huỳnh Thị Thanh Tình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoa Lư: “Căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, trong thời gian nghỉ hè của năm học 2023 - 2024, cô Ngọc Anh vẫn đảm nhận nhiều công việc nên tháng 6 và 7/2024, nhà trường chi trả lương và phụ cấp đầy đủ”.

Theo đó, trong hè 2024, cô Ngọc Anh tham gia hoàn thiện hồ sơ kiểm định chất lượng của nhà trường cũng như hồ sơ của Liên đội để đánh giá công tác thi đua; hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi văn nghệ và sân chơi, diễn đàn dành cho thiếu nhi… Ngoài ra, với vai trò là Tổng phụ trách Đội, cô Ngọc Anh còn hỗ trợ các phường tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi.

Đối với trường hợp hợp đồng lao động thời gian nghỉ hè, UBND TP đã hướng dẫn Sở GD&ĐT Đà Nẵng và UBND các quận, huyện chỉ đạo giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở giáo dục đào tạo công lập căn cứ vào tình hình thực tế, khối lượng công việc để quyết định việc chi trả, phụ cấp. Như trường hợp cô Ngọc Anh, Trường Tiểu học Hoa Lư phải có bảng miêu tả chi tiết khối lượng công việc mà người lao động thực hiện trong hè để có căn cứ duyệt chi trả lương.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Để đảm bảo định mức giáo viên/lớp, thành phố Đà Nẵng đã bố trí dự phòng ngân sách để hợp đồng giáo viên theo số lượng theo yêu cầu của quá trình triển khai chương trình – sách giáo khoa mới. Có thể năm nay, thầy cô này sẽ ký hợp đồng dạy học với trường A nhưng năm tới, trường A không có nhu cầu thì chuyển sang hợp đồng với trường khác. Nhưng tâm lý của người lao động muốn ổn định nên có thể khó để hợp đồng đủ giáo viên theo nhu cầu”.

Vì vậy, theo ông Lê Trung Chinh, trong xây dựng đề án, Đà Nẵng tính đến phương án ổn định nhất cho người lao động để vẫn đảm bảo chất lượng dạy – học. Vì thế, số giáo viên trúng tuyển hợp đồng của năm học đầu tiên triển khai theo Nghị định 111/2022 tiếp tục được ký tiếp hợp đồng trong năm học tiếp theo nếu đạt yêu cầu về xếp loại lao động.

Cô Lê Thị Thu Uyên cho hay: “Giáo viên diện hợp đồng vẫn được nhà trường tạo điều kiện tham gia các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn; được hỗ trợ đăng ký tài khoản để tự học các mô-đun bồi dưỡng giáo viên.

Tuy nhiên, ngoài hưởng lương và phụ cấp đứng lớp theo quy định, giáo viên hợp đồng không có khoản thu nhập tăng thêm từ nguồn tiết kiệm chi như giáo viên biên chế. Nhưng chúng tôi xác định, thời gian dạy hợp đồng là cơ hội nhận nhiều giá trị cộng thêm như kinh nghiệm dạy học, quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh… mà nếu không trực tiếp đứng lớp thì không dễ gì có được”.

Tác giả bài viết: Hà Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1429 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1148 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2459 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2938 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2253 | lượt tải:339
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập365
  • Hôm nay8,858
  • Tháng hiện tại475,613
  • Tổng lượt truy cập51,831,572
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944