Theo kế hoạch, nội dung học sẽ bao gồm các bài giảng, chuyên đề, chủ đề ôn tập dưới dạng video hoặc bài giảng điện tử, hệ thống câu hỏi kiểm tra đánh giá theo chủ đề dưới dạng file word. Đồ dùng dạy học, các tư liệu phục vụ cho các môn học theo từng khối lớp.
Các chuyên đề, chủ đề ôn tập phải bảo đảm hệ thống kiến thức cơ bản; các dạng bài tập mẫu (có lời giải chi tiết); hệ thống bài tập để học sinh tự luyện (đủ các mức độ đánh giá, có đáp án hoặc hướng dẫn giải để giúp học sinh tự đánh giá). Hình thức học là học sinh học trực tuyến qua kênh của Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình và Báo Thái Bình điện tử.
Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu Sở GD&ĐT, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình khẩn trương triển khai kế hoạch, thời gian thực hiện chậm nhất là ngày 15/3. Đối tượng dự học là học sinh lớp 9 và lớp 12, trong đó ngoài chương trình hiện tại, có chương trình bồi dưỡng chuẩn bị cho học sinh lớp 9 và lớp 12 thi lên cấp 3 và thi tốt nghiệp THPT.
Mỗi bộ môn phải có ít nhất 2 thầy dạy. Khung giờ cố định vào buổi sáng từ 8 giờ - 10 giờ, buổi chiều từ 14 giờ - 16 giờ. Ngoài khung giờ cố định trên, Báo Thái Bình điện tử và Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình, nội dung giảng dạy cần được đưa trên các hệ thống hạ tầng khác. Ban Tuyên giáo tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo giáo viên trong toàn tỉnh bám sát chương trình, có bài tập kết thúc môn học và thực hiện chấm bài cho học sinh. Toàn bộ chương trình cần có hệ thống thống nhất. Tên gọi của chương trình là “Chương trình dạy học lớp 9”, “Chương trình dạy học lớp 12”.
Theo Ban Tuyên giáo tỉnh Thái Bình, với hình thức học trực tuyến này sẽ góp phần tích cực, hiệu quả trong việc phòng, chống dịch Covid-19, mở ra nhận thức mới cho phụ huynh và học sinh, chấn chỉnh việc học thêm và dạy thêm.