Thi tốt nghiệp THPT 2020: Đưa Luật Giáo dục vào cuộc sống - những thay đổi quan trọng

Chủ nhật - 03/05/2020 21:25 340 0
GD&TĐ - Do ảnh hưởng của Covid-19, đến thời điểm này, các quyết sách thi và tuyển sinh năm 2020 đã nhận được đồng thuận, nhất trí cao để HS lớp 12 có định hướng ôn tập kiến thức cụ thể hơn và các trường ĐH tìm ra giải pháp tuyển sinh tối ưu...
Thi tốt nghiệp THPT 2020: Đưa Luật Giáo dục vào cuộc sống - những thay đổi quan trọng

Kỳ thi THPT năm nay sẽ chỉ để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 chứ không để xét tuyển đại học như mọi năm. Kỳ thi này sẽ do địa phương tổ chức, các trường ĐH chủ động xây dựng phương án tuyển sinh theo cơ chế tự chủ. Những thay đổi của kỳ thi năm nay thể hiện rõ việc đưa Luật Giáo dục 2019 đi vào cuộc sống.

Tạo thuận lợi xét tốt nghiệp và căn cứ tuyển sinh

Chiều 27/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ GD&ĐT, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng với một số ban, ngành liên quan để nghe báo cáo về phương hướng tổ chức xét tuyển đại học năm 2020.

Đại diện Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết, nhiều trường đã tính đến phương án tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng nhưng rất phức tạp, không chỉ cho thí sinh mà cả các trường. Vì vậy, nếu Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn bảo đảm trung thực, khách quan như những năm trước, độ phân hóa dù có giảm nhưng vẫn bảo đảm độ chênh lệch 0,25 điểm thì đa số các trường vẫn coi đây là một căn cứ quan trọng xét tuyển, và công tác tuyển sinh không có gì thay đổi.

Đại diện Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng cho rằng, phương án công bố 1 đầu điểm cho bài thi tổ hợp là giải pháp căn cơ để tránh tình trạng học lệch nhưng đối với kỳ thi năm nay do thời gian quá gấp nên Bộ GD&ĐT cần xem xét phương án tiếp tục công bố các điểm môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Việc công bố 1 đầu điểm bài thi tổ hợp có thể thực hiện từ kỳ thi năm sau để các trường ĐH, CĐ có thời gian chuẩn bị cho phương án tuyển sinh mới.

Tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ quyết định kỳ thi năm nay sẽ giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp. Thời gian làm bài sẽ bảo đảm đánh giá năng lực học sinh ở các môn thành phần. Như vậy, thay vì chỉ giữ một đầu điểm như dự kiến, bài thi Khoa học Tự nhiên sẽ gồm ba đầu điểm của ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Bài thi Khoa học Xã hội gồm ba đầu điểm của ba môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Việc tách ba đầu điểm sẽ thuận lợi cho cả thí sinh và trường đại học khi sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển. Vì hiện học sinh đăng ký xét tuyển theo khối, tổ hợp môn, mỗi khối/tổ hợp gồm ba môn. Nếu chỉ giữ một đầu điểm cho bài thi tổ hợp, học sinh sẽ phải đầu tư ôn luyện 4 - 6 môn, nhiều hơn so với mọi năm 1 - 3 môn. Các trường cũng phải thay đổi tổ hợp môn xét tuyển.

Quyết định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đúng với tinh thần tự chủ của Luật Giáo dục đại học, phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục đại học và xu thế tuyển sinh thế giới, trong đó việc tuyển sinh được tổ chức nhiều kỳ trong năm, nhiều phương thức xét tuyển, sử dụng cả kết quả học tập THPT (điểm GPA - trung bình các môn học), điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm các kỳ thi chuẩn hóa để tuyển sinh đại học như SAT (Scholastic Assessment Test) là một trong những bài thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào nhiều trường đại học tại Hoa Kỳ; ACT (American College Testing) là kỳ thi đầu vào dành cho học sinh trung học muốn nộp đơn vào các trường cao đẳng và đại học tại Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định đề thi năm nay giảm bớt những câu hỏi khó, nhưng vẫn bảo đảm xếp loại được học sinh trung bình, khá, giỏi, xuất sắc và điểm thi vẫn chênh đến 0,25 điểm. Bộ GD&ĐT sẽ công bố quy chế tuyển sinh đại học chậm nhất ngày 10/5, công bố đề tham khảo theo phương án thi tốt nghiệp THPT. Những người đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước có thể tham dự kỳ thi năm nay (thí sinh tự do) để lấy kết quả xét tuyển đại học.

Bộ GD&ĐT khẳng định các trường có quyền tuyển sinh dựa trên điểm học bạ, năng khiếu, điểm thi tốt nghiệp... và cũng như những năm trước, một số ít trường có các kỳ thi đánh giá năng lực. Tôn trọng quyền tự chủ của của các trường ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh tinh thần là các trường chỉ tổ chức những kỳ thi thêm nếu thật cần thiết, không làm khó cho học sinh.

Bộ GD&ĐT sẽ nhanh chóng rà soát lại, sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ phù hợp với quy định luật mới, theo tinh thần tự chủ nhưng không gây xáo trộn lớn; bảo đảm công khai, minh bạch để xã hội giám sát; tự chủ vẫn phải bảo đảm ưu tiên cho các nhóm xã hội theo quy định; sớm công bố mẫu đề thi để các trường và thí sinh tham khảo…

Trước đó, ngày 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu là xét tốt nghiệp, thay vì thi THPT quốc gia như năm ngoái với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Thí sinh THPT phải thi ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Thí sinh giáo dục thường xuyên phải thi hai bài bắt buộc Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn.

Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội sẽ được ra theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề riêng, làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm. Riêng bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Mỗi năm có khoảng 900.000 học sinh thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Năm nay, học sinh mới học hết tuần 20 (trong 35 - 37 tuần) thì nghỉ Tết và nghỉ phòng chống Covid-19. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường dạy học qua Internet, trên truyền hình, đồng thời đã công bố chương trình tinh giản học kỳ II năm học 2019 - 2020 bậc THCS, THPT.

Bộ GD&ĐT ước tính 10 - 20% học sinh THPT lựa chọn tham dự các kỳ thi tuyển sinh riêng, đa phần các trường vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học. Bộ GD&ĐT dự kiến tiếp tục hỗ trợ trường đại học và thí sinh trong tổ chức đăng ký xét tuyển, lọc ảo dù không còn Kỳ thi THPT quốc gia.

Thi tốt nghiệp THPT 2020: Đưa Luật Giáo dục vào cuộc sống - những thay đổi quan trọng - Ảnh minh hoạ 2
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) trong buổi tư vấn hướng nghiệp tại trường.

Địa phương phải thể hiện rõ trách nhiệm

Chia sẻ về tính cần thiết phải tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, kết thúc bậc tiểu học, THCS không có kỳ thi nào để kiểm định chất lượng. Luật Giáo dục mới quy định rất rõ là hoàn thành lớp 12 sẽ đủ điều kiện để tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây sẽ là kỳ thi cuối cùng để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục hiện hành.

Ông Trinh khẳng định trong thời gian tới đây, Bộ sẽ công bố đề thi tham khảo. Ngay khi Thủ tướng Chính phủ thông qua đề xuất về phương án thi tốt nghiệp THPT 2020, Bộ GD&ĐT đã lên kế hoạch xây dựng đề thi tham khảo phù hợp với mục đích của kỳ thi này để thay thế cho đề thi tham khảo trước đó. Từ đó, giáo viên và học sinh sẽ có định hướng, căn cứ để dạy học và ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Trước những băn khoăn về việc phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020 được lựa chọn quá đột ngột, ông Trinh cho biết thêm: “Bộ GD&ĐT đã tính toán rất sát tới điều kiện học tập đặc thù của năm học 2019 - 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đề thi sẽ được bám sát với chương trình tinh giản đã được Bộ công bố từ trước, ngoài ra sẽ phù hợp với điều kiện ôn tập của các thí sinh năm nay. Nếu vẫn duy trì một kỳ thi THPT quốc gia như các năm trước thì mới chính là đặt áp lực lên vai học sinh lớp 12 trong tình hình học tập như đợt dịch này”.

Trước nhiều thông tin lo ngại về tính an toàn, minh bạch, công bằng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 khi được địa phương tổ chức, ông Mai Văn Trinh khẳng định, Bộ GD&ĐT cam kết sẽ tổ chức một kỳ thi nghiêm túc. Chủ trì kỳ thi do địa phương và coi thi trực tiếp là các thầy, cô giáo tại địa phương theo nguyên tắc đổi chéo. Đề thi sẽ được sử dụng đề trắc nghiệm với mã đề riêng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, năm nay có thanh tra của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT và điểm mới là thanh tra của UBND tỉnh. Trong khâu chấm thi, sẽ áp dụng các biện pháp như camera 24/24 giờ tại địa điểm chấm, bài thi được quét và mã hóa.

Xét học bạ là một phương thức đánh giá học sinh qua cả một quá trình, mà bất kỳ việc đánh giá nào cũng có sự tác động chủ quan của người đánh giá, ở đây là các thầy cô. Tuy nhiên, để giảm thiểu được tối đa những yếu tố đó thì Bộ GD&ĐT đã áp dụng rất nhiều các giải pháp, trong đó có việc yêu cầu các sở GD&ĐT sử dụng học bạ điện tử, có sự quản lý của Bộ GD&ĐT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có bài thi tổ hợp theo hướng giảm số lượng câu hỏi và thời gian phù hợp với mục tiêu của kỳ thi, bài thi bảo đảm mức độ phân hóa. Thí sinh có năng khiếu ở môn thi trong bài tổ hợp khi ôn tập tốt vẫn có kết quả cao hơn những em học lực yếu hoặc không học gì.

Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết thêm, trong quy chế tuyển sinh sắp được ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển đại học không quá khác biệt so với tổ hợp tuyển sinh truyền thống. Các trường đại học có thể lựa chọn đầu điểm khác nhau để tạo tổ hợp xét tuyển phù hợp với ngành nghề đào tạo. Chẳng hạn, khối B truyền thống có điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh, thì với bài thi năm nay, đầu điểm Toán và bài Khoa học Tự nhiên sẽ áp dụng hợp lý cho việc xét tuyển theo khối này...

Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước, bảo đảm mặt bằng chung và sự khách quan công bằng trong xét công nhận tốt nghiệp THPT trên phạm vi cả nước.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ có nội dung nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, được ra sát với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD&ĐT công bố; không đánh đố học sinh; phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có độ phân hóa hợp lý để vừa đánh giá được mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông, vừa có thể phân loại được mức độ đáp ứng chuẩn của các thí sinh khác nhau, nghĩa là phân loại được các nhóm học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình và yếu, kém.

Về ý kiến lo ngại để các trường tự chủ tuyển sinh sẽ dẫn đến tình trạng trăm hoa đua nở, mỗi trường tổ chức một kỳ thi riêng dẫn đến áp lực, tốn kém, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng việc này khó xảy ra. Thống kê những năm qua cho thấy số trường thi tuyển sinh riêng rất ít, chỉ 3 - 4% tổng số thí sinh trúng tuyển. Năm nay dự đoán số trường tham gia thi tuyển sinh riêng tăng lên, nhưng chủ yếu là một số trường top trên, số thí sinh tăng lên nhưng sẽ không đột biến. Đa phần các trường vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học. Ngoài ra, các trường sẽ có xu hướng liên kết lại để tổ chức thi tuyển sinh chung.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập812
  • Hôm nay29,296
  • Tháng hiện tại307,426
  • Tổng lượt truy cập51,663,385
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944