Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì tọa đàm về giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ- đặc biệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Ban quản lí Đề án ngoại ngữ quốc gia và đại diện các tổ chức có uy tín trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, thảo luận, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về những giải pháp hữu ích theo những nhóm vấn đề theo các nhóm nội dung về chương trình, học liệu; về phương pháp tổ chức dạy học; nâng cao chất lượng công tác khảo thí ngoại ngữ và giải pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Về giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh, Bà Donna McGowan – Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh cho rằng chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượ̣ng dạy và học ngoại ngữ.
Bà Donna McGowan đã chia sẻ kinh nghiệm thông qua việc giới thiệu Chương trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông hiện nay Hội đồng Anh đang thực hiện hiệu quả. Cũng về nội dung này bà Cao Phương Hà – Giám đốc Tổ chức Education First giới thiệu Chương trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh trực tuyến.
Các đại biểu thảo luận tại buổi tọa đàm
Các đại biểu thảo luận tại buổi tọa đàm
Các đại biểu thảo luận tại buổi tọa đàm
Về công tác khảo thí ngoại ngữ, các đại biểu đề xuất giải pháp về đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm nâng cao chất lượng khảo thí theo tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể như khả năng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thực hiện khảo thí tiếng Anh cho Việt Nam của ETS hay chương trình đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thực hiện khảo thí tiếng Anh cho Việt Nam của Hội đồng Anh và Cambridge.
Về cải tiến chương trình, học liệu bà Bùi Hiền Thục – Giám đốc Công ty Giáo dục Việt Úc cho rằng việc dạy ngoại ngữ cần gắn với các môn học, môn chuyên ngành nhằm tạo hứng thú và hiệu quả học tập cho học sinh. Bà cũng đề xuất mô hình dạy Tiếng Anh - Toán, Tiếng Anh - Thể dục - Âm nhạc hiệu quả hiện đang được áp dụng tại một số trường phổ thông.
Về ứng dụng công nghệ trong dạy và học ngoại ngữ, Bà Phạm Thị Ngọc Lan - Giám đốc BU Giáo dục Viettel cho rằng: Trong Cuộc cách mạng 4.0, cần thiết phải xây dựng hệ thống chương trình và học liệu dạy tiếng Anh trực tuyến nhằm tạo cơ hội cho người học có cơ hội học ngoại ngữ mọi lúc mọi nơi và bằng mọi phương tiện.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thủy – Tổng Giám đốc Egroup và ông Phạm Minh Tuấn – Tổng giám đốc Topica đều cho rằng để tăng cơ hội sử dụng ngoại ngữ, cần xây dựng mạng xã hội, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ, các chương trình dạy – học tiếng Anh trực tuyến, kết hợp ứng dụng công nghệ điện thoại thông minh.
Kết luận buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những ý kiến tham mưu của các đại biểu trong việc đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ trưởng nhấn mạnh đến 2 ý kiến gợi mở liên quan đến việc chuẩn hóa chương trình, học liệu và tính thiết thực của việc dạy học tiếng Anh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại tọa đàm
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, có rất nhiều chương trình học liệu khác nhau. Thời gian tới, cần có một chương trình tương đối phổ biến để mọi người có thể tiếp cận theo hướng nội dung chương trình chuẩn hóa, học sinh không phải đọc rất nhiều sách, phụ huynh phải mua nhiều sách, gây lãng phí.
Thêm vào đó, việc chuẩn hóa, số hóa sách sẽ giúp mọi người có thể tham gia đánh giá dạy học lẫn nhau trên nền công nghệ. Nhiều giáo viên vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận, trực tiếp nâng cao trình độ tiếng Anh.
Việc dạy và học ngoại ngữ cần phải thiết thực, tránh tình trạng học đối phó, học vì bằng cấp. Cần xây dựng một cộng đồng nói tiếng Anh, một xã hội học tập, người biết nhiều dạy người biết ít, tạo ra phong trào để mọi người giao tiếp mọi nơi.
Cần khơi dậy một môi trường mà ở đó mọi người đều thích nói tiếng Anh, thích đọc tiếng Anh. Các trường đại học, nhất là các trường đại học công nghệ cần nhập chương trình của nước ngoài bằng tiếng Anh, tạo các buổi sinh hoạt seminar bằng tiếng Anh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với các đại biểu tại buổi tọa đàm
Bộ trưởng cũng quan tâm đến việc kiểm định các trung tâm đánh giá tiếng Anh, đề xuất sự tham gia rộng rãi của các trung tâm kiểm định quốc tế có kinh nghiệm và có sự đánh giá khách quan. Kiểm định tốt sẽ không còn tình trạng “bôi trơn”, “chống trượt”.
Cần thay đổi cách tiếp cận trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Giáo viên phải được chuẩn hóa, bồi dưỡng đào tạo theo thực tế, phù hợp theo yêu cầu của từng cấp học. Cần đổi mới phương thức bồi dưỡng giáo viên bằng công nghệ, giảm cách bồi dưỡng truyền thống không thiết thực. Đồng thời tăng cường xã hội hóa, tạo động lực cho giáo viên tự học để nâng cao kiến thức.
Nếu thế hệ trẻ có được kĩ năng Tiếng Anh cùng kiến thức CNTT vững chắc thì chắc chắn sẽ hiện thực hóa được rất nhiều khát vọng. Chúng ta sẽ làm được nếu thực hiện tốt ngay từ bây giờ. Để trong 20 năm tới, khi Tiếng Anh tốt, CNTT mạnh thì chắc chắn nền giáo dục sẽ thay đổi- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.