Tổ quốc nhìn từ biển

Thứ năm - 29/04/2021 21:44 259 0
GD&TĐ - Nhiều năm qua, những vấn đề liên quan đến tranh chấp trên biển Đông, đặc biệt là chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã được Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Khánh Hòa đưa vào giảng dạy.
Tổ quốc nhìn từ biển

Đưa nội dung chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa

Sách giáo khoa (SGK) Lịch sử Đà Nẵng được giảng dạy trong trường học từ năm học 2015 – 2016. Sách gồm 2 quyển, với 7 bài rải đều từ lớp 6 -  9 cho HS THCS và 4 bài dành cho HS THPT. Địa danh Hoàng Sa được nhắc đến xuyên suốt quá trình hình thành lịch sử Đà Nẵng, từ giai đoạn mở mang bờ cõi ở thế kỉ XIV, là vùng lãnh thổ thiêng liêng của Đại Việt, dưới sự quản lý của triều Nguyễn, thời Pháp cho đến những thăng trầm từ 1954 và thời điểm nhóm biên soạn hoàn chỉnh quyển sách, năm 2014.

Ở bậc THPT, sách cũng chia theo phân kỳ lịch sử nhưng sâu hơn, với các nội dung như: Quần đảo Hoàng Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng này xuất hiện từ thời Đại Việt trên cứ liệu lịch sử như thế nào. Nhà Nguyễn bố trí quốc phòng chống quân xâm lược ra sao. Quần đảo Hoàng Sa từ năm 1884 - 1954 trực thuộc Đà Nẵng như thế nào? Từ 1954 đến nay, quần đảo Hoàng Sa trong mối quan hệ với Đà Nẵng, đất nước ta…

Đặc biệt, những sự kiện như ngày 26/5/2014, tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam; Các hoạt động xung quanh việc lên án Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam khi đưa giàn khoan 981 vào; Triển lãm bằng chứng lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa… đều được các nhà biên soạn đưa vào sách.

Khánh Hòa cũng có riêng bộ tài liệu dùng trong các trường học về phần lịch sử địa phương. Trong đó, ở bậc THCS, chương trình học lớp 9 có bài “Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam kết hợp đặc công Quân khu 5 giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa”. Ở bậc THPT, tài liệu được thiết kế theo các chuyên đề theo từng khối lớp, trong đó có nhiều bài học liên quan đến chủ quyền biển đảo.

Như lớp 10, ở chuyên đề di tích có giới thiệu về di tích bia chủ quyền Trường Sa trên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết. Di tích Mũi Đôi – Hòn Đầu và “tàu không số” với tên tuổi của anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Vinh tại đảo Hòn Tàu (thị xã Ninh Hòa). Lên đến lớp 12, với chủ đề ngoại khóa “Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam”, HS được cung cấp nhiều chứng cứ lịch sử khách quan về sự xác lập chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo này.

Tổ quốc nhìn từ biển - Ảnh minh hoạ 2
HS Trường THPT Lý Sơn tham gia xếp hình xác lập kỷ lục quốc gia hình lá cờ Tổ quốc Việt Nam trên biển.

Chính thống và liền mạch

Ngoài biên soạn tài liệu để giảng dạy về Hoàng Sa và Trường Sa trong trường học, từ năm 2012, Sở GD&ĐT Khánh Hòa tổ chức tập huấn cho GV về chuyên đề “Chủ quyền biển đảo quê hương” với các nội dung: Khái quát về biển, đảo, Lịch sử chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; Kinh tế, xã hội của huyện đảo Trường Sa; Thế hệ trẻ Khánh Hòa với trách nhiệm bảo vệ chủ quyển biển đảo để giảng dạy cho HS. Các trường học cũng được trao quyền linh động trong tổ chức hình thức dạy – học để đa dạng hóa hoạt động truyền đạt kiến thức lịch sử chủ quyền biển đảo quê hương.

HS, GV các trường học của Khánh Hòa thường được cập nhật thông tin về tình hình biển đảo hiện nay thông qua buổi trò chuyện, sinh hoạt ngoại khóa do Học viện Hải quân, Hải quân vùng 4 phối hợp tổ chức. Tùy theo điều kiện, một số trường tại Khánh Hòa đã tổ chức cho HS tham quan và kể chuyện tại đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (trên bán đảo Cam Ranh) hay tại các di tích lịch sử của Khánh Hòa…. Những hoạt động này đều góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, bồi dưỡng truyền thống và tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo, nâng cao ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cho HS và GV.

HS bậc tiểu học ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) - quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa, đều có thể nói rành rọt những hiểu biết của mình về Hoàng Sa cùng sự khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Nhiều trường học ở Quảng Ngãi đã tổ chức tham quan Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi để các em được tận mắt chứng kiến 21 tảng đá san hô tượng trưng cho 21 đảo lớn, nhỏ ở Trường Sa - quà tặng của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và nhân dân huyện đảo Trường Sa, nhằm giúp các em HS hiểu hơn về biển, đảo.

Đà Nẵng còn có ngôi trường mang tên Hoàng Sa mà phần lớn HS của trường là con em của ngư dân, chiến sĩ bộ đội biên phòng, hải quân… Ngoài những bài giảng tích hợp về biển đảo trong các môn học chính khóa, Trường THCS Hoàng Sa cũng tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa về chủ quyền biển đảo. Những giờ ngoại khóa sinh động được tổ chức tại Nhà trưng bày Hoàng Sa hay buổi nói chuyện của ông Nguyễn Văn Cúc (trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), người đã từng 3 lần đặt chân đến Hoàng Sa - vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi từ nghìn xưa đã lưu dấu anh hùng vào trang sử vẻ vang của dân tộc, đã bồi đắp thêm tình yêu biển đảo cho HS nơi ngôi trường mang tên huyện đảo Hoàng Sa. 

Hiểu để thêm yêu Tổ quốc

Em Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, HS lớp 11, Trường THPT Ngũ Hành Sơn tâm sự: Trước đây em chỉ biết Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng sự hiểu biết của em cũng chỉ “loáng thoáng”, còn để đưa ra những bằng chứng khẳng định chủ quyền, em không rành lắm. Thông qua SGK Lịch sử Đà Nẵng, em hiểu thêm về nguồn gốc của các tên đường mà hàng ngày mình đi qua, củng cố thêm tình yêu với biển đảo và sự toàn vẹn về chủ quyền biên giới.

Thầy Nguyễn Văn Thương – Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) chia sẻ: Ngoài chuyển tải những thông tin liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa trong các giờ học chính khóa, nhà trường còn tổ chức một số hoạt động ngoại khóa có sự tham gia của cả phụ huynh.

Phụ huynh cũng là đối tượng truyền thông mà nhà trường muốn mở rộng trong tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. So với một số địa phương khác, Khánh Hòa có thuận lợi trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. Vì vậy, chúng tôi tận dụng mọi điều kiện để có thể mở rộng các tiết học tại Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Viện Hải dương học, kết nối với các đơn vị hải quân… để HS có những trải nghiệm thực tế.

Nói như ông Nguyễn Minh Hùng – nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, chủ biên SGK Lịch sử Đà Nẵng: Là công dân của Đà Nẵng, cái tối thiểu nhất các em phải nhớ, hiểu về lịch sử của thành phố, đất nước mình ở những thời điểm quan trọng nhất. Từ đó, các em mới có được sự tự hào, niềm tin vào Tổ quốc, thành phố mình sinh sống và học tập. Rồi mới nói đến việc mình làm gì để bảo vệ, phát huy giá trị của cha ông đã để lại.

Các em đã từng thấy một Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Nguyễn Tri Phương đã cống hiến tài năng, xương máu cho đất nước, thành phố này. Chính thế hệ các em sẽ là người nối tiếp. Còn nếu không hiểu, không nắm lịch sử quê hương, làm sao có thể tự hào về quê hương đất nước, làm sao mà gìn giữ, bảo vệ, đấu tranh được. - Ông Nguyễn Minh Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1351 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1049 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập123
  • Hôm nay1,809
  • Tháng hiện tại50,979
  • Tổng lượt truy cập49,756,744
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944