Phụ huynh băn khoăn
Mới đây, Sở GD&ĐT Thanh Hoá ban hành văn bản về việc đơn vị này phối hợp với một tổ chức ngoại ngữ, để tổ chức kỳ thi với nhiều nội dung gây khó hiểu cho phụ huynh, học sinh (HS).
Cụ thể, công văn số 982/SGDĐT- GDTH, về việc tổ chức thi TOEFL Primary, Junior, ITP cho HSPT Thanh Hoá năm học 2020-2021 gửi các phòng GD&ĐT và các trường THPT trong tỉnh.
Công văn nêu: Nhằm triển khai hiệu quả Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Kế hoạch dạy và học ngoại ngữ đối với giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, để đánh giá khách quan, hiệu quả việc học ngoại ngữ của HS.
Căn cứ công văn 392 ngày 7/4/2021 của IIG Việt Nam (Đại diện của Viện khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ - ETS), Sở GD&ĐT Thanh Hoá phối hợp với IIG Việt Nam tổ chức cuộc thi trên.
Mục đích cuộc thi là tạo cơ hội để học sinh làm quen với các dạng thức bài thi quốc tế. Đánh giá năng lực tiếng Anh hiện tại của HS trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đẩy mạnh việc nâng cao trình độ Tiếng Anh… Đối tượng dự thi là HS từ lớp 2 đến lớp 12 năm học 2020-2021.
Vòng thi thử thi trực tuyến tại phòng máy của trường hoặc ở nhà (bài thi trực tuyến được thiết kế dưới dạng “mini test”, chỉ có phần đọc (không có phần nghe).
Vòng thi chính thức thi trên giấy, tùy vào từng cấp độ. Lệ phí thi, đối với bậc Tiểu học là 730.000 đồng; đối với bậc THCS là 825.000 đồng và HS THPT là 1.090.000 đồng/bài thi.
Cũng theo công văn: “Đối với HS tiểu học, các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường THCS tuyển sinh trên địa bàn toàn huyện/thành phố/thị xã sử dụng kết quả thi TOEFL Primary dành cho HS tiểu học để xét tuyên thẳng vào lớp 6 năm học 2021 - 2022.
Đối với HS THCS, các trường THPT có thể sử dụng kết quả thì TOEFL Junior dành cho HS THCS trong việc ưu tiên phân lớp theo tổ hợp môn (khối thi có môn tiếng Anh) xét cho học sinh lớp10 năm học 2021-2022.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì HS cấp THPT tham dự vòng thi chính thức TOEFL ITP đạt 450 điểm (tương đương BI hoặc bậc 3) sẽ được miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (theo văn bản số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23/4/2014 của Bộ GD&ĐÐT)
Đối với tuyển sinh vào một số trường đại học, HS có thể sử dụng kết quả vòng thi chính thức làm điều kiện xét tuyển vào các trường đại học.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng yêu cầu các đơn vị thông báo rộng rãi tới HS, để đăng ký dự thi.
Sau khi Sở GD&ĐT Thanh Hóa ban hành công văn nêu trên, nhiều bậc phụ huynh HS cho rằng, việc Sở GD&ĐT Thanh Hoá ra công văn, phối hợp với IIG tổ chức cuộc thi trên là phù hợp với các quy định hiện nay hay chưa? Quy định vào đâu để thu mức lệ phí bài thi nêu trên?
Việc HS hoàn thành chương trình lớp 5 chỉ thực hiện xét tuyển, trừ một số trường. Việc chỉ đạo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa như trên là chưa phù hợp. Bởi lẽ, HS lớp 5 ở TP Thanh Hoá đang có kế hoạch thi vào trường THCS Trần Mai Ninh, thì việc tuyển thẳng này là thế nào?
Chuyên viên ngoại ngữ của Sở nói gì?
Qua khảo sát của Báo GD&TĐ tại một số trường THCS, như: THCS Trần Mai Ninh (TP Thanh Hóa), THCS Nguyễn Du (Quảng Xương), THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoàng Hóa)...thì hầu hết các nhà trường đều khẳng định: Năm học 2021-2022 nhà trường chưa có kế hoạch thi hoặc xét môn tiếng Anh đối với HS đầu cấp (lớp 6).
Hiện, các trường mới chỉ tổ chức thi 2 môn Toán và Tiếng Việt. Như vậy, nếu chiếu theo công văn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, là: “...Các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường THCS tuyển sinh trên địa bàn toàn huyện/thành phố/thị xã sử dụng kết quả thi TOEFL Primary dành cho HS tiểu học để xét tuyên thẳng vào lớp 6 năm học 2021 – 2022”, thì không phù hợp.
Một hiệu trưởng trường THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa (đề nghị giấu tên), nói: “Văn bản của Sở ban hành, mà dùng cụm từ “có thể” là không nên, sẽ dễ gây hiểu nhầm cho học sinh và phụ huynh. Văn bản chỉ nêu ở dạng là “có” hay “không”, chứ không thể dùng cụm từ “có thể”.
Bên cạnh đó, khi phụ huynh HS nhìn vào mức lệ phí cho một bài thi từ 730.000 đồng đến 1.090.000 đồng là khá cao. Không biết, Trung tâm IIG Việt Nam đưa ra mức lệ phí như vậy là căn cứ vào cơ sở nào?...”.
Trao đổi với GD&TĐ, ông Nguyễn Thế Hải - Chuyên viên phụ trách ngoại ngữ, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, nói: “Trước hết, về mức lệ phí bài thi mà Tổ chức IIG Việt Nam đưa ra, là do Bộ GD&ĐT đã cho phép và tổ chức này xây dựng phương án. Đương nhiên, tổ chức IIG Việt Nam là đơn vị kinh doanh, nên họ cũng không thể tự đưa ra mức 'trên trời' được, mà họ có lý do của họ.
Việc Sở ban hành công văn này, là do những năm qua, Thanh Hóa thực hiện đề án ngoại ngữ, nhưng tiếng Anh đang rất thấp. Do đó, Giám đốc Sở cũng có phương án làm sao để nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ lên.
Vì thế, trong quá trình đó, có tổ chức IIG Việt Nam đặt vấn đề, nên giám đốc Sở yêu cầu phòng chuyên môn nghiên cứu, tham mưu cùng phối hợp để triển khai công văn này”.
Cũng theo ông Hải, công văn này là thể hiện trên tinh thần tự nguyện. Trên cơ sở tự nguyện đó, là kèm theo định hướng để phát triển môn ngoại ngữ.
Liên quan đến vấn đề Sở GD&ĐT là đơn vị quản lý Nhà nước mà lại phối hợp với tổ chức IIG Việt Nam, ban hành công văn chỉ đạo các phòng GD, các Trường THPT thông báo rộng rãi cho học sinh đăng ký dự thi, liệu đã đúng chưa?
Ông Hải cho rằng: “Tổ chức IIG Việt Nam được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức khảo thí trên toàn quốc. Do đó, Sở GD&ĐT phối hợp với tổ chức này để triển khai và ban hành công văn nêu trên là có cơ sở.
Chúng tôi chỉ nghiên cứu chuyên môn và thấy hợp lý, có khả năng thúc đẩy chất lượng ngoại ngữ lên, thì tham mưu cho giám đốc Sở ban hành công văn”.