Theo đó, lãnh đạo các cơ sở giáo dục phân công tổ trưởng, tổ phó chuyên môn theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT để các tổ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ lựa chọn, đề xuất SGK.
Đối với các bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường thực hiện như sau:
Nếu các cơ sở giáo dục có tổ chuyên môn Khoa học tự nhiên (Lý – Hóa – Sinh) và Lịch sử và Địa lý, tổ trưởng điều hành cho toàn thể giáo viên trong tổ đọc, thảo luận và bỏ phiếu kín để đề xuất lựa chọn SGK theo quy trình đã được hướng dẫn.
Nếu các cơ sở giáo dục có tổ chuyên môn riêng biệt theo từng môn học, lãnh đạo các cơ sở giáo dục hướng dẫn giáo viên đọc, nghiên cứu các SGK.
Sau đó, phân công một tổ trưởng phụ trách môn Khoa học tự nhiên và một tổ trưởng phụ trách môn Lịch sử và Địa lý tổ chức chung một buổi thảo luận và bỏ phiếu kín để đề xuất lựa chọn SGK theo quy trình đã được hướng dẫn.
Đối với môn Hoạt động trải nghiệm, lãnh đạo đơn vị phân công 1 lãnh đạo phụ trách điều hành cho toàn thể giáo viên trong đơn vị nghiên cứu, thảo luận và bỏ phiếu dề xuất lựa chọn SGK như một tổ chuyên môn.
Tất cả giáo viên trong cơ sở giáo dục đều phải thực hiện nghiên cứu, thảo luận và bỏ phiếu đề xuất lựa chọn bộ SGK tại tổ chuyên môn (không chỉ dành cho giáo viên dự kiến dạy học lớp 6 năm học 2021 – 2022).
Đối với các cơ sở giáo dục có nhiều điểm trường, thực hiện một hội đồng lựa chọn SGK và báo cáo về Phòng GD-ĐT tại cơ sở chính.
Phòng GD-ĐT tổng hợp kết quả, kiểm tra hồ sơ đề xuất của các đơn vị, thực hiện lưu trữ theo đúng qui định và gửi bảng tổng hợp của phòng về Sở trước 11g30 ngày 12/3.