Mục tiêu đến năm 2045 đào tạo 50 – 100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn là con số không nhỏ, bởi đây sẽ là những người có trình độ từ đại học trở lên. Các trường đại học đang đứng trước sức ép thời gian, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) nhìn nhận. Một trong những trụ cột quan trọng chính là liên kết trong đào tạo quốc tế, giữa nhà trường, doanh nghiệp và những chính sách của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đến các cơ sở giáo dục đại học.
Một số tập đoàn lớn như Intel hay Synopsys đánh giá cao kỹ sư của Việt Nam, bởi có những ý tưởng hay nhưng đôi khi còn rụt rè. Do vậy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng, bên cạnh yếu tố kỹ năng, sự tự tin rất quan trọng. Muốn sinh viên tự tin, không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo. Doanh nghiệp nên có cơ chế trong vấn đề này. Doanh nghiệp không chỉ nhận đầu ra, mà cần tham gia cùng các trường để đào tạo kỹ sư có đủ phẩm chất từ kiến thức đến kỹ năng.
“Vì thế, nên có chính sách thúc đẩy đào tạo cho sinh viên các khóa ngắn hạn hoặc dài hạn tại doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ giúp đào tạo đầu ra cho các trường, cũng như hỗ trợ đầu vào của đơn vị mình tốt hơn”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh trao đổi.
Tại Tọa đàm “Phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn - Thách thức và Giải pháp”, TS Hoàng Hưng Hải - Giám đốc sản phẩm Qualcomm Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra và quá trình đào tạo sinh viên ngành vi mạch bán dẫn.
Chính phủ đã đưa ra 5 trụ cột để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, gồm: Phát triển hạ tầng; Xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Đào tạo nguồn nhân lực; Huy động nguồn lực; Xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Dưới góc độ của doanh nghiệp, TS Hoàng Hưng Hải nhận thấy, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố rõ ràng nhất và doanh nghiệp có thể tham gia. Bên cạnh đó, nếu có sự phối hợp giữa đầu tư công - tư, doanh nghiệp cũng có thể tham gia trong đầu tư cơ sở vật chất.
“Quan trọng hơn cả, xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Khi đó, doanh nghiệp có thể đưa ra cơ chế đặt hàng, giúp cơ sở đào tạo có chương trình, hoặc đầu ra theo đúng nhu cầu của thị trường. Đó là những điều chúng tôi nghĩ doanh nghiệp có thể đồng hành được nhiều nhất trong trụ cột phát triển ngành vi mạch bán dẫn”, TS Hoàng Hưng Hải trao đổi.
Cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ có 7 trụ cột, TS Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phân tích: Thứ nhất là nghiên cứu và phát triển. Đây là một trong những trụ cột quan trọng khi chúng ta bắt đầu thực hiện. Thứ hai là nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi con người sẽ quyết định việc có thể triển khai sớm hay muộn.
Thứ ba là hạ tầng công nghệ và sản xuất. Thứ tư là chính sách và khung pháp lý. Hiện, khung pháp lý về ngành công nghiệp chip bán dẫn được thể hiện rải rác ở một số Luật Công nghệ thông tin, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao. Riêng Luật Công nghệ cao hiện chưa có các nghị định hướng dẫn. Do đó, việc chúng ta đầu tư vào vi mạch bán dẫn sẽ khó khăn nếu không sửa trụ cột liên quan đến chính sách và khung pháp lý.
Thứ năm là thị trường và ứng dụng. Đây là một trong những trụ cột mà Việt Nam đang yếu. Việc chúng ta có sản phẩm nghiên cứu nhưng gặp khó khăn vướng mắc khi chuyển giao. Vấn đề quan trọng làm thế nào để có thị trường ứng dụng nghiên cứu khoa học, công nghệ?
Thứ sáu là hợp tác và liên kết. Đây là trụ cột mà chúng ta phải tiếp cận với thế giới, nhưng đồng nghĩa với việc phải hấp thụ nó và lan tỏa với thế giới thì mới có thị trường liên quan đến chip bán dẫn. Thứ bảy là công nghiệp phụ trợ. Đây cũng là trụ cột Việt Nam yếu khi công nghiệp phụ trợ hiện chiếm tỷ lệ nhỏ.
“Nếu chúng ta thực hiện tốt 7 trụ cột trên theo lộ trình nhất định, chắc chắn ngành công nghiệp bán dẫn sẽ đạt được như kỳ vọng”, TS Nguyễn Ngọc Sơn bày tỏ.
Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, không phải khi nói nhiều về công nghiệp vi mạch bán dẫn, chúng ta mới nhắc tới vai trò của doanh nghiệp. Từ trước đến nay, trong quá trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, vai trò của doanh nghiệp luôn được đề cao.
Ngay cả những thể chế, chính sách về đào tạo mà Bộ GD&ĐT ban hành cũng luôn nhấn mạnh đến vai trò của hiệp hội doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Đặc biệt, trong xây dựng chương trình, đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo, doanh nghiệp luôn được mời tham gia góp ý. Nếu không có ý kiến của doanh nghiệp, chắc chắn chương trình đào tạo mới sẽ không được thông qua.
“Khi chúng tôi xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của các khối ngành, lĩnh vực, vai trò của doanh nghiệp và những người sử dụng lao động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhờ sự hợp tác với doanh nghiệp, tính cập nhật cả về kiến thức, kỹ năng mà thị trường đòi hỏi sẽ được truyền tải vào chương trình đào tạo”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy mong muốn, khi cơ chế đặt hàng hoàn thiện hơn, giao thêm nhiều quyền lợi, lợi ích cho các bên, doanh nghiệp sẽ cùng tham gia vào quá trình đào tạo và giám sát quá trình này từ đầu vào đến đầu ra và tiếp nhận những nguồn lực lao động đã đặt hàng theo đúng cam kết. Hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học là những cầu nối quan trọng để mang hơi thở của thực tiễn vào quá trình đào tạo. Ngược lại, nghiên cứu trong các trường đại học có thể mang tính dẫn dắt để cho ra đời công nghệ mới, có tính thương mại hóa cao.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc