TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, vấn đề tự chủ đại học ở mỗi nước có quan điểm khác nhau. Nhìn chung, quan niệm về tự chủ đại học là khi trường thể hiện đủ năng lực thì được quyền quyết định, chọn định hướng phát triển cho mình. Thông thường, tự chủ đại học chia ra tự chủ về tổ chức nhân sự, học thuật, tài chính. Theo đó, quyền tự chủ đại học ở mỗi nước sẽ do Nhà nước quy định, tùy theo khả năng thể hiện của các trường.
Tuy nhiên, ở Việt Nam có một số lưu ý đặc thù. Thứ nhất, xét về mặt pháp lý hiện chỉ mới có 23 trường đại học công lập được quyền thí điểm thực hiện tự chủ đại học (Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014).
Theo đó, những cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện. Các trường đại học còn lại vẫn hoạt động theo cơ chế chủ quản. Do đó trước khi triển khai đại trà tự chủ đại học, Chính phủ nên cho định kỳ đánh giá việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của 23 cơ sở GDĐH công lập này.
Bên cạnh đó, mấy năm qua, Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP cũng như chỉ đạo từ một số cơ quan quản lý làm cho các trường đại học và cả xã hội lầm tưởng rằng tất cả cơ sở GDĐH đều được trao quyền tự chủ đầy đủ.
Điểm lưu ý thứ hai, theo ông Khuyến, đang có sự nhầm lẫn về việc Nhà nước phân cấp quản lý cho các trường. Trong đó, Bộ GD&ĐT đại diện cho Nhà nước, Chính phủ để có một số phân cấp cho các trường. Tuy nhiên, đây không phải là trao quyền tự chủ, mà là xu hướng “phi tập trung hóa” bởi không phải vấn đề nào các trường cũng phải có công văn gửi lên xin Bộ GD&ĐT.
Điểm lưu ý thứ ba, đang có sự mặc cả mà điều này thể hiện ngay trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ đang áp dụng về tự chủ tài chính. Ở đây có sự nhầm lẫn giữa cái gọi là “tự túc về ngân sách, tài chính” với tự chủ của đại học. Tự chủ đại học là Nhà nước có trách nhiệm phân cấp, cấp ngân sách cho các trường công. Khi được cấp nguồn ngân sách, trường sẽ quyết định sử dụng ngân sách đó thế nào theo đúng quy định. Nếu sử dụng sai, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thông qua cơ chế thanh tra, kiểm tra và đưa ra chế tài.
“Trước đây, trước một quyết định nào đó, các trường sẽ đặt vấn đề Bộ GD&ĐT đã duyệt chưa? Bây giờ các trường sẽ quyết định, miễn là theo đúng quy định của pháp luật”, ông Khuyến dẫn chứng và nhấn mạnh các trường tự chủ thì tài chính vẫn được cấp.
Cũng theo ông Khuyến, quan điểm của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là các trường thực hiện tự chủ tốt thì ngân sách Nhà nước phải tăng nhiều hơn, bởi rõ ràng các trường đang sử dụng tiền của Nhà nước hiệu quả. “Làm tốt mà bị cắt ngân sách là không hợp lý”, ông Khuyến khẳng định.
Cũng liên quan đến vấn đề tự chủ tài chính, lãnh đạo một trường đại học công lập tại TPHCM thẳng thắn nói, Nhà nước cần nhìn nhận đúng về tự chủ đại học. Tự chủ không phải để đại học công lập tự lo tài chính hoạt động.
“Điều 96 Luật Giáo dục 2019 và Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định trách nhiệm Nhà nước đối với giáo dục đại học bao gồm cấp ngân sách cho đầu tư phát triển, học bổng, đặt hàng các ngành đào tạo mà xã hội có nhu cầu, khoa học cơ bản, tín dụng... Những nội dung này thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với giáo dục đại học, đồng thời tạo điều kiện bình đẳng trong giáo dục đại học”, vị này nói.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM cho hay, cắt ngân sách với các trường tự chủ sẽ gây khó khăn chỉ đúng một phần. “Ví dụ, một trường đại học chưa mạnh về “thế và lực”, mỗi năm ngân sách cấp cho khoảng 20 - 30 tỷ đồng. Nhưng khi tự chủ sẽ khó khăn bởi Nhà nước cắt phần tiền này để nhường cho đơn vị khó khăn hơn. Còn với đơn vị đã mạnh sẽ dễ khẳng định vị thế của mình với xã hội, được quyết những gì mong muốn làm và chịu trách nhiệm về quyết định đó”, ông Hoàn nói.
Cũng theo ông Hoàn, khi được tự chủ thì quyết định và trách nhiệm giải trình sẽ đi song song. Từ đó, cơ hội của các trường tự chủ sẽ tốt hơn. “Tự chủ là không mất cơ hội. Cơ hội đến rồi mà không tự quyết được thì sẽ vuột mất”, ông Hoàn khẳng định.
Bên cạnh việc tự chủ đại học bị đồng nghĩa với tự chủ tài chính, các chuyên gia giáo dục cũng có nhiều tranh luận quanh quyền tự quyết của hiệu trưởng. Tại báo cáo Thủ tướng về vấn đề Tự chủ đại học tại Việt Nam, TS Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất, chưa nên thực hiện tự chủ đại học đồng thời ở các trường đại học công lập mà cần có lộ trình phù hợp. Không chạy theo số lượng, không nóng vội. Ngoài ra, ở Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học rất đa dạng về chủ sở hữu, năng lực và đặc điểm. Vì vậy, Nhà nước cần có nhiều mức độ tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học khác nhau.
Đặc biệt, theo TS Vũ Ngọc Hoàng, quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho một tập thể lãnh đạo có trí tuệ (tức Hội đồng trường), không thể trao cho cá nhân hiệu trưởng. Do đó chỉ các trường đại học công lập được tự chủ mới thực sự cần có Hội đồng trường.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, tự chủ là để trường được tự quyết làm và nếu thất bại thì phải chịu trách nhiệm trước tập thể, xã hội. Đó là quyền quyết định cao và thuận lợi nhất. Vì vậy, càng áp lực cho người đứng đầu.
“Nếu trường không phát triển hay có vấn đề nào đó thì người đứng đầu hoàn toàn chịu trách nhiệm. Do đó, người đứng đầu phải tìm hướng đi đúng nhất. Đi tắt đón đầu nhưng đi làm sao phải đến sớm nhất với mục tiêu của mình và giảm chi phí tối thiểu vì khoản tiền này không phải “trên trời rơi xuống” mà tiền của cả tập thể làm ra. Khi Nhà nước giao quyền, người đứng đầu phải cân nhắc, quản lý sao cho việc chi đồng tiền mang lại hiệu quả tốt nhất”, ông Hoàn chia sẻ.
Tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 chỉ đạt 0,25% đến 0,27% GDP (chiếm từ 4,32% - 4,77% tổng ngân sách Nhà nước dự toán chi cho giáo dục và đào tạo).
Thậm chí, năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục đại học có tỷ trọng là 0,27% GDP nhưng thực chi chỉ có 0,18% GDP. Đặc biệt, từ năm 2018 đến năm 2020, tỷ lệ thực chi giảm từ 0,20% GDP (chiếm 4,27% ngân sách Nhà nước thực chi cho giáo dục và đào tạo) xuống còn 0,18% GDP (chiếm từ 4,06% ngân sách Nhà nước thực chi cho giáo dục và đào tạo).
Tác giả bài viết: Quốc Hải
Ý kiến bạn đọc