Theo TS Hoàng Hữu Niềm - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường THPT Kinh Đô (Hà Nội), nếu Luật Nhà giáo có chất lượng tốt, tính khả thi cao, sẽ là động lực lớn để đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới.
Dự thảo Luật Nhà giáo đã cố gắng Luật hoá các quy định cơ bản về nhà giáo. TS Hoàng Hữu Niềm nhận thấy, quản lý Nhà nước đối với nhà giáo trình bày tại chương VII, trong dự thảo Luật gồm 5 điều (từ Điều 55 đến 59).
Về cơ bản, các quy định tương đối đầy đủ, thống nhất và cụ thể hóa một số vấn đề trong Luật Giáo dục 2019. Tuy nhiên theo TS Hoàng Hữu Niềm, nên chuyển “Điều 6 - Nguyên tắc quản lý và phát triển nhà giáo” và “Điều 7 - Chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo” từ Chương I về chương VII này cho logic.
Về thực trạng hoạt động quản lý đối với nhà giáo tại các cơ sở giáo dục tư thục, các cơ sở giáo dục tư thục cơ bản thực hiện đủ các quy định ghi tại Khoản 1 của Điều 58 trong dự thảo Luật Nhà giáo tuy có khác nhau ở các chi tiết cụ thể.
Thực tiễn cho thấy, các cơ sở giáo dục tư thục, chủ trường đều kí hợp đồng lao động với giáo viên và thực hiện các chế độ theo Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, mỗi trường vận dụng các điều luật khác nhau về nhiều nội dung như: thời hạn hợp đồng, mức lương khởi điểm, thời gian thử việc, đánh giá giáo viên, quy chế làm việc…
Do quan hệ của các nhà giáo trong các trường tư thục nhiều khi mang tính chất cá nhân: nhà giáo với chủ trường, nên khi có xung đột, mâu thuẫn quyền lợi, nhiều khi nhà giáo không hiểu rõ về pháp luật, cũng không có tổ chức nào có trách nhiệm hỗ trợ, bảo vệ nên thường bị thiệt thòi.
Hoạt động bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đi kèm với hoạt động thanh, kiểm tra, đánh giá nhà giáo ở một số cơ sở giáo dục tư thục chưa được quan tâm đúng mức nên dễ xảy ra những sự cố nghiêm trọng khi nhà giáo tác nghiệp.
Vì vậy nếu Luật nhà giáo làm rõ được việc thực hiện các điều khoản của Luật Lao động về quan hệ người lao động và người sử dụng lao động theo đặc thù công tác của nhà giáo, sẽ giúp được việc nâng cao chất lượng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà giáo tại các cơ sở giáo dục tư thục (Mục 2- Hợp đồng nhà giáo, chương IV tại dự thảo này vừa dài, vừa chưa cụ thể).
Đặc biệt, mối quan hệ giữa nhà đầu tư (chủ trường) và hiệu trưởng các trường tư thục là mối quan hệ giữa người làm thuê với chủ trường nên nhiều khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột về quan điểm, cách xử lí các tình huống liên quan đến chất lượng giáo dục và khi đó thường thì hiệu trưởng chịu thua (Mục 2- Hợp đồng nhà giáo, chương IV chưa có vấn đề này).
Không cần nêu lại trong Luật Nhà giáo
TS Hoàng Hữu Niềm góp ý, cần thêm vào Mục 2 - Hợp đồng nhà giáo, tại chương IV hoặc Điều 58 một điểm là Hợp đồng lao động giữa chủ trường và nhà giáo quản lí cơ sở giáo dục.
Cần xem xét lại khoản 2 và 3: tại khoản “2. Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi… thực hiện các nội dung quản lý quy định tại khoản 1 Điều này. Người đứng đầu cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp về tình hình quản lý, sử dụng nhà giáo tại cơ sở”;
Còn khoản “3. Cơ sở giáo dục công lập…… thực hiện các nội dung quản lý quy định tại khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật và theo sự phân cấp của cơ quan có thẩm quyền quản lý”.
“Vậy các trường ghi tại khoản 2 khi thực hiện việc kí hợp đồng với nhà giáo, chấm dứt hợp đồng… có phải theo quy định của pháp luật không?” - TS Hoàng Hữu Niềm nêu vấn đề.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Kinh Đô, cần thiết kế lại cơ bản Điều 58 này vì nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong luật này. Vì suy cho cùng thì hầu hết các vấn đề tác động trực tiếp (tốt hay xấu), ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giáo dục đối với nhà giáo là từ công tác quản lý nhà giáo tại cơ sở giáo dục.
TS Hoàng Hữu Niềm đề xuất, Luật Nhà giáo có đối tượng áp dụng cụ thể, vì vậy Luật cần định nghĩa Nhà giáo thật rõ và đầy đủ (Điều 2), không trình bày như Luật Giáo dục 2019.
Luật Nhà giáo liên quan chặt chẽ với nhiều Luật, trong đó gần nhất là Luật Giáo dục, Luật lao động, Luật Viên chức…, vì vậy tôi đề xuất: Những quy định đã thể hiện rõ, đầy đủ tại các Luật khác thì không cần nêu lại trong Luật Nhà giáo mà chỉ cần nêu đường dẫn và cụ thể hóa áp dụng với nhà giáo thế nào để tránh dài dòng, trùng lặp mà lại không rõ ràng.
Ý kiến bạn đọc